Đây là ý kiến chung của các diễn giả tham dự hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhanh, bền vững" do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 18.11 tại Cần Thơ.
“Loay hoay với những câu chuyện biết rồi”
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 9.2024, huy động trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đạt khoảng 857.000 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8%. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 643.000 tỷ đồng, tăng 7% (cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 6,28%); chiếm 54% tổng dư nợ của vùng và 18,4% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Đáng chú ý, tín dụng với các ngành lúa gạo, thủy sản, rau quả - là thế mạnh của vùng đạt kết quả tích cực. Cụ thể, dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 124.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023 và chiếm khoảng 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 134.000 tỷ đồng, tăng 6,3% và chiếm khoảng 53% dư nợ thủy sản toàn quốc. Dư nợ ngành rau quả đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, tăng 10% và chiếm khoảng 26% dư nợ rau quả toàn quốc.
Tại hội thảo, các ý kiến ghi nhận nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc thúc đẩy tín dụng cho nông sản chủ lực ĐBSCL trong thời gian qua, song cũng cho biết, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, đáng chú ý là việc tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chưa được đẩy mạnh.
Các đại biểu tại phiên thảo luận "Tăng tốc tín dụng cho nông sản chủ lực của ĐBSCL". Ảnh: Lâm Hiển
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, mối liên kết, hợp tác giữa 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản còn thiếu chặt chẽ, bền vững; các cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra chưa được thực hiện nghiêm túc. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa, gây khó khăn cho ngân hàng khi thu hồi vốn vay.
Bên cạnh đó, nông nghiệp, nông thôn chịu nhiều rủi ro về biến đổi khí hậu, giá cả thị trường song việc triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp còn chậm, chưa có tổng kết để chính thức nhân rộng. Hiện cũng chưa có nguồn vốn chính sách ưu đãi cho các tổ chức tín dụng để cho vay nông nghiệp, nông thôn; các ngân hàng vẫn phải huy động từ nguồn vốn thương mại lãi suất cao, trong khi lãi suất cho vay chịu áp trần.
Nhìn từ “bên vay”, khó khăn xuất phát từ chỗ thiếu tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm có vấn đề; tính minh bạch thông tin và tính tuân chủ còn yếu. “Không phải cứ có tài sản bảo đảm là được vay, mà phương án vay và sử dụng vốn vay rất quan trọng”, bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng, từng làm trong ngành ngân hàng nhiều năm, cho biết. Bà cũng nói thêm rằng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp đứt gãy vì hợp tác xã quản trị yếu và người dân thấy lợi trước mắt là làm, không hướng tới giá trị dài hạn khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, muốn không phải “loay hoay với những câu chuyện biết rồi” như vậy và thúc đẩy được vốn tín dụng cho các ngành nông sản chủ lực ĐBSCL thì cần có những giải pháp đột phá.
Mấu chốt là xây dựng thành công liên kết chuỗi giá trị
Đầu tiên, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, phải sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn với chế biến, tiêu thụ.
Thực tế, thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng đã tiến hành cho vay theo chuỗi giá trị. Theo đó, dựa trên hợp đồng liên kết sản xuất - thu mua nông sản và xác nhận của doanh nghiệp đầu chuỗi, các tổ chức tín dụng sẽ thanh toán các khoản đầu tư trực tiếp đến các đơn vị cung ứng vật tư tham gia liên kết (giống, phân bón…) và thanh toán trực tiếp tiền thu mua lúa của doanh nghiệp liên kết cho từng hộ nông dân.
Trước thực trạng nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp và các cơ quan chức năng gần như bất lực trước những rào cản trong việc tiếp cận nguồn vốn cho nông nghiệp, nhiều chuyên gia gần đây cho rằng, các giải pháp đổi mới, đặc biệt là mô hình vay vốn theo chuỗi giá trị cần được nghiên cứu và triển khai với các biện pháp thực hiện cụ thể, hiệu quả.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, doanh nghiệp muốn tham gia Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao phải có liên kết với hợp tác xã hoặc tổ chức nông dân ít nhất về bao tiêu sản phẩm. “Như vậy, Chính phủ, Thủ tướng coi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân là vấn đề cốt lõi để nâng cao giá trị và thương hiệu lúa gạo”. Cũng theo ông, Công ty Trung An nhờ liên kết theo chuỗi giá trị mới tồn tại được trên thương trường và xuất khẩu vào những thị trường cao cấp. “Xây dựng thương hiệu gạo nghĩa là khiến người ta tin dùng, thích và mua gạo của mình, muốn làm được vậy thì mấu chốt vẫn là xây dựng thành công chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ”, ông khẳng định.
“Ở góc độ ngân hàng, chúng tôi cũng thấy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là giải pháp căn cơ để tháo gỡ điểm nghẽn về vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn hiện nay”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết. Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển cũng đồng tình với quan điểm này.
Tuy nhiên, chuỗi giá trị này phải đa dạng hóa nguồn vốn để giảm rủi ro cho ngành ngân hàng và phát triển bền vững, TS. Cấn Văn Lực tiếp tục lưu ý.
“Vậy còn Chính phủ nên làm gì?”. Theo vị chuyên gia này, Chính phủ cần tiếp tục định hướng ưu tiên cho vay tam nông; điều tiết hiệu quả các kênh tín dụng cho nông nghiệp; quy định cụ thể về cho vay tín chấp, tài trợ chuỗi cung ứng và hàng tồn kho, dựa trên minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Đặc biệt, cần tính toán phương án trợ cấp cho nông nghiệp, như Mỹ đã làm thông qua các chương trình chống biến đổi khí hậu và xanh hóa nông nghiệp. Cùng với đó là phát triển bảo hiểm nông nghiệp để giảm thiểu rủi ro; tăng cường kết nối cung - cầu nông sản; làm rõ quy định về tài sản bảo đảm, xác định những loại tài sản có thể thế chấp; phát triển thị trường phái sinh hàng hóa để giảm rủi ro biến động giá nông sản.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng, tài chính vi mô là một kênh vốn tiềm năng cho nông nghiệp, nông thôn, do đó, cần luật hóa kênh này để tăng tỷ trọng này lên ít nhất 10%.
__________________________________________________________________________________
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV: Đa dạng nguồn vốn thay vì “chăm chăm” vào tín dụng
Về cấu trúc, có nhiều nguồn vốn cho nông nghiệp. Đó là: ngân sách nhà nước; nguồn vốn nước ngoài; vốn tín dụng, bảo lãnh, cho thuê tài chính; huy động từ thị trường vốn; khách hàng (thông qua đặt cọc, ứng trước), đối tác (trả chậm, tín dụng thương mại; vốn tự có, vốn góp.
Riêng vốn cho tam nông, tính theo giá trị tuyệt đối, có tăng, từ 60.000 tỷ đồng năm 2011 lên 140.000 tỷ đồng năm 2023 nhưng tốc độ tăng chỉ đạt 5 - 7%, thấp hơn so với tốc độ tăng vốn đầu tư của toàn nền kinh tế và về tỷ trọng đã giảm từ 5,1% năm 2011 xuống 4,2% năm 2023.
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước (gồm cả vốn lồng ghép từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số miền núi, giảm nghèo, nông thôn mới) dự kiến bố trí 420,4 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025 nhưng giải ngân còn chậm. Vốn ODA giai đoạn 2021 - 2024 đạt khoảng 11.000 tỷ đồng. Vốn FDI 3,8 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng FDI. Vốn tín dụng ngân hàng tăng trưởng tương đối tốt: tính đến hết tháng 9.2024, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 24% tổng dư nợ của nền kinh tế; giai đoạn 2016 - 2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trung bình 16,3%/năm. Vốn tài chính vi mô (chính thức và phi chính thức…), hiện chưa được quan tâm nhiều.
Dù hệ thống tín dụng ngân hàng hiện đóng vai trò quan trọng nhất trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng, nhưng chúng ta không nên chỉ chăm chăm vào vốn tín dụng; thay vào đó, phải đa dạng hóa các nguồn vốn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ở nhiều quốc gia, ngân hàng nông nghiệp và các ngân hàng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp chiếm 64% tín dụng cho tam nông; tài chính vi mô chiếm 21%; ngân hàng thương mại chỉ chiếm 7,2%; các tổ chức xã hội 3%; tổ chức phi chính phủ 2%. Đây là cơ cấu vốn lành mạnh mà Việt Nam cần hướng tới để giảm rủi ro cho ngành ngân hàng và phát triển bền vững.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An: Đừng để ngành hàng lúa, gạomất cơ hội chỉ vì không vay được vốn
Mô hình cánh đồng mẫu lớn triển khai từ năm 2011 nhưng đến cuối năm 2022 chỉ còn lại 2 doanh nghiệp còn duy trì cánh đồng liên kết khá hoàn chỉnh là Công ty Trung An ở Cần Thơ và Tập đoàn Lộc Trời ở An Giang; trong khi ban đầu có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia. Do không tiếp cận được vốn vay để đáp ứng thanh toán cho các khâu trong chuỗi nên các cánh đồng liên kết bị “teo nhỏ” dần!
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển
Nhận ra nút thắt cơ bản này, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao với mục tiêu cơ bản nhất là để ngành hàng lúa, gạo phát triển bền vững, giảm phát thải thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng tôi rất phấn khởi, háo hức, kỳ vọng vào các giải pháp mới để Đề án không lặp lại cánh đồng mẫu lớn năm 2011.
Để thực hiện dự án trong Đề án, các doanh nghiệp cần vốn vay dài hạn (7 - 10 năm) để xây dựng và lắp đặt máy sấy lúa, lắp silo chứa lúa, xây dựng và lắp đặt (bổ sung) các hạng mục cơ giới hóa đồng bộ cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho vùng liên kết, xay xát, chế biến, chế biến sâu, đóng gói các sản phẩm trong chuỗi lúa, gạo. Cùng với đó là vốn vay ngắn hạn để thanh toán tiền lúa tươi cho nông dân khi thu hoạch.
Thực tế cho thấy, nếu ngân hàng, các tổ chức tài chính cho doanh nghiệp ngành hàng lúa, gạo vay 2 tỷ USD vốn dài hạn và 2 tỷ USD vốn ngắn hạn (dưới 12 tháng) - đây là số tiền rất khiêm tốn so với 12 triệu tỷ đồng, tương đương 500 tỷ USD lượng tiền nhàn rỗi của cộng đồng gửi tại ngân hàng, để thực hiện Đề án thì mỗi năm chuỗi lúa, gạo sẽ thu về 10 tỷ USD, chưa tính tiền thu được từ bán tín chỉ carbon! Doanh nghiệp, nông dân và cộng đồng xã hội đều phát triển; tạo đà kéo theo thêm 2 triệu héc ta đất lúa nữa của ngành hàng lúa, gạo Việt Nam cùng phát triển bền vững, chủ động từ sản xuất đến tiêu thụ với giá trị cao! Nếu cứ để ngành hàng lúa, gạo Việt Nam sản xuất, kinh doanh như hiện tại thì mỗi năm, Việt Nam tự đánh mất khoảng 5 tỷ USD.
Đừng để ngành hàng lúa, gạo của ĐBSCL tiếp tục mất cơ hội chỉ vì không vay được vốn trong khi ngân hàng thì thừa tiền! Với tình hình biến đổi khí hậu cực đoan đang diễn ra phức tạp, gạo sẽ là mặt hàng khan hiếm ngày càng trầm trọng trên toàn cầu. Ngành hàng lúa, gạo Việt Nam có yếu tố thiên nhiên ưu đãi hơn các quốc gia khác. Đầu tư ngành hàng lúa, gạo phát triển bền vững là để luôn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cũng chính là góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe: Cần vốn với lãi suất phù hợp để dự trữ nguyên liệu theo mùa vụ
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách kịp thời và hiệu quả, giúp lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả; đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ ba về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.
Bên cạnh kết quả trên, hoạt động tín dụng ở ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử, nguyên liệu thủy sản cho xuất khẩu phụ thuộc 70% vào nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng với chu kỳ nuôi kéo dài, thu hoạch tập trung, có tính mùa vụ và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thời tiết, khí hậu. Nhu cầu vốn phụ thuộc lớn vào mức độ sinh trưởng của thủy sản nên rất khó để lập kế hoạch tín dụng chính xác, chi tiết và không kịp cho chu kỳ sản xuất.
Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển
Do khả năng tiếp cận tín dụng còn hạn chế, các nông hộ, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản phải dựa vào tín dụng phi chính thức, điều này làm tăng giá thành và rủi ro cho người nuôi. Hệ quả là sản phẩm xuất khẩu khó cạnh tranh và nguồn nguyên liệu không ổn định. Phần lớn sản phẩm thủy sản là hàng đông lạnh, thời gian lưu trữ hạn chế và chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành, nên các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thường có xu hướng giảm tối đa lượng hàng tồn kho, quay vòng vốn nhanh, do đó ưu tiên lựa chọn kênh tín dụng vay ngoại tệ với lãi suất phù hợp để tối ưu hóa chi phí và hiệu quả kinh doanh.
Trong bối cảnh trên, tôi cho rằng, NHNN nên nghiên cứu để có nguồn tín dụng với lãi suất phù hợp cho hoạt động dự trữ nguyên liệu theo thời vụ thu hoạch; có thị trường trái phiếu lành mạnh cho ngành nông sản để có thêm nguồn dẫn vốn để phát triển ngành hàng này.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ Huỳnh Thanh Sử: Mong được hỗ trợ tín dụng thực hiện Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao
Thời gian qua, Sở Công thương đã xây dựng, tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn; Kế hoạch thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”; Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo và hợp tác trong liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị và xuất khẩu gạo bền vững. Đồng thời, triển khai kịp thời các Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Công thương về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản bền vững, minh bạch, hiệu quả…
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ Huỳnh Thanh Sử phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển
Những nỗ lực trên đã đem lại kết quả khả quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng nên không chủ động trong việc thu mua lúa dự trữ phục vụ xuất khẩu…
Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để thông tin tình huống phát sinh tại địa phương, đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các hạ tầng logistics nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu…
Riêng về vốn tín dụng, Sở Công thương kiến nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp xuất khẩu với thời hạn và lãi suất ưu đãi; linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay. Đồng thời, quan tâm, chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tham gia Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao.
Trưởng Ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Lê Văn Tuấn: Sớm công bố vùng chuyên canh lúa chất lượng cao để ngân hàng xem xét cho vay
Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả cho khu vực ĐBSCL chúng tôi cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Các sở, ban, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các ngân hàng trong việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Lê Văn Tuấn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Riêng với Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố tham gia Đề án cần sớm công bố các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp để hệ thống ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng chủ động tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay.
Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền, minh bạch tình hình tài chính; chủ động tiếp cận, đề xuất để ngân hàng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.
Đặc biệt, đối với các khách hàng vay vốn theo chương trình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cần thực hiện hiệu quả, bền vững các cam kết khi tham gia liên kết, nâng cao ý thức tuân thủ thỏa thuận đã ký kết giữa các chủ thể tham gia liên kết. Đây là cơ sở quan trọng để ngân hàng cho vay theo dòng tiền liên kết, cho vay không cần tài sản bảo đảm.
Hà Lan