Đồi chè Long Cốc là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong hành trình khám phá vẻ đẹp vùng Đất Tổ.
Nâng tầm sản phẩm du lịch Đất Tổ
Phú Thọ được biết đến là vùng đất cội nguồn của dân tộc - nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa cùng tài nguyên du lịch tự nhiên dồi dào. Đó chính là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế cạnh tranh. Một số tour, tuyến du lịch đã được đưa vào khai thác hiệu quả, thu hút đông du khách như: Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân- Khu Di tích lịch sử Đền Hùng- Miếu Lãi Lèn- Làng cổ Hùng Lô; Khu Di tích lịch sử Đền Hùng- Làng cổ Hùng Lô- Vườn quốc gia Xuân Sơn- Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy; tour du lịch học đường “Hướng về nguồn cội”; Về miền Đất Tổ Hùng Vương; Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên vùng Đất Tổ...
Năm 2024, với vai trò là trưởng nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (TBMR) và thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng, nâng cấp, làm mới các sản phẩm du lịch để phát triển du lịch bền vững. Có 4 điểm được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Điểm du lịch văn hóa Đền Mẫu Âu Cơ và 3 điểm du lịch thuộc xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn gồm: Điểm du lịch cộng đồng bản Dù, điểm du lịch sinh thái cộng đồng bản Cỏi và điểm du lịch sinh thái Thác Ngọc, đã tạo thêm điểm nhấn trong hành trình du lịch về miền Đất Tổ. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, làm mới các sản phẩm du lịch tại các khu, điểm du lịch (Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Hát xoan Làng Cổ, khám phá Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc); xây dựng sản phẩm mới mô hình du lịch văn hóa tâm linh gắn với trải nghiệm như: Nghi lễ rước nước tại ngã ba Bạch Hạc, hoạt động trải nghiệm Outing trip App “Truy tìm cổ vật” tại Bảo tàng Hùng Vương, du lịch học đường gắn với Hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn và trải nghiệm thưởng trà Đất Tổ tại Long Cốc...
Trong Chương trình “Sắc màu Du lịch Đất Tổ” và Phát động hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với Chủ đề “Phú Thọ - đi để yêu”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy cho biết: Đây là sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, sản phẩm dịch vụ du lịch, các tour du lịch, chương trình kích cầu du lịch, sản phẩm OCOP, đặc sản Đất Tổ và các địa phương liên kết phát triển du lịch với tỉnh Phú Thọ. Qua đó mời gọi, thu hút du khách thập phương đến tham quan du lịch Phú Thọ, kích cầu phát triển hoạt động du lịch vùng Đất Tổ; đồng thời mang tới cho du khách trong và ngoài nước những ưu đãi hấp dẫn về dịch vụ du lịch để đến với Phú Thọ, cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp, yêu thêm văn hóa, con người và thiên nhiên Đất Tổ - vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam nói chung, của vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng. Các gói kích cầu du lịch với giá cả ưu đãi, chất lượng đảm bảo đã góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Phú Thọ “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn”, là lời mời du khách “đến với Phú Thọ để yêu thêm vùng đất này”...
Du khách quốc tế trải nghiệm Hát Xoan cùng các nghệ nhân tại Đình Hùng Lô.
Một hành trình nhiều điểm đến
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch các địa phương, Nhóm hợp tác đã xác định rõ các sản phẩm du lịch đặc trưng của các địa phương trong khu vực để chủ động tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành thu hút du khách trải nghiệm du lịch. Việc liên kết giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Phú Thọ tham gia nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Phú Thọ, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái) và thành phố Hồ Chí Minh để cùng khai thác những lợi thế cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, độc đáo nhằm thu hút sự quan tâm và đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nước.
Năm 2024, tổng lượng khách đến 8 tỉnh TBMR và TP.Hồ Chí Minh đạt gần 76,5 triệu lượt khách, tăng 15,5% so với năm 2023 (trong đó, lượng khách du lịch đến 8 tỉnh Tây bắc mở rộng là hơn 32 triệu lượt). Tổng thu du lịch trong năm 2024 ước đạt 45.661 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm trước.
Để khai thác tiềm năng du lịch địa phương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ Trần Thanh Sơn chia sẻ: Các đơn vị lữ hành trong tỉnh tập trung xây dựng các chương trình tour mới, khai thác các sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái cộng đồng Xuân Sơn, Long Cốc, Thanh Thủy, du lịch học đường gắn kết các điểm du lịch lịch sử, văn hóa (Đền Hùng, Đình Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn...) nhằm tăng sức hấp dẫn của du lịch Phú Thọ đối với du khách. Đồng thời, tăng cường liên kết hợp tác với các địa phương có thế mạnh phát triển du lịch, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác phát triển Du lịch 8 tỉnh TBMR để nâng cao hiệu quả, vị thế Du lịch Phú Thọ.
Với việc đầu tư, nâng cấp sản phẩm du lịch đặc thù và tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch mới dựa trên thế mạnh, sự khác biệt, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, các tỉnh, thành phố Nhóm hợp tác đã truyền thông, giới thiệu, quảng bá đến du khách và các doanh nghiệp lữ hành 3 miền Bắc - Trung - Nam và từng bước đưa vào khai thác hiệu quả tour du lịch kết nối các tỉnh TBMR và TP. Hồ Chí Minh theo thỏa thuận hợp tác chung: Về miền Đất Tổ - Cội nguồn dân tộc, Bản Hùng Ca Tây Bắc, Hương sắc vùng cao với các điểm đến cụ thể: Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Phú Thọ - Lai Châu - Sa Pa, Bảo Yên (Lào Cai)- Quảng Bình, Đồng Văn (Hà Giang); thành phố Hồ Chí Minh- Hà Nội - Hòa Bình- Sơn La- Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa (Lào Cai)- Hà Giang; thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội- Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì, Đồng Văn (Hà Giang).
Bên cạnh đó, các tỉnh cũng chủ động trong liên kết phát triển sản phẩm liên tỉnh, liên vùng không chỉ đối với các địa phương trong Nhóm hợp tác như: Tour du lịch mới Hà Nội - Mộc Châu - Hủa Phăn (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); khai thác sản phẩm du lịch trekking, leo núi đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Kỳ Quan San) và Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn; kết nối các điểm du lịch trên tuyến “Vòng cung Tây Bắc” (Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Điện Biên, Phú Thọ); xây dựng sản phẩm tour liên tỉnh “Một cung đường 5 điểm đến”; kết nối di sản từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie- Bát Xát- Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần (Hà Giang); tour đồi chè Long Cốc - ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cũng tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá mở rộng thị trường thông qua các sự kiện, ngày hội du lịch; Hội chợ Du lịch quốc tế VITM; Hội chợ Du lịch Tây Bắc... góp phần quảng bá, đưa hình ảnh du lịch của địa phương tới các đơn vị lữ hành, nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế; từng bước khẳng định uy tín, hình ảnh và thương hiệu của du lịch Nhóm hợp tác trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Phương Thanh