Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh về AI, các doanh nghiệp và chính phủ ở Đông Nam Á có xu hướng tiếp cận thực tế hơn, dựa trên sự cân nhắc về chi phí, hiệu suất và các lo ngại về quy định. Trong khi các nền tảng như ChatGPT và Gemini của Google phổ biến tại Đông Nam Á, các mô hình AI của Trung Quốc cũng đang dần thâm nhập vào thị trường này.
Ali Fazeli, Giám đốc công nghệ tại NexVision Lab, nhận xét khả năng hỗ trợ nhiều ngôn ngữ như tiếng Quan Thoại, tiếng Indonesia và tiếng Thái cùng với sự hợp tác với các công ty công nghệ địa phương giúp DeepSeek có lợi thế. Tuy nhiên, Benjamin Ho, phó giáo sư chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), nhấn mạnh sự hiện diện của DeepSeek không đồng nghĩa với sự chấp nhận rộng rãi. Ông cho rằng Đông Nam Á luôn đánh giá các lựa chọn thay thế nhưng không nhất thiết sẽ ưu tiên sản phẩm Trung Quốc chỉ vì chi phí thấp.
DeepSeek, mô hình AI mã nguồn mở của Trung Quốc, thu hút người dùng Đông Nam Á nhờ hỗ trợ đa ngôn ngữ. Ảnh: DPA
Công ty phát triển mô hình DeepSeek đã nhanh chóng nổi lên kể từ khi ra mắt mô hình AI mới nhất vào tháng trước, thậm chí vượt qua OpenAI về số lượt tải xuống miễn phí trên App Store tại nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Canada, Trung Quốc, Singapore và Vương quốc Anh. Sự thành công này đã tác động lớn đến thị trường công nghệ, khi Nvidia mất 589 triệu USD giá trị thị trường chỉ trong một tuần.
Mô hình AI mới của DeepSeek, R1, được công bố có hiệu suất tương đương với ChatGPT của OpenAI, đồng thời cho phép cá nhân tạo chatbot dựa trên nền tảng của nó. Maria Monica Wihardja, nghiên cứu viên tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận định sự phát triển của DeepSeek là tín hiệu cho thấy Trung Quốc không hề chậm trễ trong cuộc đua AI. Bà cũng cho rằng việc Mỹ siết chặt kiểm soát công nghệ AI có thể đã quá muộn để ngăn chặn sự tiến bộ của quốc gia tỷ dân.
Dylan Loh, Phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang, chỉ ra rằng Đông Nam Á từ lâu đã xem Trung Quốc là một cường quốc công nghệ. Nhiều quốc gia trong khu vực đã dựa vào Trung Quốc không chỉ trong lĩnh vực công nghệ phần cứng mà cả phần mềm. Điều này càng được thúc đẩy bởi các sáng kiến hợp tác như Con đường tơ lụa kỹ thuật số.
Woon Chih Yuan, Phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhấn mạnh các công cụ AI như DeepSeek sẽ giúp củng cố ảnh hưởng kỹ thuật số của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, ông Fazeli cảnh báo vấn đề quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu vẫn là một mối quan ngại lớn. Ông nhấn mạnh mặc dù DeepSeek có khả năng xử lý dữ liệu mạnh mẽ, cách công ty này quản lý thông tin nhạy cảm vẫn chưa rõ ràng.
Về mặt thương mại, Fazeli nhận định DeepSeek vẫn còn một chặng đường dài để có thể thực sự cạnh tranh với OpenAI. Ông cho rằng việc tích hợp DeepSeek vào hệ thống kinh doanh không nên diễn ra vội vàng, đặc biệt khi sản phẩm này vẫn chưa hoàn thiện so với các đối thủ.
Các chuyên gia cũng cho rằng AI Trung Quốc có thể cung cấp các giải pháp giá cả phải chăng hơn, đặc biệt là nhờ thiết kế mô hình nhẹ, yêu cầu ít tài nguyên phần cứng. Điều này giúp chúng trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các khu vực có hạ tầng công nghệ hạn chế. Hệ thống mã nguồn mở của DeepSeek cũng cho phép người dùng không chỉ sử dụng mà còn phát triển thêm trên nền tảng này.
Theo Wihardja, đây là một lợi thế quan trọng khi nhiều nước đang phát triển có thể tận dụng DeepSeek để mở rộng khả năng khoa học và công nghệ. Hệ thống mở này cho phép mọi người khai thác tri thức chung thay vì chỉ mang lại lợi ích cho một số ít doanh nghiệp hoặc quốc gia.
Tuy nhiên, về mặt bảo mật, chuyên gia cảnh báo cả AI của phương Tây lẫn Trung Quốc đều có những rủi ro tương tự. Vấn đề kiểm duyệt, thiên vị và quyền sở hữu dữ liệu vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng. Ông Ho từ RSIS cho rằng dù một số tổ chức bảo mật có thể e ngại DeepSeek, nhưng những ai thực sự quan tâm đến bảo mật cũng sẽ không nhập truy cập của họ vào ChatGPT.
Ngoài ra, căng thẳng Mỹ-Trung cũng là một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định áp dụng DeepSeek tại Đông Nam Á. Một số doanh nghiệp và chính phủ có thể do dự trong việc sử dụng DeepSeek vì lo ngại bị cuốn vào cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai cường quốc này.
Mặc dù có đà phát triển mạnh mẽ ban đầu, DeepSeek vẫn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ cả đối thủ trong nước và quốc tế. Các mô hình mã nguồn mở khác như Llama của Meta cũng đang cung cấp các lựa chọn thay thế mạnh mẽ, trong khi OpenAI và Google vẫn thống trị thị trường AI toàn cầu.
Ông Woon của NUS nhận định vẫn còn quá sớm để kết luận liệu DeepSeek có thể trở thành một phần quan trọng trong hệ sinh thái AI của Đông Nam Á hay không. Câu hỏi về khả năng phát triển, độ chính xác và sự tinh vi của mô hình này vẫn cần thời gian để kiểm chứng.
Tùng Lâm