Liệu Apple có về Mỹ sau lời đe dọa của ông Trump?

Liệu Apple có về Mỹ sau lời đe dọa của ông Trump?
7 giờ trướcBài gốc
Ông Trump cho biết đã nhiều lần nhấn mạnh với CEO Tim Cook rằng Apple cần chuyển sản xuất về Mỹ. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/5 đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch sản xuất phần lớn iPhone tại Ấn Độ thay vì Mỹ của Apple, đồng thời đe dọa sẽ áp thuế 25% lên thương hiệu điện thoại đình đám này nếu hãng không chịu đưa dây chuyền sản xuất trở lại quê nhà.
Tuy vậy, các chuyên gia và truyền thông Mỹ cho rằng khả năng Apple thực sự chuyển sản xuất về Mỹ dường như vẫn còn rất xa vời, nếu không muốn nói là bất khả thi.
"Mọi thứ đều có thể, miễn là có đủ thời gian và không quan tâm đến lợi nhuận", Avi Greengart, nhà phân tích trưởng tại công ty nghiên cứu Techsponential nhận định với ABC News. "Chuỗi cung ứng của Apple mang tính toàn cầu cực kỳ phức tạp. Để chuyển nó về Mỹ, có thể phải mất hàng chục năm".
Viễn cảnh đắt đỏ
Về lý thuyết, Mỹ có thể đảm nhiệm khâu lắp ráp cuối cùng cho các sản phẩm của Apple, nhưng theo các chuyên gia, điều này sẽ mất nhiều năm và đẩy giá bán tăng cao, khiến người tiêu dùng có thể quay lưng với iPhone và chuyển sang các lựa chọn rẻ hơn.
Nhiều thập kỷ qua, Apple đã đầu tư hàng chục tỷ USD để xây dựng hệ sinh thái sản xuất khổng lồ tại Trung Quốc, với các nhà máy hiện đại dựa vào mạng lưới nhà cung cấp địa phương đông đảo. Điều này khiến hãng trở thành mục tiêu trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà ông Trump khơi mào, theo AP.
Để đối phó với căng thẳng địa chính trị, CEO Apple Tim Cook cho biết hầu hết iPhone bán ra tại thị trường Mỹ trong quý II năm nay sẽ được sản xuất từ Ấn Độ.
Hồi tháng 4, ông Trump đã tạm thời hoãn thuế đối ứng với một số sản phẩm công nghệ, trong đó có điện thoại thông minh nói chung và iPhone nói riêng. Dù vậy, ông Cook ước tính "cơn bão" thuế quan sẽ khiến Apple thiệt hại khoảng 900 triệu USD chỉ riêng trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6.
Kể từ khi chính quyền Trump công bố mức thuế mới vào đầu tháng 4, nhiều chuyên gia đã dự báo giá một chiếc iPhone trị giá 1.200 USD sản xuất tại Trung Quốc có thể tăng lên 1.500 USD. Nhưng nếu Apple buộc phải sản xuất hoàn toàn tại Mỹ, con số này có thể nhảy vọt lên 2.000, thậm chí 3.500 USD.
Giá iPhone có thể tăng gấp 3 nếu Apple chuyển sản xuất từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ về Mỹ. Ảnh: Reuters.
Chuyên gia Dan Ives thuộc hãng tư vấn tài chính Wedbush nhận định chỉ riêng việc đưa 10% chuỗi cung ứng của Apple về Mỹ cũng sẽ mất 3 năm và tiêu tốn khoảng 30 tỷ USD.
Theo ông, nếu Apple chuyển sản xuất từ Trung Quốc hay Ấn Độ về Mỹ, giá bán iPhone sẽ tăng gấp 3 lần, đe dọa trực tiếp đến doanh số của sản phẩm từng mang về 201 tỷ USD doanh thu trong năm tài chính gần nhất.
"Mức giá sẽ tăng khủng khiếp đến mức không tưởng", ông Ives nói. Ông gọi kịch bản iPhone "made in USA" là "điều không khả thi về mặt kinh tế".
Wamsi Mohan, chuyên gia phân tích tại Bank of America Securities, cũng nhận định rằng riêng chi phí nhân công tại Mỹ sẽ khiến giá iPhone 16 Pro tăng 25%, đẩy mức giá từ 999 USD hiện nay lên khoảng 1.250 USD, chưa kể chi phí xây dựng nhà máy.
Ngay cả khi có mức giá cao ngất ngưởng như vậy, một bộ phận nhỏ người tiêu dùng Mỹ có thể vẫn chọn mua iPhone nội địa, nhưng "đa số sẽ chuyển sang các lựa chọn rẻ hơn", theo dự báo của Ben Bajarin, nhà phân tích tại công ty Creative Strategies.
Nỗ lực mong manh
Một phần nguyên nhân dẫn đến tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của Apple đến từ chuỗi cung ứng phức tạp mà Tim Cook đã bắt đầu xây dựng từ những năm 1990, dưới thời cựu CEO Steve Jobs.
Thực tế, Apple hiện đã sản xuất một phần linh kiện tại Mỹ. CEO Tim Cook cho biết: "Trong năm 2025, chúng tôi dự kiến mua hơn 19 tỷ USD chip từ hàng chục bang trên toàn nước Mỹ, trong đó có hàng chục triệu chip tiên tiến sản xuất tại Arizona. Ngoài ra, kính dùng trong iPhone cũng được cung ứng bởi một công ty Mỹ. Tổng cộng, Apple có hơn 9.000 nhà cung ứng tại 50 bang".
Apple cố gắng sản xuất một số linh kiện như kính và mặt kính dùng cho iPhone tại Mỹ. Ảnh: Reuters.
Dù vậy, các nhà phân tích cũng cho rằng phần sản xuất tại Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong chuỗi cung ứng khổng lồ của Apple, và để mở rộng đáng kể quy mô này sẽ cần nhiều năm cùng khoản đầu tư kếch xù - điều có thể ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của công ty.
"Việc sản xuất tại Mỹ chỉ khả thi nếu mọi thứ được tự động hóa hoàn toàn, nhưng nếu vậy, mục tiêu tạo ra việc làm cho người Mỹ lại không thể đạt được", chuyên gia Bajarin nhấn mạnh.
Chính Tim Cook trong một sự kiện năm 2017 tại Trung Quốc cũng từng nghi ngờ khả năng lao động Mỹ có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất của Apple.
"Tại Mỹ, muốn họp một nhóm kỹ sư chế tạo dụng cụ cũng khó lấp đầy căn phòng. Nhưng ở Trung Quốc, bạn có thể lấp đầy cả sân vận động", ông nói khi đó.
Đòn giáng kép từ tòa án và thị trường
Hiện, Apple có thể giữ mức giá bán iPhone như hiện tại phần lớn nhờ lợi nhuận khổng lồ từ mảng dịch vụ bao gồm các gói thuê bao, ứng dụng và nội dung số - vốn không bị ảnh hưởng bởi thuế của ông Trump. Trong năm tài chính gần nhất, mảng này mang về 96 tỷ USD doanh thu.
Tuy nhiên, Apple vừa phải đối mặt với một đòn giáng mạnh từ ngành tư pháp Mỹ. Một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết cấm Apple thu hoa hồng từ các giao dịch thực hiện qua hệ thống thanh toán bên thứ ba trong ứng dụng. Nếu không thành công trong việc kháng cáo, Apple có thể mất hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm.
Apple bị cấm thu hoa hồng từ các giao dịch trong ứng dụng nếu thanh toán không thông qua hệ thống riêng của hãng. Ảnh: Reuters.
Theo Ives, CEO Tim Cook nhiều khả năng sẽ chọn cách đàm phán với ông Trump để iPhone tránh được mức thuế 25%. Dù vậy, tương lai cũng trở nên khó lường với Apple và cả ngành công nghệ khi trí tuệ nhân tạo (AI) đang trỗi dậy mạnh mẽ. Các thiết bị không màn hình và không cần chạm có thể sớm trở thành làn sóng mới, khiến smartphone dần mất vai trò trung tâm.
"Có thể 10 năm nữa bạn sẽ không còn cần đến iPhone. Nghe thì điên rồ, nhưng đó là khả năng có thật", Eddy Cue, Phó chủ tịch cấp cao của Apple, phát biểu trong phiên tòa liên quan đến vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Google đầu tháng này.
Apple hiện chưa có phản hồi chính thức nào sau tuyên bố hôm 23/5 trên mạng xã hội của ông Trump.
Trước đó, trong buổi công bố kết quả kinh doanh vào đầu tháng 5, CEO Tim Cook cho biết các mức thuế quan chỉ "ảnh hưởng hạn chế" đến hoạt động của Apple trong quý I, nhờ khả năng tối ưu hóa chuỗi cung ứng của công ty.
Song, ông thừa nhận rất khó dự đoán tình hình sau tháng 6. "Bởi ngay cả tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra với các mức thuế", ông cho biết.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/lieu-apple-co-ve-my-sau-loi-de-doa-cua-ong-trump-post1555471.html