Liệu ông Obama có thể bị kết tội phản quốc không?

Liệu ông Obama có thể bị kết tội phản quốc không?
một ngày trướcBài gốc
Chuyên gia cho rằng các cáo buộc tội phản quốc của ông Obama từ phía ông Trump và Gabbard chưa có đủ cơ sở pháp lý, không đáp ứng định nghĩa hiến định về tội phản quốc ở Mỹ. Ảnh: Reuters.
Ngày 22/7, trước rất nhiều phóng viên tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Donald Trump lên tiếng cáo buộc người tiền nhiệm Obama có hành vi “phản quốc” vì chỉ đạo đánh giá tình báo liên quan đến nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
“Họ cố gian lận bầu cử và đã bị bắt quả tang. Hành vi đó phải chịu hậu quả nghiêm khắc”, ông Trump nói, đề cập đến việc Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard công bố loạt tài liệu liên quan đến cuộc điều tra Nga, và khẳng định đây là “âm mưu phản quốc” của chính quyền Obama nhằm lật đổ chiến thắng của ông Trump năm 2016.
Ông cũng liệt kê một loạt “đồng phạm” bao gồm Hillary Clinton, Joe Biden, James Comey và James Clapper, nhưng nhấn mạnh “người cầm đầu là Barack Obama”.
“Đã đến lúc truy tố”, ông Trump nói gay gắt. “Những gì họ làm năm 2016 và 2020 là tội ác cấp cao nhất. Đó mới là điều các bạn nên đưa tin”.
Ngoài ông Trump, một số nhân vật cánh hữu như bình luận viên Benny Johnson hay luật sư Mike Davis cũng đưa ra luận điểm: Hành vi của ông Obama có thể cấu thành “phản quốc” và cần bị truy tố hình sự.
Tuy nhiên, trái ngược với làn sóng chỉ trích trên, các chuyên gia pháp lý độc lập và giới phân tích chính trị cho rằng những cáo buộc nhắm vào ông Obama hoàn toàn không có cơ sở pháp lý vững chắc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Tổng thống Barack Obama "mang tội phản quốc" tại Phòng Bầu dục ngày 22/7. Ảnh: Reuters.
Tội phản quốc tại Mỹ
Dưới góc độ pháp lý, tội phản quốc trong luật pháp Mỹ được quy định rất chặt chẽ. Điều III, Khoản 3 của Hiến pháp Mỹ định nghĩa rõ ràng: "Tội phản quốc chống lại Hợp chúng quốc bao gồm việc tiến hành chiến tranh chống lại Nhà nước hoặc đứng về phía kẻ thù của họ, cung cấp cho kẻ thù sự viện trợ và hỗ trợ".
Theo đó, để bị buộc tội phản quốc, cá nhân phải thực hiện hành vi rõ ràng là gây chiến với chính phủ Mỹ hoặc tích cực hỗ trợ kẻ thù của quốc gia này trong thời chiến.
Theo Viện Thông tin Pháp lý thuộc Trường Luật Cornell, tội danh này là một trong số rất ít tội danh được quy định trực tiếp trong Hiến pháp, chứ không chỉ trong luật hình sự liên bang, đồng thời yêu cầu tiêu chuẩn chứng minh cực kỳ nghiêm ngặt: phải có hai nhân chứng chứng kiến hành vi hoặc bị cáo thú nhận công khai tại tòa.
Điều 2381 Bộ luật Hình sự Liên bang Mỹ cũng quy định rõ, người phạm tội phản quốc có thể bị tử hình, hoặc phạt tù không dưới 5 năm, phạt tiền không dưới 10.000 USD, và vĩnh viễn mất quyền giữ chức vụ trong chính quyền Mỹ.
Trong lịch sử Mỹ hiện đại, rất hiếm người bị kết tội phản quốc; lần gần nhất là vào năm 1952 trong vụ án Tomoya Kawakita - một công dân Mỹ bị kết án vì hành vi tra tấn tù binh Mỹ khi làm việc với Nhật trong Thế chiến II.
Ông Obama có thể bị truy tố không?
Với những quy định về tội phản quốc trong Hiến pháp, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Elliot Williams nhận định trên CNN rằng khả năng ông Obama bị truy tố gần như bằng không.
“Không có căn cứ nghiêm túc nào cho tội phản quốc hay xúi giục nổi loạn”, ông khẳng định. Ông Williams cũng cho biết ngay cả khi có sự khác biệt về đánh giá tình báo, điều đó không đồng nghĩa với phản quốc.
“Các bản đánh giá tình báo vốn có thể đa nghĩa. Việc không đồng tình với kết luận không thể gọi là phản quốc”, ông nói. “Tất nhiên, điều này có thể khiến người bị điều tra gặp phiền toái, nhưng đây không phải là cuộc điều tra có cơ sở thực tế”.
Chuyên gia pháp lý nhận định các hồ sơ tình báo từ Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard (ảnh) không đủ là bằng chứng cấu thành tội phản quốc. Ảnh: Reuters.
Ngoài ra, một rào cản pháp lý lớn đối với bất kỳ nỗ lực truy tố nào là quyền miễn trừ dành cho tổng thống. Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ năm 2024 trong vụ việc liên quan đến quyền miễn trừ truy tố hình sự của ông Trump, các cựu tổng thống được bảo vệ tuyệt đối khỏi truy tố nếu hành vi thuộc phạm vi “quyền hạn hiến định mang tính quyết định và loại trừ”, và được hưởng “ít nhất là miễn trừ ở mức giả định” đối với mọi hành vi liên quan đến công vụ, theo Time.
Nói cách khác, ngay cả khi ông Obama từng ban hành chỉ thị liên quan đến hoạt động tình báo, các hành vi đó - nếu thuộc phạm vi thẩm quyền của tổng thống - cũng sẽ được miễn truy tố.
“Trước vụ việc về quyền miễn trừ của ông Trump trước truy tố hình sự, người ta còn có thể đặt câu hỏi: nếu Obama thực sự phạm tội, sao Bộ Tư pháp chưa truy tố? Nhưng giờ đây, quyền miễn trừ tổng thống khiến chính câu hỏi đó trở nên vô nghĩa”, luật sư Milan Markovic thuộc Đại học Texas A&M nhận định.
Dẫu vậy, nhiều nhân vật trong giới bảo thủ vẫn kêu gọi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Obama. Luật sư Mike Davis - người được coi là “người bảo vệ pháp lý chính” của ông Trump - cho rằng các hành vi sau khi ông Obama rời nhiệm sở có thể không được miễn trừ.
“Nếu ông ấy tham gia vào một âm mưu tội phạm kéo dài sau khi rời Nhà Trắng thì quyền miễn trừ tổng thống không thể bảo vệ được. Âm mưu đó vẫn đang diễn ra ở thời điểm hiện tại. Và nếu có hành vi che giấu thì đó sẽ là một tội danh riêng biệt”, ông Davis nói.
Luật sư Mike Davis cho rằng các hành vi sau khi ông Obama rời nhiệm sở có thể không được miễn trừ. Ảnh: PBS.
Những tuyên bố mang tính đe dọa này đã làm dấy lên lo ngại sâu sắc từ các học giả và các cựu quan chức chính phủ.
Graham Steele, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách thể chế tài chính, cảnh báo: “Một trong những lý do Tòa án Tối cao viện dẫn khi trao quyền miễn trừ cho ông Trump là để ngăn chặn việc truy tố các cựu tổng thống vì động cơ chính trị, bất kể thuộc đảng nào. Thế nhưng giờ đây, chính quyền lại bàn tới chuyện truy tố một tổng thống của đảng Dân chủ bằng những cáo buộc hoàn toàn vô lý”.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/lieu-ong-obama-co-the-bi-ket-toi-phan-quoc-khong-post1571240.html