Thế giới có nguy cơ tụt hậu trong việc chấm dứt đói nghèo. Ảnh minh họa: Rappler.
Phát biểu trong diễn đàn thường niên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC) tại trụ sở LHQ ở New York ngày 28/4, Tổng thư ký LHQ António Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philemon Yang và Chủ tịch ECOSOC Bob Rae nhấn mạnh nhu cầu cần nhiều nguồn lực hơn và cần một cuộc đại tu tài chính toàn cầu.
Theo đại diện các tổ chức LHQ, nếu không có phản ứng hiệu quả, thế giới có nguy cơ tụt hậu hơn nữa trong việc chấm dứt đói nghèo, chống biến đổi khí hậu và xây dựng các nền kinh tế bền vững mới.
Diễn ra sau Hội nghị mùa xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tuần trước, diễn đàn thường niên của ECOSOC về Tài trợ cho phát triển năm nay tập trung vào các vấn đề tăng trưởng toàn cầu, căng thẳng thương mại và gánh nặng nợ gia tăng ở các nước đang phát triển.
Các bên đều thua trong cuộc chiến thương mại
Tổng thư ký LHQ Guterres cho biết, diễn đàn ECOSOC 2025 diễn ra trong “thời điểm quan trọng”, khi bản thân sự hợp tác toàn cầu đang bị đe dọa. Theo ông, căng thẳng thương mại gia tăng là một rủi ro lớn, và nhấn mạnh trong khi thương mại công bằng là một minh chứng rõ nét về lợi ích của sự hợp tác quốc tế, thì sự gia tăng các rào cản thương mại lại đặt ra “mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu” đối với nền kinh tế toàn cầu. Điều này được thể hiện rõ khi gần đây, IMF, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các nhà kinh tế của LHQ lần lượt hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu.
“Trong một cuộc chiến thương mại, tất cả các bên đều thua thiệt - đặc biệt là những quốc gia và người dân dễ bị tổn thương nhất, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, người đứng đầu LHQ nêu rõ.
Đáng lưu ý, nhiều nhà tài trợ hiện đang rút lui khỏi các cam kết viện trợ, trong khi chi phí vay tăng cao làm cạn kiệt các khoản đầu tư công, khiến các Mục tiêu Phát triển bền vững “đi chệch hướng đáng kể”. Do vậy, các nước cần phả “tăng tốc” khi chỉ còn 5 năm nữa để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi các quốc gia đưa ra những kết quả táo bạo tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 về Tài trợ cho Phát triển sẽ được tổ chức tại Seville (Tây Ban Nha) sắp tới.
Gánh nặng nợ
Song song đó, Chủ tịch ECOSOC Bob Rae cũng bày tỏ mối quan ngại đối với vấn đề này, nhấn mạnh rằng hơn 3 tỷ người đang sống ở những quốc gia mà chính phủ chi nhiều tiền cho việc trả lãi vay hơn là cho y tế hoặc giáo dục.
“Chúng ta rất cần một cấu trúc nợ hợp lý hơn”, ông nói, đồng thời kêu gọi các cuộc cải cách khẩn cấp để các quốc gia có cơ hội vừa có thể trả nợ vừa đầu tư vào tương lai của đất nước.
Cũng tại diễn đàn ECOSOC 2025, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philemon Yang nhấn mạnh hậu quả của việc gánh nặng nợ gia tăng và không gian tài chính thu hẹp.
Tại hơn 50 quốc gia đang phát triển, các chính phủ hiện chi hơn 10% doanh thu để trả nợ - là một dấu hiệu cảnh báo rõ ràng về tình trạng vỡ nợ, các nhà kinh tế của LHQ cảnh báo.
Theo ông Yang, “việc chúng ta không thể cải cách cấu trúc tài chính quốc tế đang hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp cận vốn”. Ông cũng cho rằng việc thu hẹp khoảng cách tài chính cho phát triển - hiện ước tính lên tới hơn 4.000 tỷ USD/năm - là rất quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Kỳ vọng vào hội nghị ở Seville
Khi các cuộc đàm phán tiếp tục hướng tới một kết quả khả quan tại Seville, Tổng thư ký Guterres đã nêu bật 3 lĩnh vực cần được ưu tiên, bao gồm giải quyết nợ không bền vững, củng cố các ngân hàng phát triển đa phương và mở ra các luồng tài chính bền vững mới.
Đại diện LHQ kêu gọi huy động nhiều nguồn lực trong nước hơn, các giải pháp tài chính sáng tạo, kiểm soát tốt hơn các luồng tài chính bất hợp pháp và tăng cường quan hệ đối tác với khu vực tư nhân. Trong khi đó, Chủ tịch ECOSOC Rae cho rằng cuộc thảo luận phải vượt ra ngoài các tuyên bố để hướng tới hành động cụ thể, có thể đo lường được.
“Chúng ta cần sự đổi mới, sáng tạo và quan hệ đối tác mang lại tác động lâu dài và mang tính chuyển đổi”, ông nhấn mạnh.
Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 về Tài trợ cho phát triển sẽ được tổ chức từ ngày 30/6 đến ngày 3/7 tại Seville, Tây Ban Nha. Đây được xem là cơ hội quan trọng để xây dựng lại hệ thống tài chính toàn cầu nhằm giải phóng các khoản đầu tư cấp thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN)