Liên tục động đất tại Myanmar, cảnh báo các đứt gãy ở Việt Nam có thể 'thức giấc'

Liên tục động đất tại Myanmar, cảnh báo các đứt gãy ở Việt Nam có thể 'thức giấc'
2 ngày trướcBài gốc
Vị trí tâm chấn tại Myanmar ngày 13-4. Nguồn: Trung tâm Địa chấn châu Âu - Địa Trung Hải (EMSC)
Theo Hãng tin AP, ngày 13-4, một trận động đất mạnh 5,5 độ richter đã xảy ra tại miền Trung Myanmar, được xác định là dư chấn mạnh nhất kể từ trận động đất 7,7 độ richter ngày 28-3.
Tâm chấn trận động đất nằm giữa Mandalay và Naypyitaw, ở độ sâu 7,7 - 20km. Người dân tại thị trấn Wundwin (bang Mandalay) cảm nhận rõ rung lắc.
Trước đó, Myanmar ghi nhận khoảng 468 dư chấn kể từ sau trận động đất lớn ngày 28-3 đến ngày 12-4. Trận động đất ngày 28-3 đã gây thiệt hại nặng nề với hơn 3.600 người chết và hơn 5.000 người bị thương.
Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Các khoa học Trái Đất), tại Việt Nam ngày 13-4 chỉ xảy ra 1 trận động đất (do kích thích) vào hồi 1 giờ 28 phút 50 giây với độ lớn 3 độ richter tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và không có ảnh hưởng nào từ dư chấn ở Myanmar.
Vị trí trận động đất kích thích ngày 13-4 tại tỉnh Kon Tum. Nguồn: Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần
Tuy nhiên, gần đây, các chuyên gia cảnh báo rằng hoạt động địa chấn tại Myanmar vẫn có thể ảnh hưởng đến các đứt gãy địa chất tại Việt Nam trong tương lai, như các đứt gãy Sông Mã, Lai Châu - Điện Biên - Sơn La, Sông Cả và Kon Tum - Tây Nguyên. Việc các đứt gãy này “thức giấc” có thể dẫn đến nguy cơ động đất trong tương lai, đặc biệt ở các khu vực đông dân như Hà Nội và TPHCM.
Cụ thể, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý địa cầu cho biết, trận động đất ở Myanmar xảy ra dọc theo đứt gãy Sagaing - một trong những hệ thống đứt gãy lớn và hoạt động mạnh nhất Đông Nam Á.
Việc đứt gãy này hoạt động có thể làm lan truyền ứng suất kiến tạo đến các đứt gãy lân cận, trong đó có nhiều đoạn nằm trên lãnh thổ Việt Nam, trong tương lai, đặc biệt là nếu xuất hiện tác động lan truyền từ những chấn động lớn ở các vùng lân cận như Myanmar.
Hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát tình hình và khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức về phòng chống động đất, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao.
PHÚC HẬU
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/lien-tuc-dong-dat-tai-myanmar-canh-bao-cac-dut-gay-o-viet-nam-co-the-thuc-giac-post790472.html