Liệu Australia có thể thay thế Trung Quốc trong cung cấp đất hiếm?

Liệu Australia có thể thay thế Trung Quốc trong cung cấp đất hiếm?
11 giờ trướcBài gốc
Vị thế của Trung Quốc với đất hiếm
Đất hiếm chuẩn bị được bốc xếp tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Đáng chú ý, Thủ tướng Albanese cho biết Australia sẽ ưu tiên các loại khoáng sản có vai trò then chốt đối với an ninh quốc gia của cả của Australia lẫn các đối tác.
Theo BBC (Anh), Mặc dù biện pháp kiểm soát của Trung Quốc áp dụng với tất cả các quốc gia, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng đây là biện pháp trả đũa của Bắc Kinh trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan. Sau nhiều lần tăng thuế quan, hiện tổng thuế suất mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc là 145%, bao gồm 20% đã áp đặt trước đó và 125% nằm trong gói thuế đối ứng.
Đất hiếm là nhóm gồm 17 nguyên tố được gọi là "hiếm" vì quá trình khai thác và tinh luyện chúng vô cùng phức tạp. Các nguyên tố đất hiếm như samarium và terbium đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất những công nghệ sẽ định hình thế giới trong các thập niên tới, bao gồm xe điện và các hệ thống vũ khí tiên tiến.
Kế hoạch dự trữ của ông Albanese bao gồm đất hiếm cũng như các khoáng sản chiến lược khác mà Australia hiện là một trong những quốc gia sản xuất hàng đầu, như lithium và cobalt.
Cả Trung Quốc và Australia đều có trữ lượng đất hiếm. Tuy nhiên, 90% công đoạn tinh luyện đất hiếm diễn ra tại Trung Quốc, mang lại cho nước này quyền kiểm soát đáng kể đối với chuỗi cung ứng.
Và điều đó khiến các chính phủ phương Tây không khỏi lo ngại.
Các nhà phân tích cho rằng việc Washington không đảm bảo được nguồn cung đất hiếm đã trở thành một trong những mối lo hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh ngày càng leo thang. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), khoảng 75% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn 2019–2022 đến từ Trung Quốc.
Ông Philip Kirchlechner, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quặng sắt tại Perth (Australia), nói với BBC rằng suốt nhiều thập niên qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã “lơ là” trong nhận thức tầm quan trọng của đất hiếm. Trong cùng khoảng thời gian này, Trung Quốc lại nhanh chóng xây dựng thế độc quyền trong khâu tinh luyện. Ông bổ sung: “Trung Quốc đang nắm giữ điểm huyết mạch trong chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ và châu Âu”.
Đất hiếm góp phần trong chế tạo nam châm biến năng lượng thành chuyển động để sử dụng trong vô số thiết bị điện và điện tử, từ chip điện thoại, xe điện, tuốc bin gió, thiết bị quân sự... Tuần này, CEO của Tesla Elon Musk cho biết việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm dùng trong nam châm công nghệ cao đang ảnh hưởng đến khả năng phát triển robot hình người của công ty. Điều này phản ánh những tổn thất mà Bắc Kinh có thể gây ra cho doanh nghiệp Mỹ.
Đề xuất của Australia
Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đề xuất của Thủ tướng Albanese, các khoáng sản trong quỹ dự trữ sẽ được cung cấp cho cả “ngành công nghiệp trong nước và các đối tác quốc tế”, ám chỉ đến các đồng minh như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Ông Kirchlechner hoan nghênh động thái này và cho rằng “đã đến thời điểm cần thực hiện”. Nhưng ông cũng nhận xét rằng đề xuất này sẽ không giải quyết được vấn đề.
Vấn đề cốt lõi là ngay cả khi Australia tích trữ thêm các khoáng sản thiết yếu, quá trình tinh luyện đất hiếm vẫn phần lớn do Trung Quốc kiểm soát.
Lithium là một ví dụ điển hình. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Australia khai thác 33% lượng lithium của thế giới, nhưng chỉ tinh luyện và xuất khẩu một phần rất nhỏ. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ khai thác 23% nhưng tinh luyện tới 57% lượng lithium toàn cầu.
Australia đã bắt đầu đầu tư vào công nghệ tinh luyện đất hiếm trong khuôn khổ kế hoạch “Future Made in Australia”, nhằm tận dụng nguồn khoáng sản chiến lược để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Công ty Arafura Rare Earths có trụ sở tại Perth vào năm 2024 đã nhận được khoản tài trợ trị giá 840 triệu AUD để xây dựng tổ hợp khai thác và tinh luyện đất hiếm đầu tiên của nước này. Và vào tháng 11, Australia khánh thành nhà máy chế biến đất hiếm đầu tiên tại Tây Australia, do Lynas Rare Earths vận hành.
Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington cho rằng Australia vẫn sẽ phải phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc tinh luyện đất hiếm, ít nhất cho đến năm 2026.
Trong một loạt bài xã luận đăng trên các tờ báo của Australia, Đại sứ Trung Quốc tại Canberra đã chỉ trích gay gắt cách tiếp cận của Washington đối với thương mại toàn cầu, đồng thời kêu gọi Canberra “bắt tay” với Bắc Kinh. Thủ tướng Albanese đã nhanh chóng bác bỏ điều này.
Australia đã quảng bá ngành công nghiệp tài nguyên của nước này trong các cuộc đối thoại với Tổng thống Trump. Một số khoáng sản chiến lược đã được miễn trừ khỏi mức thuế 10% mà ông Trump áp lên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Australia. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đề xuất của ông Albanese chủ yếu nhằm bảo vệ Australia và các đối tác khác trước Trung Quốc.
Bà Alicia García-Herrero tại ngân hàng Natixis nói với BBC rằng kế hoạch của ông Albanese bao gồm khả năng bán tài nguyên của Australia vào những thời điểm kinh tế căng thẳng. Bà bổ sung rằng nếu Trung Quốc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, Australia có thể tăng cường bán ra nguồn khoáng sản dự trữ của mình để giúp hạ giá trên thị trường toàn cầu, đồng thời làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với việc định giá cả.
Tuy nhiên, bà cho rằng Australia không thể hoàn toàn thay thế Trung Quốc. Bà Bà Alicia García-Herrero phân tích: “Nếu mục tiêu của Australia là hỗ trợ phương Tây, trở thành một đối tác chiến lược hơn – đặc biệt với Mỹ – thì vẫn còn những điểm yếu, và điểm yếu lớn nhất chính là năng lực tinh luyện”.
Hà Linh/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/lieu-australia-co-the-thay-the-trung-quoc-trong-cung-cap-dat-hiem-20250426134313933.htm