Liệu EU có kỳ vọng vào chiến thắng của ông Trump?

Liệu EU có kỳ vọng vào chiến thắng của ông Trump?
4 giờ trướcBài gốc
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở bang Maryland. Ảnh: AA/TTXVN
Hiện nay, chính trường tại hai quốc gia thành viên lớn nhất EU là Pháp và Đức đang rối ren, quan hệ song phương giữa hai nước cũng không thực sự suôn sẻ. Đồng thời, tăng trưởng trì trệ cùng những thách thức lớn về tài khóa và di cư đã khiến cả lục địa rơi vào giai đoạn bế tắc.
Mới cách đây hai năm, triển vọng của châu Âu còn rất khác biệt, khi xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy khối này xác định rõ mục tiêu chiến lược hơn. Đức cam kết 100 tỷ euro cho chính sách quốc phòng đặc biệt (khoản tiền nằm ngoài ngân sách thông thường), bước ngoặt trong chính sách quốc phòng và an ninh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điều chỉnh quan hệ với Đông Âu, từ bỏ thái độ dè dặt truyền thống của nước này về việc mở rộng EU. Khối này đã vượt qua các ràng buộc ngân sách tự đặt ra để cung cấp tài chính cho Ukraine và thực hiện 14 đợt trừng phạt sâu rộng nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, định hướng đó giờ đã phai nhạt và điều bất ngờ là việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại Nhà Trắng có thể giúp EU tìm lại "ánh sáng".
Hiện tại, Pháp và Đức đã trở thành những nhân tố chính gây nên tình trạng bế tắc của EU. Canh bạc bầu cử sớm của Macron dẫn đến môi trường chính trị kém ổn định và khó dự đoán hơn, thâm hụt ngân sách tăng vọt làm xấu đi di sản kinh tế của ông - và kéo theo đó là uy tín trong EU. Trong khi đó tại Đức, liên minh cầm quyền bất ổn và thậm chí có thể không hoàn thành nhiệm kỳ hiện tại.
Tất nhiên, vấn đề của khối không chỉ nằm ở quan hệ Pháp-Đức. Những thách thức mà các thành viên đang phải vật lộn nhiều nhất - an ninh, quốc phòng, di cư và chính sách tài khóa - lại là những lĩnh vực ít có khả năng hành động tập thể nhất ở cấp độ liên minh (EU), vì chúng gắn liền với bản chất của quốc gia: biên giới, thuế và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, khi không mặn mà với việc chia sẻ chủ quyền trong các lĩnh vực này, các nhà lãnh đạo EU sẽ khó giải quyết hiệu quả những lo ngại của người dân, từ đó càng thúc đẩy chủ nghĩa dân túy và sự phân mảnh chính trị.
Đây chính là lúc ông Trump có thể giúp EU. Chiến thắng của ông Trump sẽ ngay lập tức khôi phục các kế hoạch về nợ chung của EU cho an ninh và quốc phòng. Ý tưởng này - ban đầu do Tổng thống Pháp Macron đề xuất và được Đại diện Cấp cao mới của EU Kaja Kallas ủng hộ - thậm chí đã nhận được sự ủng hộ ngầm từ các nước ở Bắc Âu, nhưng đã mất đà sau cuộc bầu cử của tổng thống Pháp. Cú sốc từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump chắc chắn sẽ khơi dậy nó, đặc biệt vì Đức - quốc gia miễn cưỡng nhất trong việc ủng hộ ý tưởng của ông Macron - cũng là nước lo sợ nhất về việc mất đảm bảo an ninh từ Mỹ.
Điều tương tự cũng đúng với triển vọng u ám về kinh tế của lục địa này. Theo dự đoán của cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mario Draghi về khoảng trống đầu tư 800 tỷ euro mỗi năm, chỉ có thể được lấp đầy bằng tài chính chung nhiều hơn. Nó cũng đòi hỏi một cách tiếp cận khác đối với chính sách công nghiệp và tài khóa toàn EU, một lần nữa, sẽ bắt đầu từ Đức và lan tỏa ra phần còn lại của EU - điều mà một cuộc chiến thương mại với ông Trump có thể giúp mở khóa.
Việc cựu tổng thống Mỹ quay lại nắm quyền cũng có thể mang lại hai tác động có lợi khác cho châu Âu: Thứ nhất, nó sẽ tăng thêm trọng lượng cho nỗ lực của Ủy ban châu Âu trong việc cải tổ toàn diện ngân sách EU và làm cho nó phù hợp hơn với mục đích - việc chi khoảng hai phần ba tài chính của khối cho trợ cấp nông nghiệp và quỹ gắn kết khó có thể bền vững khi đối mặt với những rủi ro sinh tử mà ông Trump đặt ra. Thứ hai, nó sẽ thúc đẩy quá trình thiết lập lại quan hệ Anh-EU đang chững lại, khi các quan chức cấp cao ở cả hai bên đều tin rằng sự trở lại của ông sẽ buộc họ phải tìm cách sáng tạo hơn để vượt qua các lằn ranh đỏ tương ứng.
Tất nhiên, vẫn còn đó nguy cơ một nhiệm kỳ tổng thống nữa của ông Trump sẽ thúc đẩy xu hướng ly tâm của EU thay vì xu hướng hội nhập. Nỗ lực của ông Trump nhằm chia rẽ EU bằng cách song phương hóa quan hệ với các nước thành viên có thể thành công, đặc biệt nếu liên kết các vấn đề thương mại và quốc phòng. Hơn nữa, việc từ bỏ một phần hoặc có thể toàn bộ NATO có thể gây hoảng loạn trong số người châu Âu, dẫn đến phản ứng "ai lo phận nấy".
Không có gì hoài nghi rằng một nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ thử thách nền văn hóa dân chủ của Mỹ và các thể chế đa phương toàn cầu. Đây không phải là điều mà thế giới mong muốn một cách dễ dàng. Nhưng nó cũng có thể chính là cú sốc cần thiết để ngăn EU rơi vào tình trạng suy thoái dài hạn.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/lieu-eu-co-ky-vong-vao-chien-thang-cua-ong-trump-20241105153046946.htm