Liệu hòa bình thực sự có đến với đất nước Congo giàu khoáng sản?

Liệu hòa bình thực sự có đến với đất nước Congo giàu khoáng sản?
2 ngày trướcBài gốc
Xung đột vì khoáng sản
Cuộc xung đột giữa Congo và Rwanda bắt nguồn từ hậu quả cuộc diệt chủng tại Rwanda năm 1994 do quân đội của chính quyền người Hutu tiến hành nhằm vào cộng đồng người Tutsi thiểu số. Nhờ sự can thiệp của quốc tế, chính quyền Rwanda mới do Mặt trận yêu nước Rwanda (RPF) của ông Paul Kagame lãnh đạo đã đánh bại lực lượng này nhưng đồng thời đẩy 2 triệu người Hutu rời bỏ đất nước chạy sang Congo. Trong số này có hàng ngàn tay súng từng tham gia thảm họa diệt chủng. Tại đây, lực lượng này tập hợp thành Lực lượng Dân chủ giải phóng Rwanda (FDLR) và xây dựng căn cứ để tấn công lại chính quyền Rwanda mới.
RPF với quyết tâm loại trừ mối đe dọa FDLR đã hỗ trợ người Tutsi ở Congo để thành lập phiến quân M23. Nhưng, phiến quân M23 không chỉ đủ sức chống lại FDLR mà còn lớn mạnh đến mức có thể chống lại cả chính quyền Congo gây nên cuộc nội chiến kéo dài tại đất nước giàu tài nguyên ở Trung Phi này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hào hứng với thỏa thuận Washington vừa được ký kết.
Trong hai chục năm qua, cuộc nội chiến ở Congo đã khiến hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người mất nhà cửa. Tình trạng xung đột dai dẳng này do nhiều nguyên nhân bao gồm cả sự yếu kém của quân đội Congo và sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là bởi M23 nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền Uganda và đặc biệt là Rwanda vì muốn khai thác tài nguyên của họ. Congo là một trong những quốc gia giàu tài nguyên nhất trên thế giới, đặc biệt là sở hữu những mỏ coban, thiếc, vàng, tungsten có trữ lượng lớn dễ khai thác ở khu vực phía Đông. Đây là những nguyên liệu quý cho các ngành công nghiệp nặng, điện tử, đặc biệt là trong sản xuất pin xe điện.
Việc M23 kiểm soát khu vực này trong hàng chục năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn lậu những kim loại quý này sang Uganda và Rwanda đem lại lợi nhuận lớn. Chính vì vậy, cuộc xung đột hiện nay tại Congo được đánh giá là cuộc xung đột vì khoáng sản.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio ký văn bản thỏa thuận hòa bình cùng các đồng cấp Rwanda và Congo.
Mới nhất, tháng 1/2025, M23 mở chiến dịch quân sự chớp nhoáng đánh chiếm 2 thành phố lớn là Goma và Bukavu, cùng hàng loạt mỏ khoáng sản giàu cobalt, vàng, tantali và lithium ở khu vực Kuvu. Rwanda bị cáo buộc triển khai từ 7 nghìn đến 12 nghìn quân sang hỗ trợ M23 thực hiện chiến dịch này, dù họ luôn phủ nhận. Cuộc tấn công này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm 7 nghìn người chết, hàng trăm nghìn người phải di tản và nguy cơ Congo bị chia cắt lãnh thổ lâu dài. Nguy cơ về một thảm họa nhân đạo mới nổ ra đã khiến cộng đồng quốc tế phải vào cuộc. Lần này, nước Mỹ trở thành bên tích cực nhất.
“Trung gian hòa giải”?
Sau thảm họa diệt chủng năm 1994, Rwanda dưới thời Tổng thống Paul Kagame nhanh chóng trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Phi. Mối quan hệ này đã đem đến vị thế đặc biệt cho Mỹ trong khu vực. Rwanda cũng đã xây dựng được một nền kinh tế mạnh mẽ và có một lực lượng quân sự lớn để duy trì ảnh hưởng ở Trung Phi. Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng và những bằng chứng ngày càng rõ ràng về vai trò của Rwanda trong việc hỗ trợ M23 theo thời gian cũng đã buộc Mỹ phải điều chỉnh cách tiếp cận.
Từ năm 2012, Mỹ đã tạm ngừng một phần viện trợ quân sự trực tiếp cho Rwanda liên quan đến cáo buộc hỗ trợ M23. Các quan chức Mỹ cũng nhiều lần lên tiếng công khai kêu gọi Rwanda rút hoặc ngừng hỗ trợ M23, nhấn mạnh tầm quan trọng chủ quyền của Congo. Bước ngoặt đáng kể là vào tháng 12/2023, Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt lên một doanh nhân người Rwanda là Alain Mukuralinda, người bị cáo buộc là nhân vật chủ chốt trong mạng lưới buôn lậu khoáng sản do Rwanda hậu thuẫn ở Congo để tài trợ cho M23.
Nguồn Tài nguyên khoáng sản lớn ở Congo là lý do gây bất ổn định cho đất nước này.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá động lực của Mỹ trước đây chủ yếu để ngăn chặn thảm họa nhân đạo mới và kiềm chế ảnh hưởng của các đối thủ như Trung Quốc và Nga đang gia tăng ở Congo. Vì vậy, sự can thiệp của Mỹ vẫn bị giới hạn. Họ không muốn làm sụp đổ hoàn toàn mối quan hệ với chính quyền của ông Kagame, một đồng minh quan trọng trong các vấn đề an ninh khác. Mỹ cũng tránh các biện pháp cứng rắn hơn như cấm vận toàn diện hay trừng phạt trực tiếp lên các lãnh đạo cấp cao Rwanda. Hành động của Mỹ trong thời gian dài chủ yếu vẫn là gây áp lực ngoại giao và kinh tế có chọn lọc.
Cho đến khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng vào cuối tháng 1/2025 thì chính quyền Mỹ mới có những động thái mới. Ngoại trưởng Marco Rubio và Cố vấn an ninh Massad Boulos đã gây sức ép song song với cả hai bên xung đột. Một mặt, chính quyền Mỹ gây áp lực, đe dọa trừng phạt kinh tế nếu Rwanda không rút quân, đồng thời ép Congo từ bỏ yêu cầu rút quân tức thì để đổi lấy "khuôn khổ kinh tế" do Mỹ tài trợ.
Mặt khác, Mỹ dùng lợi ích kinh tế để “nhử” hai nước bằng cách cho phép các công ty Mỹ vào khai thác tài nguyên ở khu vực này. Bộ ngoại giao Mỹ đã tổ chức đàm phán cấp cao tại Washington từ đầu tháng 5/2025. Và, những hoạt động này đã đem lại hiệu quả khi nó dẫn đến Thỏa thuận Washington được ký kết hôm 27/6 vừa qua tại Nhà Trắng.
Cái giá của tài nguyên
Văn bản ký kết ngày 27/6 gồm 4 trụ cột, nhưng 2 điểm quan trọng nhất liên quan trực tiếp đến Mỹ. Đầu tiên là điều khoản an ninh với nhiều tranh cãi. Theo thỏa thuận, Rwanda sẽ rút toàn bộ quân khỏi Congo trong 90 ngày kèm theo việc giải giáp lực lượng M23. Đồng thời, Congo cũng ngừng chiến dịch quân sự và cả hai cùng thành lập “Cơ chế phối hợp an ninh chung” trong 30 ngày để giám sát hoạt động.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Rwanda, ông Olivier Nduhungirehe khẳng định: "Tài liệu không hề có từ “rút quân’ hay nhắc tới ‘quân đội Rwanda’”. Điều này cũng có nghĩa là Mỹ không thừa nhận việc có quân đội Rwanda tham chiến ở Congo trong giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, các nhà phân tích giải thích hành động "rút quân" được ngụy trang bằng thuật ngữ “tách lực lượng” (disengagement) để đạt thỏa hiệp. Điều này sẽ cho phép các bên có thể tái bố trí lại các lực lượng cho những mục tiêu khác.
Các lực lượng phiến quân ở Congo nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Ông Jason Stearns, nhà khoa học chính trị tại Đại học Simon Fraser ở Canada, chuyên về khu vực Hồ Lớn của châu Phi, cảnh báo: "Công thức này đã thất bại trước đây. Mỹ phải đảm bảo hai bên tuân thủ, nếu không M23 sẽ lại trỗi dậy".
Trong khi đó, “Khuôn khổ hội nhập kinh tế khu vực” vốn được coi là trái tim của thỏa thuận lại kéo theo việc thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản với sự tham gia của “Chính phủ Mỹ và nhà đầu tư Mỹ”. Các dự án được ưu tiên để tái thiết như thủy điện, quản lý công viên quốc gia và khai thác hồ Kivu đều được giao cho các đối tác Mỹ. Điều này sẽ giúp Mỹ tiếp cận với 60% lượng cobalt, 30% tatalum toàn cầu, cũng như những mỏ lithium lớn chưa được khai thác trong khu vực. Đây đều là những kim loại quý mà Mỹ đang cần bổ sung để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ngay khi được công bố, thỏa thuận đã vấp phải làn sóng phản đối từ nhiều phía. Ông Denis Mukwege, người nhận giải Nobel Hòa bình 2018 vì những nỗ lực bảo vệ phụ nữ ở Congo, đã lên tiếng chỉ trích: "Thỏa thuận này hợp pháp hóa việc cướp bóc tài nguyên Congo, ép nạn nhân phải hy sinh công lý để đổi lấy hòa bình mong manh". Còn ông Tresor Kibangula, nhà phân tích chính trị hàng đầu tại Congo, hoài nghi: "Liệu logic kinh tế có đủ để chấm dứt xung đột?".
Nguồn tài nguyên phong phú của Congo khiến các nước xung quanh thèm muốn.
Tổng thống Donald Trump cũng đã thẳng thừng tuyên bố: "Chúng tôi đang nhận được rất nhiều quyền khai thác khoáng sản từ Congo như một phần của thỏa thuận này. Họ rất vinh dự khi được ở đây. Họ không bao giờ nghĩ rằng họ sẽ đến đây".
Trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các nước lớn, việc kiểm soát khoáng sản hiếm tại châu Phi trở thành mục tiêu sống còn của các bên như chính lời cố vấn Massad Boulos thừa nhận: "Chúng tôi muốn hiệp định hòa bình và thỏa thuận khoáng sản được ký cùng lúc".
Tử Uyên
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/lieu-hoa-binh-thuc-su-co-den-voi-dat-nuoc-congo-giau-khoang-san--i773449/