Liệu có công bằng trong quy đổi điểm xét tuyển đại học năm 2025?

Liệu có công bằng trong quy đổi điểm xét tuyển đại học năm 2025?
3 giờ trướcBài gốc
Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ ngành Giáo dục mầm non năm 2025 với quy định: Quy đổi tương đương là việc quy đổi ngưỡng đầu vào, điểm trúng tuyển giữa các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển của một mã xét tuyển theo một quy tắc do cơ sở đào tạo quy định, đảm bảo tương đương về mức độ đáp ứng yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo tương ứng... với mục đích để đảm bảo công bằng trong xét tuyển đại học bằng các phương thức khác nhau của các trường đại học từ năm 2025, liệu việc quy đổi điểm này có đúng mục đích đặt ra?
Thí sinh lớp 12. Ảnh: Quốc Việt
Quy tắc quy đổi điểm tương đương
Tại dự thảo Hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ GD-ĐT đưa ra công thức quy đổi thang điểm các phương thức xét tuyển để các cơ sở đào tạo tham khảo. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường có sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, trường phải xây dựng quy tắc quy đổi điểm tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển bảo đảm theo quy chế tuyển sinh, trong đó thực hiện thống nhất các nội dung theo hướng dẫn của bộ.
Bộ GD-ĐT xác định mục tiêu quy tắc quy đổi điểm tương đương đơn giản, bảo đảm tuyển chọn được các thí sinh đáp ứng tốt nhất yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Bộ GD-ĐT yêu cầu việc quy đổi điểm phải có căn cứ khoa học và thực tiễn bao gồm các thông tin dữ liệu thống kê, phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo các tổ hợp, điểm thi tốt nghiệp THPT hằng năm.
Thông tin công bố phổ điểm chi tiết của các trường tổ chức thi, điểm kết quả học tập (nếu trường dùng kết quả xét tuyển); sử dụng điểm xét (gồm tổng điểm của tổ hợp/kết quả đánh giá… và điểm cộng) để thực hiện xác định quy tắc quy đổi; công bố điểm trúng tuyển cho thí sinh theo từng phương thức xét tuyển.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc dữ liệu học bạ THPT làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi. Căn cứ dữ liệu thống kê, phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo các tổ hợp các năm trước. Cụ thể: Thống kê số lượng thí sinh trúng tuyển theo từng phương thức xét tuyển tối thiểu 2 năm trước liền kề; kết quả học tập của từng sinh viên này tại trường.
Trên cơ sở phân tích mối tương quan giữa kết quả học tập tại trường và phổ điểm của các phương thức xét tuyển của cùng nhóm thí sinh; từ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào tới điểm tối đa của thang điểm xét, trường phải xác định tối thiểu 3 vùng điểm (ví dụ: xuất sắc - giỏi, khá và đạt) để xây dựng tối thiểu 3 hàm tương quan tuyến tính (3 hàm bậc nhất) cho 3 vùng điểm này.
Xây dựng bảng quy đổi và nội suy hàm tương quan tuyến tính từng khúc liên tục giữa điểm của hai phương thức xét tuyển (sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT làm gốc).
Bảng quy đổi cụ thể như sau:
Hàm tương quan tuyến tính tương ứng:
Thỏa mãn f(Ak) = Bk. Từ đó xác định các hệ số tương quan Mk, Nk.
Dựa trên phương án nêu trên, đồng thời căn cứ quy tắc chuẩn được Bộ GD-ĐT công bố sau khi có kết quả thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường căn cứ đặc thù của chương trình đào tạo/ngành/nhóm ngành hoàn thiện quy tắc quy đổi của trường và công bố theo quy định.
Theo hướng dẫn về phương pháp quy đổi như trên có thể dễ dàng nhận thấy việc quy đổi điểm từ các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, điểm học bạ… được dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để quy đổi theo hàm tuyến tính bậc nhất để xác định các hệ số quy đổi nhằm thống nhất điểm quy đổi cuối cùng dùng để xét điểm chung cho thí sinh.
Cần đảm bảo công bằng?
Nhìn về phương pháp quy đổi thể hiện tính công bằng thông qua một điểm cuộc thi trung gian do Bộ GD-ĐT tổ chức theo quy mô cấp quốc gia sẽ có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, độ tin cậy của điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho dù có cao nhưng độ giá trị của phép quy đổi không có thì việc quy đổi này là thiếu cơ sở khoa học và dẫn đến mất công bằng trong xét tuyển đại học vì các lí do sau đây:
Thứ nhất, việc quy đổi không tuân thủ theo khoa học về kiểm tra, đánh giá kết quả của người học vì mỗi kỳ thi, bài thi, môn thi, có mục đích, mục tiêu và cách sử dụng kết quả khác nhau đúng theo mục đích của kỳ thi.
Đơn cử kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với mục đích chính là để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và do đó chỉ cần 5 điểm/ môn thi là đã tốt nghiệp trung học phổ thông và theo một chuẩn khác (từ 5 điểm trở lên là đạt, do đó 5 điểm như 10 điểm nếu chỉ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông). Còn các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các đại học, trường đại học là kỳ thi với mục đích dùng để tuyển sinh đại học và có cả các yếu tố đánh giá năng lực đặc thù với các ngành học ở bậc đại học mà người học có thể học tập thành công trong tương lai.
Ngoài ra, điểm tổng kết học tập bằng học bạ là điểm đánh giá theo quá trình học tập của người học đúng theo mục đích của thông tư 22 về kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh với mục đích là đánh giá vì sự tiến bộ của người học nên khác với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá tổng kết.
Thứ hai, việc quy đổi theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT là việc quy đổi tuyến tính một chiều mà chưa có chiều ngược lại. Đặc biệt, đối với các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… khi quy đổi theo theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì việc mẫu lựa chọn quy đổi cũng chưa đảm bảo tính đại diện và xét các yếu tố ảnh hưởng để đưa ra tương quan cũng chưa đảm bảo tính công bằng với lí do đặc thù của chương trình giáo dục phổ thông 2018 học sinh học và dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông không đầy đủ các môn học theo tổ hợp xét tuyển đầu vào của các trường có dùng điểm thi đánh giá năng để quy đổi nên việc dùng 3 môn thi tốt nghiệp THPT để quy đổi sẽ chưa đảm bảo tính toàn diện và tương đương về năng lực đảm bảo công bằng trong quy đổi.
Hơn nữa, có nhiều thí sinh khi đã dự thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đã có kết quả tốt yên tâm khi đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông không làm hết năng lực (chỉ cần điểm 5 để tốt nghiệp) nên đây cũng là những sai số lớn trong quy đổi theo phương pháp mà Bộ GD-ĐT hướng dẫn.
Như vậy, việc quy đổi điểm theo phương pháp trên liệu có công bằng như mong muốn của Bộ GD-ĐT hơn so với việc các đại học, trường đại học quy định về số chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển. Còn nếu chưa công bằng trong xác định chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển của các đại học, trường đại học thì cơ quan quản lý nhà nước có nhiều biện pháp để đưa việc xét tuyển này đảm bảo công bằng mà vẫn đảm bảo quyền tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh theo quy định của Luật giáo dục đại học.
Nhật Hồng
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/lieu-co-cong-bang-trong-quy-doi-diem-xet-tuyen-dai-hoc-nam-2025-post409112.html