Liên Sơn: Nhiều hộ dân tự nguyện 'xin' thoát nghèo

Liên Sơn: Nhiều hộ dân tự nguyện 'xin' thoát nghèo
3 giờ trướcBài gốc
Gần chục năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Chung luôn có tên trong danh sách hộ nghèo của xã, đều đặn nhận trợ cấp của Nhà nước. Hoàn cảnh vốn khó khăn, chị Hường mắc bệnh hiểm nghèo, một mình nuôi con ăn học. Được công nhận là hộ nghèo, chị đỡ phần chi phí chữa bệnh và được miễn giảm các khoản đóng góp học tập cho con.
Lãnh đạo UBND xã Liên Sơn trao tặng bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo để phát triển chăn nuôi.
Hằng năm, chính quyền, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể địa phương và mọi người xung quanh quan tâm giúp gia đình chị vốn, con giống để phát triển chăn nuôi, sản xuất. Mới đây, nhờ nỗ lực cùng sự hỗ trợ của mọi người, gia đình chị Hường đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang. “Dù còn khó khăn song hiện con gái tôi đã có việc làm, tôi vừa chăn nuôi vừa tranh thủ đi quét dọn, rửa bát thuê nên có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đã nhiều năm hưởng chế độ hộ nghèo rồi, nay tôi làm đơn xin thoát nghèo để nhường phần hỗ trợ cho những hoàn cảnh khác khó khăn hơn” - chị Hường bày tỏ.
Cũng muốn tự lực vươn lên, gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở cùng thôn vừa qua đã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Dù sức khỏe hạn chế do mắc bệnh hiểm nghèo nhưng nay con gái đã lớn và đi làm, bản thân chị chăm chỉ làm những việc phù hợp như chăn nuôi, nấu ăn thuê nên cuộc sống từng bước ổn định. Do không còn là hộ nghèo, gia đình không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ như trước nhưng chị vẫn thấy vui, coi đó là động lực để bản thân phấn đấu. Ông Đặng Văn Lịch, Trưởng thôn Chung cho biết, thôn có 341 hộ, năm nay có 7 hộ thoát nghèo và 7 hộ thoát cận nghèo, trong đó nhiều hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách. Hiện toàn thôn không còn hộ nghèo.
Xã Liên Sơn có 7 thôn với hơn 1,7 nghìn hộ, hơn 6,2 nghìn nhân khẩu. Năm 2023, toàn xã có 22 hộ nghèo, 67 hộ cận nghèo. Theo bà Nguyễn Thị Thủy Chung, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã, đa số người nghèo tại địa bàn là do bệnh tật, ốm đau thường xuyên phải đi bệnh viện; cũng có người không may gặp tai nạn rủi ro, không còn sức lao động; có hộ thiếu vốn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, tư liệu sản xuất… Vì vậy, Ban Chỉ đạo Giảm nghèo xã đứng ra tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; chỉ đạo bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Liên Sơn nắm bắt tình hình đời sống gia đình chị Đào Thị Loan (ngoài cùng, bên phải), thôn Chung - hộ mới thoát nghèo. Ảnh: Phương Thảo
Xác định giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ tiêu chí nâng cao thu nhập, UBND xã chỉ đạo các thôn rà soát tình hình, nắm bắt nhu cầu của người dân để xây dựng, nhân rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế. Năm 2023, xã hỗ trợ bò sinh sản cho 18 hộ nghèo, cận nghèo với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Năm 2024, xã tiếp tục duy trì mô hình bò sinh sản với 16 hộ tham gia và triển khai mới mô hình lợn thương phẩm đến 10 hộ nghèo, cận nghèo để phát triển kinh tế. Cùng với con giống, các hộ được hỗ trợ cám và kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho vật nuôi. Sự hỗ trợ thiết thực, phù hợp đó đã giúp hầu hết các hộ tham gia mô hình thoát nghèo, cận nghèo.
Cùng đó, Đảng ủy, UBND xã Liên Sơn quan tâm hỗ trợ các hộ cải tạo nhà ở để ổn định cuộc sống. Từ đầu năm đến nay, xã vận động được hơn 80 triệu đồng, 300 ngày công ủng hộ 8 hộ nghèo, cận nghèo và 2 hộ chính sách sửa chữa, xây mới nhà ở. Với những giải pháp tích cực, công tác giảm nghèo của xã Liên Sơn đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Kết quả rà soát sơ bộ vừa qua, toàn xã còn 12 hộ nghèo, chiếm 0,72%, giảm 10 hộ so với năm trước. Đặc biệt, có 4/7 thôn không còn hộ nghèo.
Gia đình anh Nguyễn Văn Khương, hộ cận nghèo ở thôn Đình Chùa được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển chăn nuôi.
Đặc biệt năm nay, hầu hết hộ thoát nghèo trong xã đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo hoặc cận nghèo. Đây là những hộ có thành viên trong gia đình làm việc tại doanh nghiệp hoặc nỗ lực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay vào trồng trọt, chăn nuôi, cuộc sống khá hơn nên quyết tâm thoát nghèo. Cũng có hộ không hẳn thực sự đã hết khó khăn song nhận thức được trách nhiệm, nỗ lực vươn lên, chia sẻ nguồn hỗ trợ với những hoàn cảnh thiếu thốn hơn. Điều này thật đáng trân trọng khi ở nhiều địa phương, một bộ phận người nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức vươn lên.
Theo ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND xã, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền đã khắc phục “bệnh ỷ lại” trong ý thức thoát nghèo của người dân, góp phần giúp bà con thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên. Để giảm nghèo bền vững, xã chỉ đạo các thôn, tổ chức hội tiếp tục rà soát từng tiêu chí thiếu hụt, phân loại các hộ theo nhóm nguyên nhân nghèo để đề xuất hình thức hỗ trợ phù hợp. Xã bố trí, lồng ghép để phát huy hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất; có chính sách giúp các hộ mới thoát nghèo mua phương tiện sản xuất, cây, con giống, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.
Lệ Thanh
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/lien-son-nhieu-ho-dan-tu-nguyen-xin-thoat-ngheo-151128.bbg