Trong 2 ngày 16 và 17/4, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025, với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm".
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị.
Phát biểu tại lễ khai mạc, đại diện Liên Hợp Quốc khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng khí hậu và thách thức phát triển bền vững.
Theo Liên Hợp Quốc, năm 2025 là dấu mốc 10 năm của Thỏa thuận Paris và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Tuy nhiên, thế giới vẫn đang "cách rất xa" mục tiêu đã đề ra, khi còn hơn 170 triệu người chưa có điện và 2 tỷ người không có giải pháp nấu ăn sạch. Các cú sốc khí hậu và bất ổn toàn cầu tiếp tục đe dọa xóa bỏ thành quả phát triển đã đạt được.
Dù vậy, đại diện Liên Hợp Quốc cho biết, vẫn có những lý do để hy vọng. Đó là những cam kết của các chính phủ, doanh nghiệp; là những mô hình hợp tác hiệu quả như Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP); và là cơ hội từ chính các yếu tố kinh tế: đầu tư vào khí hậu có thể sinh lời gấp 10 lần, trong khi năng lượng tái tạo đã trở thành nguồn điện mới rẻ nhất ở nhiều nơi trên thế giới…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.
Đáng chú ý, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina J.Mohammed khẳng định, Việt Nam được nhấn mạnh là "quốc gia đi đầu về năng lượng sạch", khi mạnh mẽ chuyển dịch khỏi than đá, thúc đẩy phát triển công bằng và bền vững. Việt Nam cũng đang thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tới hàng tỷ USD mỗi tháng, cho thấy tiềm năng mạnh mẽ trong phát triển xanh và bao trùm.
Bà Amina J.Mohammed kêu gọi chính phủ các nước đẩy mạnh hành động với các kế hoạch khí hậu quốc gia (NDCs), đầu tư cho năng lượng sạch và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp và tài chính được khuyến khích tiếp tục đổi mới, hợp tác và biến thách thức khí hậu thành cơ hội phát triển bền vững.
"Chúng ta đang đứng trước cơ hội hiếm có để mở ra một kỷ nguyên kinh tế mới - nơi tăng trưởng xanh đi đôi với công bằng, bao trùm và phát triển con người", Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina J.Mohammed nhấn mạnh.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina J.Mohammed khẳng định, Việt Nam được nhấn mạnh là "quốc gia đi đầu về năng lượng sạch". (Ảnh: Nguyễn Linh)
Là một trong các thành viên sáng lập, đồng thời cũng là một trong những đối tác chính của P4G, Việt Nam luôn tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với các thành viên thúc đẩy các nghị sự, tầm nhìn, sứ mệnh của Diễn đàn, mà còn thông qua các dự án, chương trình hợp tác trong khuôn khổ P4G để thu hút các nguồn lực quý báu cho phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Khoảng 1.000 đại biểu quốc tế đến từ hơn 40 quốc gia và tổ chức quốc tế bao gồm các nước thành viên P4G và đối tác, khách mời, các cơ quan quản lý về tăng trưởng xanh của các nước thành viên P4G, các quỹ đầu tư, viện nghiên cứu, học giả, doanh nghiệp, ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế đăng ký tham dự dưới các hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Các đại biểu quốc tế dự lễ khai mạc Hội nghị.
Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh sẽ thông qua 2 văn kiện, là "Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" và "Tuyên bố về tăng cường hợp tác giữa P4G và các tổ chức, cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững".
Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu 2030, hay còn gọi là P4G, được thành lập từ năm 2017 do Đan Mạch khởi xướng và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
Mục đích của Diễn đàn nhằm kết nối chính phủ với doanh nghiệp và tổ chức xã hội để thúc đẩy hợp tác công - tư trong các lĩnh vực then chốt như giảm thất thoát lương thực, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, nước sạch và giao thông không phát thải.
Kết quả nổi bật của P4G là cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực phòng chống biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn 1 (2017-2022), P4G đã đầu tư 28 triệu USD cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; tổng số tiền tài trợ của P4G cho giai đoạn 2 (2023-2027) là hơn 35 triệu USD.
PV/VOV.VN