Liên minh Mỹ-Philippines củng cố hợp tác quân sự, Washington trấn an Manila trước thời điểm thay đổi chính quyền

Liên minh Mỹ-Philippines củng cố hợp tác quân sự, Washington trấn an Manila trước thời điểm thay đổi chính quyền
5 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. (phải) và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin ký Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA) vào ngày 18/11. (Nguồn: Đại sứ quán Mỹ tại Philippines)
Thỏa thuận thông tin quân sự an ninh chung Mỹ-Philippines, tên chính thức là Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA), là bước đi quan trọng nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, cùng việc tương tác giữa hai nước, được kỳ vọng mang lại lợi ích cho quốc phòng của quốc gia Đông Nam Á.
Động thái trên sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ an ninh giữa hai đồng minh hiệp ước này.
Theo SCMP, các nhà phân tích nhận định, GSOMIA nhằm khắc phục những thiếu sót tồn tại lâu nay trong nhận thức hàng hải của Manila, đồng thời có thể tái cân bằng quyền lực ở Biển Đông.
GSOMIA cho phép Philippines tiếp cận các năng lực tiên tiến như hình ảnh vệ tinh và tình báo điện tử. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ thiết lập các quy trình mới để bảo vệ thông tin quân sự tuyệt mật và xây dựng hệ thống phát hiện sớm các mối đe dọa tiềm tàng trong vùng biển tranh chấp.
Ông Vincent Kyle Parada, cựu chuyên gia phân tích quốc phòng của Hải quân Philippines, nói với This Week in Asia rằng, GSOMIA là minh chứng cho quan hệ đối tác bền chặt giữa hai quốc gia, giúp thể chế hóa các biện pháp hiện có và "theo một cách nào đó, bảo vệ liên minh khỏi những biến động trong lãnh đạo chính trị".
Trong khi Manila vẫn lạc quan về mối quan hệ với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, ông Parada nhấn mạnh, việc duy trì thỏa thuận chia sẻ tình báo đóng vai trò như một biện pháp bảo đảm cho Philippines.
Chuyên gia này giải thích: "Thông qua GSOMIA, Mỹ và Philippines về cơ bản có thể bù đắp những thiếu sót trong thu thập tình báo của nhau, Mỹ cung cấp phần phụ thuộc công nghệ cao hơn, trong khi Philippines đóng góp mạng lưới tình báo con người và kinh nghiệm thực địa".
Ông Chris Gardiner, Giám đốc điều hành Viện An ninh khu vực ở Canberra, Australia, cho rằng, thỏa thuận này là một thành công đáng kể nữa trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.
Theo ông Gardiner, việc tích hợp chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và điện toán với tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) là nền tảng để sử dụng hiệu quả thông tin cần thiết nhằm ngăn chặn và giành thắng lợi trong xung đột.
Trong khi đó, ông Matteo Piasentini, chuyên gia an ninh tại viện nghiên cứu Geopolitica của Italy, cho rằng, diễn biến mới nhất là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố liên minh Philippines-Mỹ khi việc chia sẻ thông tin và tình báo đang ngày càng chứng tỏ vai trò thiết yếu trong ngăn ngừa và quản lý xung đột.
Thỏa thuận trên được ký kết nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Manila. Ngày 19/11, tại họp báo ở Bộ Tư lệnh miền Tây của quân đội Philippines trên đảo Palawan gần Biển Đông, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh, Philippines sẽ tiếp tục là quốc gia quan trọng đối với Washington trong nhiều năm tới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Austin tái khẳng định cam kết quốc phòng của Washington với Manila theo Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951.
Chuyến đi của ông Austin diễn ra khi chỉ còn hai tháng nữa, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ rời nhiệm sở để trao lại cho ông Donald Trump và bộ máy mới, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Bảo Minh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/lien-minh-my-philippines-cung-co-hop-tac-quan-su-washington-tran-an-manila-truoc-thoi-diem-thay-doi-chinh-quyen-294311.html