Liên tiếp để mất tiêm kích, Mỹ rút siêu chiến hạm khỏi biển Đỏ

Liên tiếp để mất tiêm kích, Mỹ rút siêu chiến hạm khỏi biển Đỏ
13 giờ trướcBài gốc
Theo thông tin từ Business Insider, siêu chiến hạm USS Harry S. Truman bị triệu hồi về nước sau đợt triển khai đầy sóng gió tại Trung Đông và bị mất ba tiêm kích F/A-18, mỗi chiếc trị giá khoảng 60 triệu USD. Trên hành trình trở về cảng nhà Norfolk, nhóm tác chiến của tàu sân bay này sẽ tham gia cuộc tập trận Neptune Strike do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức tại khu vực, dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Liên quân Đồng minh Naples.
Hải quân Mỹ hiện chưa công bố chính xác thời điểm tàu rời biển Đỏ và khi nào sẽ cập cảng Norfolk. Tuy nhiên, các tài khoản chuyên theo dõi tình báo nguồn mở phát hiện siêu tàu sân bay USS Harry S. Truman qua kênh đào Suez và lên hướng Bắc vào cuối tuần trước.
Siêu tàu sân bay USS Harry S. Truman được lệnh trở lại cảng nhà tại Norfolk. Ảnh: NATO JFC Naples
Được biết, chiếm hạm này đến Trung Đông vào tháng 12/2024 và ngay trong tháng đó, một chiếc F/A-18 thuộc phi đội trên tàu bị tàu tuần dương USS Gettysburg (cũng thuộc nhóm tác chiến của tàu Truman) bắn hạ tại biển Đỏ trong một sự cố mà quân đội Mỹ xác nhận là quân ta bắn quân mình.
Đến giữa tháng 2 vừa qua, USS Harry S. Truman lại va chạm với một tàu thương mại lớn tại Địa Trung Hải gần cảng Said của Ai Cập. Tàu bị hư hại và phải di chuyển đến một căn cứ hải quân Mỹ để sửa chữa trong khi chỉ huy tàu bị cách chức.
Cuối tháng 4, khi quay lại biển Đỏ, một chiếc F/A-18 cùng với xe kéo đã rơi khỏi tàu trong lúc công tác hậu cần diễn ra. Phi công buộc phải nhảy khỏi buồng lái ngay trước khi máy bay lao xuống biển. Một số nguồn tin cho rằng tàu đang bẻ lái khẩn cấp để tránh hỏa lực Houthi vào thời điểm xảy ra sự cố, khiến máy bay bị lao xuống biển.
Chưa đầy hai tuần sau, một chiếc F/A-18 khác gặp sự cố khi hạ cánh xuống boong tàu. Theo thông báo của Hải quân Mỹ, dây hãm - hệ thống dùng để móc vào đuôi máy bay và làm chậm tốc độ, bị đứt, khiến chiếc chiến đấu cơ lao thẳng xuống biển. May mắn cả hai phi công đều kịp bung dù thoát hiểm và được trực thăng cứu hộ đón lên an toàn.
USS Harry S. Truman là chiếc thứ tám thuộc lớp siêu tàu sân bay Nimitz, có chiều dài 333m và lượng giãn nước 105.000 tấn, được biên chế tháng 7/1998 và có giá sản xuất ước tính khoảng 5,8 tỷ USD. Một quan chức quốc phòng giấu tên cũng cho biết, Bộ Tư lệnh Hải quân đang xem xét lại toàn bộ quy trình bảo dưỡng đối với USS Harry S. Truman, chiến hạm vốn có lịch sử vận hành ổn định trong hơn hai thập kỷ qua.
Như vậy, Mỹ chỉ còn một tàu sân bay USS Carl Vinson hiện diện tại khu vực Trung Đông, hoạt động cùng các khu trục hạm và tuần dương hạm trên biển Arab. USS Carl Vinson mang theo phi đội hỗn hợp, bao gồm cả tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35C.
Mỹ hiện có tổng cộng sáu chiến đấu cơ F-15E Strike Eagle tại đảo Diego Garcia. Ảnh: USAF
Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ hôm 19/5 cho hay, không quân nước này đã triển khai thêm hai tiêm kích đa năng F-15E Strike Eagle tới tiền đồn chiến lược Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, thêm rằng hiện có sáu chiến đấu cơ loại này đồn trú tại hòn đảo.
Tiêm kích F-15E được coi là khí tài phù hợp để bảo vệ Diego Garcia trước mối đe dọa từ máy bay không người lái (UAV) tự sát và tên lửa hành trình. Tầm bay và tải trọng lớn, cùng các hệ thống cảm biến mạnh mẽ cũng giúp loại tiêm kích này làm nhiệm vụ trinh sát phi truyền thống ở khu vực xung quanh đảo.
Quan chức Mỹ từ chối tiết lộ các tiêm kích được điều tới Diego Garcia thuộc đơn vị nào và xuất phát từ đâu. Tuy nhiên, các trang theo dõi dữ liệu hàng không nguồn mở cho biết chúng triển khai từ căn cứ Kadena trên đảo Okinawa (Nhật Bản), cách Diego Garcia khoảng 7.000 km.
Diego Garcia có diện tích 30km2, được coi là tiền đồn có vị trí chiến lược với quân đội Mỹ. Các tiêm kích và tàu chiến đóng quân tại đây từng tham gia chiến tranh vùng Vịnh, chiến dịch quân sự ở Afghanistan và Libya. Vị trí của Diego Garcia giúp Washington triển khai lực lượng khắp Trung Đông, Trung Á, Nam Á và Ấn Độ Dương.
Vị trí xa bờ của Diego Garcia từ lâu được coi là lớp phòng vệ tự nhiên để ngăn đòn tấn công từ các đối thủ tiềm tàng của Mỹ ở khu vực, trong đó có Iran. Sự hiện diện của oanh tạc cơ Mỹ tại Diego Garcia thường được coi là thông điệp dằn mặt của Washington gửi đến Tehran, do phi đội ở đây có thể xuất kích tùy ý và tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Iran mà không gặp trở ngại nào.
Kim Ngọc
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/the-gioi-24h/lien-tiep-de-mat-tiem-kich-my-rut-sieu-chien-ham-khoi-bien-do-i768925/