Liên tục nâng cấp ứng dụng Công dân số TPHCM

Liên tục nâng cấp ứng dụng Công dân số TPHCM
10 giờ trướcBài gốc
- PHÓNG VIÊN: Thưa bà, bà có thể đánh giá kết quả của ứng dụng Công dân số TPHCM sau hơn 1 tháng ra mắt người dùng?
- Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH: Sau hơn 1 tháng ra mắt, ứng dụng Công dân số TPHCM được nhiều người dân quan tâm, sử dụng. Tôi có thể khái quát qua những con số sau: gần 10.000 người dân đã thực hiện đăng nhập qua VNeID trên ứng dụng; tổng số lượt đăng nhập qua VNeID đạt gần 40.000 lượt; trên 52.000 lượt truy cập chức năng phản ánh, kiến nghị (PAKN) và gần 2.000 lượt gửi PAKN qua ứng dụng.
Qua hệ thống quản lý, các chức năng khác trên ứng dụng cũng có lượng tương tác rất cao, như: tra cứu y tế với gần 30.000 lượt; tra cứu giáo dục trên 20.000 lượt; tra cứu thủ tục hành chính gần 20.000 lượt; tra cứu tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ gần 12.000 lượt… Ngoài ra, hệ thống cũng ghi nhận rất nhiều góp ý cải thiện chức năng cho ứng dụng thông qua các kênh tiếp nhận. Từ đó chúng tôi đã phân tích và cải thiện các tính năng để đáp ứng tốt hơn về trải nghiệm cũng như nhu cầu của người dùng.
- Theo ghi nhận, ứng dụng vẫn chưa thực sự sinh động, chưa đẹp mắt để thu hút người dùng. Cụ thể, ứng dụng bản đồ chưa tiện ích trong việc chỉ đường nếu so với các app bản đồ khác… Bà có ý kiến gì về nhận định này?
- Ứng dụng Công dân số TPHCM phục vụ nhiều nhóm người dân sử dụng tại thành phố, từ người trẻ đến người cao tuổi, tất cả ngành nghề và tầng lớp lao động. Trong quá trình xây dựng và phát triển ứng dụng, chúng tôi có lộ trình phát triển dài hạn, nâng cấp cải tiến về chức năng và giao diện để phù hợp hơn cho người dân trên toàn thành phố lẫn khách du lịch. Với ứng dụng bản đồ số, qua những tính năng hiển thị trên bản đồ, chúng tôi hiện tập trung cho việc tích hợp các lớp dữ liệu các ngành lên bản đồ như y tế, giáo dục. Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM đang phát triển tính năng bản đồ số trên ứng dụng di động bằng nhiều lớp dữ liệu từ các ngành để phục vụ mục tiêu dữ liệu ngành liên quan chứ không chỉ là bản đồ di chuyển như các loại bản đồ số khác.
Tại Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, việc phân tích, cập nhật ứng dụng Công dân số TPHCM diễn ra thường xuyên
- Qua thực tế sử dụng, một số nội dung trên ứng dụng Công dân số TPHCM vẫn phải cài đặt ứng dụng của đơn vị khác. Vậy khi nào mới có thể “tất cả trong một”, thưa bà?
- Hiện tại, chúng tôi đã xây dựng khung phát triển ứng dụng để các ứng dụng di động đã triển khai trước đây tích hợp lên ứng dụng Công dân số TPHCM. Đồng thời, khung phát triển ứng dụng này sẽ là tài liệu kỹ thuật để các đơn vị phát triển ứng dụng giao tiếp với người dân, doanh nghiệp triển khai trên cùng một nền tảng, chia sẻ và tích hợp dữ liệu dùng chung của thành phố. Trong quá trình phát triển, ưu tiên của chúng tôi là tích hợp dữ liệu các ngành về kho dữ liệu của thành phố và từ đó sẽ cung cấp tính năng cho người sử dụng. Hiện chúng tôi đang phối hợp cùng Sở GTVT để tích hợp các dữ liệu của ngành lên ứng dụng Công dân số TPHCM. Dự kiến sang tuần, ứng dụng này sẽ được cập nhật và đưa vào sử dụng.
- Để khuyến khích người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Công dân số TPHCM, Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM có những chương trình hỗ trợ nào?
- Thông qua các Tổ chuyển đổi số cộng đồng ở các phường, xã, thị trấn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Công dân số TPHCM. Sắp tới, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM sẽ ký liên tịch với MTTQ Việt Nam TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Thành đoàn... phối hợp triển khai hoạt động hỗ trợ đưa ứng dụng đến người dân thành phố. Bên cạnh đó, việc không ngừng hoàn thiện các tính năng phục vụ thiết thực đời sống hàng ngày của người dân là nhiệm vụ trọng tâm mà trung tâm sẽ thực hiện thường xuyên.
- Ứng dụng vẫn phải tiếp tục hoàn thiện, cập nhật. Bà có thể cho biết lộ trình của việc này để ứng dụng được tối ưu nhất?
- Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn nhằm tiếp tục cập nhật và bổ sung những chức năng, dịch vụ mới để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Ngoài dữ liệu ngành giao thông đang triển khai tích hợp, ứng dụng Công dân số TPHCM sẽ cung cấp các dịch vụ để người dân đi xe buýt, tàu điện được thuận tiện hơn khi sử dụng những chính sách ưu đãi, trợ giá của thành phố.
Ngoài ra, ứng dụng sẽ cung cấp tính năng đăng ký sử dụng dịch vụ công, thanh toán trực tuyến và ví hồ sơ cá nhân lưu trữ giấy tờ điện tử của người dân… Cùng với đó, chúng tôi luôn lắng nghe và phân tích những phản hồi, đóng góp ý kiến của người dân về nhu cầu sử dụng các chức năng, dịch vụ trên ứng dụng và việc thực hiện cập nhật sẽ diễn ra liên tục hàng tháng, hàng quý nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế của người dùng.
Hơn 12,4 triệu người trưởng thành đã dùng chữ ký số
Theo thống kê của Bộ TT-TT, đến nay, có hơn 12,4 triệu người dân Việt Nam trưởng thành đã dùng chữ ký số. Một trong những hạn chế của việc triển khai phổ cập chữ ký số cá nhân là hiện chữ ký số mới chỉ được sử dụng chủ yếu trong một số lĩnh vực như kê khai và nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội... Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết, với mục tiêu đưa chữ ký số phổ biến đến toàn dân, cần thiết có thêm nhiều hệ thống chấp nhận chữ ký số, như hệ thống giao dịch hành chính, chứng khoán, dịch vụ công trực tuyến của các bộ, tỉnh.
Tại “Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ hạ tầng số của Việt Nam có 4 thành phần chính gồm hạ tầng viễn thông và internet; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng vật lý - số; hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ. Chiến lược cũng chỉ ra rằng, chữ ký số và chứng thực chữ ký số là một yếu tố thuộc hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ. Một mục tiêu đặt ra trong chiến lược là tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số, chữ ký điện tử đạt trên 50% vào năm 2024 và trên 70% vào năm 2030.
BÁ TÂN thực hiện
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/lien-tuc-nang-cap-ung-dung-cong-dan-so-tphcm-post773770.html