Liên kết trồng sầu riêng xuất khẩu

Liên kết trồng sầu riêng xuất khẩu
14 giờ trướcBài gốc
Trao đổi kỹ thuật chăm sóc sầu riêng
Hướng tới mục tiêu xuất khẩu
Anh Phạm Văn Thảo, nông dân trẻ ở Thôn 1, xã Gia Hiệp đang chăm sóc vườn sầu riêng năm thứ 7. Với 5 sào sầu riêng, 100 cây, anh đã thu được 17 tấn vào niên vụ 2024 và năm nay, hy vọng thu được 20 tấn. “Sầu riêng Gia Hiệp có đặc điểm chín trễ, khi các nơi khác đã thu gần hết thì vùng Gia Hiệp mới bắt đầu tròn trái”, anh Thảo chia sẻ. Tuy nhiên, với diện tích nhỏ và sản lượng ít như gia đình anh, nếu muốn tiêu thụ trên thị trường rất khó chủ động, khiến anh lo lắng cho giá trị của vườn sầu riêng.
“Chính vì diện tích của gia đình tôi không nhiều nên tôi đã đăng ký tham gia vào HTX Tân Hiệp Phát. Tham gia vào HTX, xây dựng mã vùng trồng cùng bà con trong vùng, sầu riêng của gia đình tôi sẽ dễ xuất khẩu hơn. Nhờ tập thể, sản lượng sầu riêng nhỏ lẻ của từng hộ sẽ được tham gia vào mã vùng trồng, giữ ổn định đầu ra cho trái sầu riêng”, anh Phạm Văn Thảo chia sẻ.
Ông Nguyễn Danh Cẩn - Giám đốc HTX Tân Hiệp Phát thông tin: “HTX Tân Hiệp Phát là tập thể của những cư dân trồng sầu riêng, mắc ca vùng Gia Hiệp cũng như Bảo Thuận. Chúng tôi chung sức với mục tiêu đưa trái sầu riêng sang thị trường nước ngoài”. Theo ông Cẩn, HTX thành lập năm 2018 với 20 thành viên chính thức và 20 thành viên liên kết. Sản phẩm chủ yếu của HTX là sầu riêng, cà phê, chuối cũng như một số hộ có chăn nuôi như chăn bò, cút, gà đẻ trứng… “Thành viên của HTX rất đa dạng, chủ yếu là các nông hộ và một số doanh nghiệp đóng vai trò tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có Công ty Mai Thao, đơn vị chế biến có tiếng trên địa bàn”, ông Nguyễn Danh Cẩn thông tin.
Xây mã vùng trồng
“HTX Tân Hiệp Phát đã tích cực xây dựng mã vùng trồng cho diện tích sầu riêng, đảm bảo sầu riêng của thành viên đủ tiêu chuẩn để tham gia sân chơi xuất khẩu”, ông Nguyễn Danh Cẩn thông tin. Theo đó, cuối năm 2024, HTX đã xây dựng được 2 mã vùng trồng với diện tích 41 ha. Qua đó, những người nông dân, dưới sự hỗ trợ kĩ thuật của cán bộ nông nghiệp, nhắc nhở nhau tuân thủ quy trình canh tác bền vững, đảm bảo trái sầu riêng không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các vi sinh vật gây hại theo đúng tiêu chuẩn của đối tác.
“Sầu riêng Gia Hiệp có đặc điểm là chín trễ, vì vậy, chúng tôi tin tưởng rằng, khi tham gia thị trường xuất khẩu cũng như cung ứng nội địa, sầu riêng của Tân Hiệp Phát có nhiều cơ hội cạnh tranh. Để đảm bảo cho chất lượng trái cũng như duy trì sức sống cho cây sầu riêng, các thành viên trong HTX đã sử dụng lượng phân hữu cơ rất lớn”, ông Nguyễn Danh Cẩn thông tin. Ngay như gia đình ông Cẩn cũng nuôi trang trại cút với 50.000 con. Lượng phân khổng lồ được ông Cẩn thu gom, đưa vào ủ với quy trình rất nghiêm ngặt. “Phân cút được ủ 12 tháng, với lượng men Trichoderma cũng như các chất phụ phẩm như vôi, mặt rỉ đường. Chúng tôi luôn đảm bảo phân hoai mục, không còn nấm bệnh để bảo vệ bộ rễ của cây”, ông Cẩn cho biết.
Không chỉ dừng lại ở cây sầu riêng, cây mắc ca của HTX đang được bao tiêu bởi chính các thành viên liên kết. Hiện, ông Trần Anh Tú (Công ty TNHH Mai Thao) là Phó Giám đốc của HTX Tân Hiệp Phát. Công ty Mai Thao thu mua hạt mắc ca của thành viên để đưa vào chế biến, cung ứng cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Đây chính là thế mạnh của HTX Tân Hiệp Phát, khi các thành viên trong HTX tạo thành liên kết chặt chẽ sản xuất - bao tiêu sản phẩm. Niên vụ 2025, Tân Hiệp Phát đã sẵn sàng cho 200 tấn sầu riêng tươi xuất khẩu lần đầu, mở đường cho hướng đi bền vững của trái sầu riêng đất cao nguyên.
Diệp Quỳnh
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/lien-ket-trong-sau-rieng-xuat-khau-381781.html