Trước tình trạng gia tăng các vụ hành hung nhân viên y tế, Bộ Y tế có văn bản gửi các cơ sở khám, chữa bệnh yêu cầu khẩn trương tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn bệnh viện.
Các đơn vị cần rà soát, củng cố hệ thống đảm bảo an ninh trật tự theo Điều 114 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Cơ sở y tế phải chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó các tình huống gây rối; thực hiện nghiêm các chỉ đạo liên quan.
Bộ yêu cầu các bệnh viện lắp đặt và duy trì hệ thống camera giám sát tại khu vực trọng điểm như khoa khám bệnh, cấp cứu, hành lang, phòng trực... Nhân sự bảo vệ cần được bố trí trực 24/7 tại các vị trí quan trọng để chủ động xử lý tình huống phát sinh.
Các cơ sở y tế cũng phải phối hợp chặt chẽ với công an và chính quyền địa phương trong trao đổi thông tin, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế.
Camera giám sát ghi lại hình ảnh bác sĩ Trung tâm Y tế Thanh Ba (Phú Thọ) nỗ lực cứu người bệnh dù bị hành hung, lăng mạ.
Bộ yêu cầu rà soát lại quy trình tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh và cung cấp thông tin với người bệnh, thân nhân theo đúng quy định hiện hành. Các đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như hồ sơ bệnh án điện tử, đăng ký khám trực tuyến, khám theo khung giờ để giảm tải, rút ngắn thời gian chờ, hạn chế nguy cơ xung đột.
Ngoài ra, Bộ đề nghị tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống cho nhân viên y tế. Các trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử sẽ bị xử lý nghiêm.
Từ đầu năm 2025 đến nay cả nước xảy ra ít nhất ba vụ hành hung nhân viên y tế. Gần đây nhất là vụ việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định ngày 3/5. Trước đó, ngày 28/4, một vụ tương tự xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, Phú Thọ, và ngày 31/3 tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê, Gia Lai.
Các vụ việc không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh bệnh viện mà còn đe dọa tính mạng, tinh thần đội ngũ thầy thuốc, làm giảm động lực và sự tận tâm trong công việc.
Theo ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tình trạng bạo lực trong bệnh viện, đặc biệt tại khoa cấp cứu, trở thành vấn đề nghiêm trọng và cần giải quyết triệt để. Nguyên nhân có thể do áp lực quá tải, thời gian chờ đợi dài và tâm lý lo lắng, bức xúc của người nhà bệnh nhân.
Trong bối cảnh đó, nhân viên y tế không chỉ gánh vác trách nhiệm chuyên môn mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị đe dọa, hành hung ngay khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu người.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, phần lớn các vụ bạo lực nhắm vào nhân viên y tế xảy ra tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, với 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% điều dưỡng. Nguyên nhân thường xuất phát từ việc thân nhân bệnh nhân không hiểu rõ quy trình cấp cứu, suy đoán bác sĩ chậm trễ, hoặc bị ảnh hưởng bởi rượu bia, chất kích thích...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay tình trạng bạo hành nhân viên y tế là vấn đề nhức nhối toàn cầu, chủ yếu do bệnh nhân và người nhà gây ra.
Như Loan