Theo thống kê Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm toàn quốc có 116 vụ tài xế cố tình điều khiển ô tô vượt đường sắt khi tàu đang đến gần. Điển hình là hai vụ việc vừa xảy ra trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng vào tối 8-4.
Vụ thứ nhất, xảy ra vào 19 giờ 17, tại đường ngang km 84+458 khu vực nối giữa hai ga Dụ Nghĩa - Phú Thái, thuộc địa phận xã Lê Thiện, huyện An Dương, Hải Phòng. Thời điểm này, tàu đang chuẩn bị chạy qua, tín hiệu cảnh báo được kích hoạt, chuông kêu, đèn đỏ nháy và cần chắn tự động chuẩn bị hạ xuống. Tuy nhiên, xe ô tô 34H-105.82 cố tình vượt qua, đâm vào cần chắn và mắc kẹt trên đường sắt, suýt xảy ra tai nạn. Vụ việc khiến một bên cần chắn bị cong vênh.
Tiếp đó, vào lúc 20 giờ 11 cùng ngày, tại đường ngang km 44+210, khu vực nối giữa hai ga Cẩm Giàng - Cao Xá, thuộc địa phận thị trấn Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Lúc này tàu chuẩn bị chạy qua, tín hiệu cảnh báo tự động được bật, nhưng ô tô 34F-011.06 cố tình đâm vào chắn để đi qua.
Camera ghi lại cảnh lái xe 34H-105.82 suýt gây ra tai nạn khi đoàn tàu đang lao tới với tốc độ nhanh.
Còn trong sáng nay (9-4), tại Km 1684+780, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận đoàn tàu SE3 chuẩn bị thông qua, tín hiệu cảnh báo tự động tại đường ngang đã bật, cần chắn đang hạ xuống nhưng xe ô tô 50H-540.89 cố tình vượt qua làm hỏng cần chắn.
Với các trường hợp trên, VNR đã phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý.
Mới nhất, ngày 5-4, VNR phối hợp với Công an tỉnh Bình Định xác minh, xử phạt 11 triệu đồng và tước bằng lái xe đối với tài xế H.Đ.H, về hành vi không chấp hành tín hiệu cảnh báo đường ngang, cố tình vượt qua đường sắt khi tàu sắp đến.
Tài xế H.Đ.H bị xử phạt vì cố tình đâm vào cần chắn đường sắt.
Tuy nhiên, VNR cho rằng trong quá trình phối hợp xử lý hành chính còn gặp rất nhiều khó khăn khó khăn như: Lái xe ô tô gây hư hỏng cho hệ thống cần chắn tự động và phụ kiện 100% là bỏ trốn khỏi hiện trường, không dừng lại; Xe vi phạm ở tỉnh này nhưng nơi xảy ra vi phạm ở tỉnh khác.
Thêm vào đó, lái xe vi phạm hầu hết là các xe tải, khi mua bán xe ô tô không làm thủ tục sang tên, chuyển chủ, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm lái xe vi phạm…
Ngoài phối hợp công an xử lý vi phạm hành chính, đại diện VNR cho biết đã tăng cường thực hiện công tác giám sát tại các trung tâm giám sát đường ngang và kịp thời xử lý, khắc phục khi có những sự cố xảy ra.
“Việc không chấp hành tín hiệu cảnh báo đường ngang, cố tình vượt qua đường sắt khi tàu sắp đến không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, đe dọa an toàn chạy tàu nếu không được ngăn chặn kịp thời…”- lãnh đạo VNR cho hay.