Theo thông tin từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), EU vừa có văn bản đề xuất cử đoàn thanh tra đến Việt Nam để kiểm tra, đánh giá các biện pháp kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật trong một số mặt hàng xuất khẩu sang khu vực này. Những loại hàng hóa mà EU tập trung kiểm tra là sầu riêng, thanh long và ớt.
Địa bàn kiểm tra là các địa phương Tiền Giang, Long An, Bình Thuận và TP.HCM. Tại đây, các chuyên gia EU sẽ đến trực tiếp vùng trồng và cơ sở sơ chế, đóng gói để đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc.
Ngoài làm việc tại hiện trường, đoàn EU cũng sẽ đến khảo sát và trao đổi với các đơn vị kiểm định chất lượng tại Việt Nam. Hai đơn vị được chọn tiếp đoàn là Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ và Công ty TNHH SGS Việt Nam.
Giữa tháng 6 tới Liên minh châu Âu (EU) sẽ cử đoàn thanh tra đến Việt Nam 10 ngày, để giám sát và kiểm tra việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên một số mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có sầu riêng.
Dự kiến, ngày 11/6, đoàn bắt đầu làm việc tại tỉnh Bình Thuận, sau đó tiếp tục di chuyển tới các tỉnh miền Tây để giám sát lô hàng thanh long, sầu riêng và ớt.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu các cơ sở trong diện thanh tra chuẩn bị đầy đủ hồ sơ liên quan đến điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, mỗi cơ sở cần xây dựng báo cáo tóm tắt về thực trạng sản xuất để làm việc với đoàn thanh tra.
Hiện nay, tỷ lệ nông sản của Việt Nam xuất vào EU đang phải kiểm tra tại cửa khẩu khá cao: Ớt chuông và đậu bắp ở mức 50%, thanh long 20%, sầu riêng 20%. Do đó, việc chuẩn bị tốt cho đợt thanh tra này có ý nghĩa quan trọng nhằm duy trì và mở rộng thị phần tại EU - một thị trường tiềm năng nhưng đầy thách thức.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết: Thị trường EU, mỗi năm nhập khẩu rau quả từ Việt Nam khoảng 350 triệu USD - tương đương với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu và thương mại rau quả khoảng 500 tỷ Euro/năm.
Theo ông Nguyên, châu Âu là một trong những thị trường khó tính nhất trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Ông Nguyên khuyến cáo doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của thị trường này, bởi chỉ một lô hàng có vấn đề có thể khiến cả ngành hàng bị "tuýt còi”.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, định kỳ 6 tháng một lần EU sẽ xem xét việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu để sửa đổi tần suất kiểm tra biên giới đối với từng sản phẩm.
Được biết, năm ngoái, EU đã 2 lần thông báo tăng tần suất kiểm tra trên sầu riêng Việt Nam. Vào ngày 17/1/2024, EU đã yêu cầu tăng cường kiểm soát đối với một số mặt hàng từ Việt Nam. Theo đó, ớt chuông chịu tần suất kiểm tra 50% và sầu riêng 10%. Đây cũng là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra tại cửa khẩu với mức tần suất như trên.
Vì liên tục phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, cuối tháng 12/2024, EU tiếp tục thông báo, sẽ tăng gấp đôi tần suất kiểm tra sầu riêng của Việt Nam tại biên giới từ 10% lên 20% bắt đầu từ ngày 8/1 năm nay.
Thời gian qua, ngành sầu riêng Việt Nam cũng đang chịu “khủng hoảng” khi Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính - siết chặt kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Rất nhiều lô hàng sầu riêng bị nhiễm chất vàng O và Cadimi bị Trung Quốc trả về gây thiệt hại lớn.
Theo cảnh báo của Hải quan Trung Quốc (GACC), từ đầu năm 2024 đến nay, có tất cả 827 lô hàng sầu riêng, mít, chuối, ớt và xoài của Việt Nam không tuân thủ quy định về ATTP của Trung Quốc. Trong đó, sầu riêng bị cảnh báo nhiều nhất với 761 lô không tuân thủ quy định về ATTP (589 lô nhiễm Cadimi và 157 lô nhiễm Vàng O).
Để giải quyết “khủng hoảng” cho ngành sầu riêng Việt Nam, Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy mới đây, cho biết việc quan trọng nhất với ngành sầu riêng lúc này là cần xác minh rõ vai trò của các địa phương trong giám sát chất lượng và duy trì điều kiện kỹ thuật vùng trồng.
"Việc duy trì điều kiện kỹ thuật vùng trồng là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trung ương không thể giám sát từng vườn cây, từng cơ sở - mà phải dựa vào sự vào cuộc thực chất của các tỉnh, huyện, xã. Yếu tố then chốt hiện nay cần làm để phát triển ổn định ngành hàng là phân công rõ ràng trách nhiệm giám sát vùng trồng ngay từ cấp xã. Phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trồng trọt, bảo vệ thực vật và chính quyền sở tại", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&MT, nếu để mất niềm tin từ thị trường nhập khẩu thì khôi phục sẽ vô cùng khó. Khi mất niềm tin, các nước nhập khẩu thường đặt ra rất nhiều rào cản kỹ thuật, thậm chí là không cho nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam và việc đàm phán để mở cửa thị trường trở lại càng khó.
Vì vậy, Bộ NN&MT đề nghị các địa phương: Công khai minh bạch toàn bộ danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên hệ thống truy xuất điện tử, cập nhật thường xuyên; phân công rõ trách nhiệm giám sát tại cấp xã - huyện. Chỉ đạo tạm dừng trồng các vùng không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm ATTP, kiểm dịch thực vật, không để “chạy theo số lượng mà đánh mất hình ảnh, uy tín quốc gia"...
Hồng Hương