Mô hình trồng nấm rơm giúp hội viên phụ nữ có thêm nguồn thu nhập
Tổ liên kết (TLK) trồng nấm rơm do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Hồ thành lập với hơn 30 thành viên đã giúp các thành viên có hướng đi đúng trong phát triển kinh tế nhờ vào nguồn lợi từ phế phẩm nông nghiệp của địa phương.
Ghé thăm nhà chị Trương Thị Chiến, Tổ trưởng TLK trồng nấm, chúng tôi mới biết chị Chiến đang qua nhà một thành viên trong TLK để phụ giúp đạp rơm, vô meo chuẩn bị cho một lứa nấm rơm mới.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm, giúp vốn, giúp ngày công... đó là cách mà các thành viên TLK đã và đang làm để cùng nhau phát triển kinh tế.
Nghề trồng nấm rơm ở xã Phú Hồ là nghề phụ, nhưng đem lại thu nhập khá từ 5- 7 triệu đồng/tháng cho mỗi gia đình hội viên. Khi các chị em cùng nhau phát triển nghề trồng nấm rơm sẽ tận dụng được lợi thế từ nguồn rơm rạ sẵn có của địa phương qua hai mùa gặt.
Chị Chiến cho biết: Hiện tại gia đình chị đang trồng 2 vòm nấm rơm, trên dưới 700 bịch một lứa. Mỗi lứa nấm được trồng trung bình 21 ngày sẽ cho thu hoạch, bao gồm các công đoạn: ủ rơm, trộn rơm, đạp rơm, vô meo giống, ủ lại, cho ra vòm, mở bầu và bắt đầu thu hoạch. Các công đoạn làm nấm được thực hiện liên tục, gối nhau nên cứ trồng đầu tháng là cuối tháng cho thu hoạch. Nấm thu hoạch hàng ngày, thời gian thu hoạch kéo dài tầm hơn 10 ngày sẽ kết thúc.
Theo chị Chiến, kỹ thuật trồng nấm rơm cũng khá đơn giản, chỉ cần giữ ấm cho vòm nấm. Những ngày lạnh sâu sẽ hỗ trợ sưởi bằng than hoặc đèn sưởi để nấm ra đúng chu kỳ và đạt năng suất cao. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ ổn định, tỷ lệ thu hồi vốn tương đối nhanh, nên hội viên phụ nữ chúng tôi luôn khuyến khích nhau đầu tư làm thêm vòm để mở rộng quy mô trồng nấm.
Để giúp những hội viên khó khăn có thể xây thêm hoặc mở rộng vòm để trồng nấm, TLK đã xây dựng quỹ, mỗi tháng hội viên đóng 100 ngàn đồng. Số tiền đó sẽ cho hội viên mượn không lãi để mua thêm rơm, giống, cải tạo lại vòm, mở rộng quy mô trồng nấm, tăng thu nhập cho gia đình.
Chị Đặng Thị Thuận, thôn Đồng Di, xã Phú Hồ cho biết: "Ngoài làm lúa, hiện gia đình tôi đang trồng 3 vòm nấm, mỗi vòm trồng 350 bịch nấm/lứa. So với trồng các loại rau màu khác, thì trồng nấm rơm cho thu nhập tốt hơn, vì chi phí đầu tư ít, nhẹ công chăm sóc, chỉ cực công vài ngày trong khoảng thời gian làm rơm. Việc các thành viên trong TLK thường xuyên giúp nhau ngày công khi làm nấm cũng giúp chúng tôi hạn chế được chi phí. Hơn nữa, việc cùng nhau làm, sẽ giúp những hội viên mới trồng nấm học hỏi được kinh nghiệm trồng nấm từ những chị em đã trồng lâu năm".
Bà Lê Thị Hồng Gấm, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Hồ cho biết: Nghề trồng nấm rơm mang lại hiệu quả, không chỉ tạo thu nhập cho nhiều hội viên phụ nữ xã, mà còn tận dụng được phụ phẩm trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường. Trồng nấm rơm không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho hội viên phụ nữ mà còn giải quyết việc làm cho chị em những lúc nông nhàn, những hội viên không trồng nấm cũng có việc làm thời vụ, được thuê đi đạp rơm, ủ rơm... cho các hội viên trồng nấm trong xã. Hiện, Hội LHPN xã đang vận động những hội viên trồng nấm riêng lẻ thành lập thêm những TLK để cùng nhau phát triển quy mô trồng nấm tại địa phương.
Bài, ảnh: Thảo Vy