Croatia thảo luận về các vấn đề liên quan đến RRF. Ảnh: ST
Nhiều thiếu sót đe dọa đến kế hoạch phục hồi quốc gia
ECA đã thực hiện một cuộc kiểm toán nhằm tập trung xem xét các hệ thống kiểm soát RRF tại Ủy ban châu Âu (EC) và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), đồng thời đánh giá các hệ thống kiểm soát có đảm bảo tuân thủ quy định về mua sắm công và viện trợ không. Kết quả kiểm toán cho thấy mặc dù một số điểm được cải thiện nhưng EC vẫn chưa thể đảm bảo rằng, các quốc gia thành viên có hệ thống kiểm soát hiệu quả.
ECA phát hiện nhiều khoản thanh toán không đáp ứng yêu cầu, không tuân thủ quy định và chỉ ra nhiều thiếu sót trong hệ thống kiểm soát của các quốc gia thành viên EU. Các dự án được tài trợ theo RRF để xảy ra nhiều sai sót và thường không được kiểm soát chặt chẽ, do đó gây ra những rủi ro, sai sót tương tự đối với việc chi tiêu ngân sách theo RRF. Trong khuôn khổ RRF, việc tuân thủ quy tắc của EU và các quốc gia thành viên cũng không được kiểm tra một cách có hệ thống.
Trong giai đoạn đầu triển khai RRF, nhiều quốc gia chưa thực hiện các cuộc kiểm tra và kiểm toán hiệu quả đối với việc tuân thủ các quy tắc về mua sắm công và viện trợ; EC thiếu hướng dẫn về hệ thống kiểm soát và kiểm toán liên quan đến RRF cho quốc gia thành viên. Một số quốc gia được kiểm tra như Croatia, Séc, Pháp, Italia và Tây Ban Nha vẫn còn tồn đọng những điểm yếu đáng kể. Khi phê duyệt các kế hoạch quốc gia, EC cũng không đánh giá về các quy trình đảm bảo tuân thủ quy tắc mua sắm công và viện trợ được áp dụng tại mỗi nước.
Bên cạnh đó, ECA chỉ ra một số thiếu sót trong các quy định của RRF liên quan đến việc đánh giá hệ thống kiểm toán và kiểm soát của các quốc gia thành viên. Theo đó, đa số các quy định này chỉ tập trung vào các hệ thống ngăn ngừa, phát hiện, khắc phục gian lận, xung đột lợi ích, tham nhũng và tài trợ kép chứ không có tiêu chí đánh giá nào bao gồm việc tuân thủ các quy tắc của EU và từng quốc gia.
Báo cáo của ECA cho thấy, việc không tuân thủ quy định về mua sắm công và viện trợ là một vấn đề dai dẳng trong công tác quản lý ngân sách của EU. Cho đến nay, vẫn còn một tỷ lệ đáng kể các khoản đầu tư liên quan đến mua sắm công và viện trợ vẫn chưa được triển khai hiệu quả trong thời gian còn lại thực hiện RRF (đến cuối năm 2026).
Theo ECA, việc không xác định trước các yêu cầu về mua sắm công và viện trợ cùng với việc không tập trung vào công tác kiểm tra của các nước thành viên khiến các quốc gia thành viên gặp khó khăn trong triển khai hệ thống kiểm soát và đảm bảo thực hiện các lĩnh vực này một cách nhất quán trên toàn EU.
Đảm bảo tuân thủ các quy tắc mua sắm công
Năm 2021, EC từng ban hành Hướng dẫn cho các quốc gia thành viên về việc soạn thảo kế hoạch phục hồi quốc gia. Theo Hướng dẫn, các quốc gia nên tiến hành các cuộc kiểm toán để đảm bảo tuân thủ các quy tắc về mua sắm công và viện trợ. Tuy nhiên, các kế hoạch của nhiều nước không nêu rõ rằng, phạm vi của hệ thống kiểm soát và kiểm toán phải bao gồm việc mua sắm công và tuân thủ quy định về viện trợ.
Các quốc gia thành viên EU cần nỗ lực rất nhiều để thực hiện thành công RRF. Ảnh: ST
Chiến lược kiểm toán năm 2021 của EC cho thấy sự thiếu tập trung vào lĩnh vực mua sắm công và viện trợ. Báo cáo thường niên 2024 của ECA cũng chỉ ra rằng, chi tiêu bất thường của EU đang có xu hướng gia tăng, gây ra những rủi ro đáng lo ngại, làm ảnh hưởng đến RRF. Do đó, báo cáo của ECA đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm đảm bảo các quốc gia thành viên EU tuân thủ quy tắc mua sắm công và viện trợ trong các chương trình của EU những năm tiếp theo.
Cụ thể, ECA khuyến nghị EC cần xác định các yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát và kiểm toán của quốc gia thành viên, tập trung vào các tiêu chí như phạm vi bao phủ, chất lượng, thời gian, tài liệu và các biện pháp khắc phục để đảm bảo tuân thủ các quy tắc mua sắm công và viện trợ; cần kiểm tra quá trình thực hiện và kết quả đạt được của các quốc gia thành viên.
Một số hệ thống kiểm soát của quốc gia thành viên bị ảnh hưởng bởi những điểm yếu đáng kể. Do đó, ECA khuyến nghị khi gửi yêu cầu thanh toán RRF, các quốc gia cần đảm bảo rằng các khoản tiền được quản lý chặt chẽ, tuân thủ các quy tắc hiện hành. Nhờ sự đảm bảo này, các quốc gia có thể đưa ra các biện pháp kiểm soát việc thực hiện RRF chặt chẽ hơn và thực hiện các cuộc kiểm toán độc lập, hiệu quả hơn.
Để thực hiện RRF hiệu quả hơn trong thời gian còn lại, EC được khuyến nghị cần thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên để hoàn thiện các biện pháp kiểm soát, đồng thời tiến hành đánh giá tất cả các rủi ro chính liên quan đến công tác mua sắm công và viện trợ./.
(Theo ECA và tổng hợp)
THANH XUYÊN