Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13-5 thông báo Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt diện rộng đối với Syria. Quyết định của ông Trump đã tạo ra không khí lễ hội ở thủ đô Damascus, khi người dân Syria hy vọng sẽ được giảm bớt khó khăn sau nhiều năm kinh tế đất nước bị cuộc nội chiến và các lệnh hạn chế làm kiệt quệ.
Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmed al-Sharaa ngày 14-5 hoan nghênh động thái “dũng cảm” của ông Trump và cho biết chính phủ Syria có thể “bắt đầu công việc thực sự để tái sinh một nước Syria hiện đại”.
Vậy tương lai Syria sẽ khởi sắc thế nào khi không còn lệnh trừng phạt của Mỹ?
Người dân thủ đô Damascus (Syria) ăn mừng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt. Ảnh: NDTV
Chi tiết việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt vẫn chưa rõ ràng
Mỹ đã áp đặt 3 chương trình trừng phạt đối với Syria, theo đài NDTV. Năm 1979, Damascus bị Washington liệt vào danh sách “nhà tài trợ khủng bố” vì quân đội Syria bị cho là có liên quan đến cuộc nội chiến ở nước láng giềng Lebanon và đã hậu thuẫn các nhóm vũ trang tại đây.
Năm 2003, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã ký ban hành Đạo luật Trách nhiệm Syria, tập trung chủ yếu vào cáo buộc Syria ủng hộ các tổ chức khủng bố bị liệt danh, sự hiện diện quân sự của Syria ở Lebanon, phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, buôn lậu dầu mỏ và hậu thuẫn các nhóm vũ trang tại Iraq sau cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu.
Năm 2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Bảo vệ Dân thường Syria Caesar hay còn gọi là Đạo luật Caesar, trừng phạt các binh sĩ Syria và những cá nhân chịu trách nhiệm về các tội ác trong cuộc nội chiến bắt đầu từ năm 2011, khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng và hàng triệu người phải ly tán.
Cùng với các biện pháp tương tự từ các quốc gia khác, các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống thường nhật ở Syria. Các lệnh trừng phạt gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa và khiến các tổ chức nhân đạo khó tiếp cận nguồn tài trợ cũng như hoạt động đầy đủ.
Hiện vẫn chưa rõ việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ giới hạn trong một số lĩnh vực cụ thể như viện trợ nhân đạo quốc tế, ngân hàng, kinh doanh nói chung, hay toàn bộ. Cũng chưa rõ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ có đi kèm điều kiện nào hay không.
“Chúng ta vẫn cần chờ xem liệu lời nói của ông Trump có đi đôi với hành động hay không, xét đến phạm vi rộng lớn của các biện pháp đã áp đặt lên Syria. Đây có thể là một tiến trình kéo dài hơn so với kỳ vọng của nhiều người Syria” - ông Julien Barnes-Dacey, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), nói với đài DW.
“Tuy vậy, nếu các biện pháp chính của Mỹ có thể được dỡ bỏ và điều đó gắn với việc ổn định môi trường an ninh trong nước, thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều để dòng hỗ trợ kinh tế cấp thiết đổ vào Syria. Nếu không có sự hỗ trợ đó, chính phủ mới ở Damascus thực sự sẽ gặp khó khăn” - ông Barnes-Dacey nhận định.
Trong 6 tháng qua, Syria đã trải qua những biến động lớn. Vào tháng 12-2024, Tổng thống Syria khi đó là ông Bashar al-Assad đã bị liên minh đối lập (do nhóm Hayat Tahrir al-Sham - HTS) đứng đầu lật đổ.
Nhóm này do ông al-Sharaa lãnh đạo. Sự kiện này đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 14 năm ở nước này. Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, quá trình tái thiết Syria có thể tiêu tốn từ 400 tỉ đến 1.000 tỉ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) cùng Thái tử Saudi Mohammed bin Salman (phải) gặp Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Saudi Arabia vào ngày 14 -5. Ảnh: GETTY IMAGES
Mỹ đưa 5 điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Syria
Cùng với thông báo dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Trump cũng kêu gọi Syria thực hiện 5 điều kiện.
Các điều kiện bao gồm: Ký tham gia các Hiệp định Abraham với Israel; Yêu cầu tất cả các phần tử khủng bố nước ngoài rời khỏi Syria; Trục xuất "các phần tử khủng bố Palestine"; Hỗ trợ Mỹ ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); Tiếp nhận quản lý các trung tâm giam giữ IS ở đông bắc Syria.
Riêng ông Trump cho biết Syria đã đồng ý công nhận Israel một khi “nội tình Syria được ổn định”.
Tuy nhiên, chưa có xác nhận chính thức nào từ Damascus về việc liệu Syria có tham gia các Hiệp định Abraham - loạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập do Mỹ làm trung gian - hay không.
“Việc cải thiện quan hệ với Israel sẽ rất quan trọng, đặc biệt khi Israel đã có nhiều hoạt động quân sự tại Syria sau khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ” - ông Nanar Hawach, chuyên gia phân tích cấp cao về Syria thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), nói với DW.
“Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự của Syria và thậm chí xâm nhập vào lãnh thổ Syria ở khu vực phía nam. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận hoặc cơ chế phối hợp nào đó, các hoạt động quân sự của Israel tại Syria có thể sẽ tiếp diễn và tiếp tục gây phức tạp cho tình hình an ninh khu vực” - ông Hawach nói thêm.
Bất kỳ mối quan hệ gần gũi hơn nào với Israel cũng có thể gây áp lực nội bộ lên ông al-Sharaa, chuyên gia Hawach lưu ý.
Lịch sử cho thấy Syria và Israel là hai đối thủ truyền kiếp, từng trải qua nhiều cuộc xung đột kể từ khi Israel được thành lập năm 1948. “Tuy nhiên, những lợi ích mang lại có lẽ sẽ vượt qua phản ứng tiêu cực tiềm tàng” - ông Hawach nói thêm.
Ý nghĩa chính trị từ việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt
Theo chuyên gia Hawach, việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt không chỉ tác động đến quá trình phục hồi kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị với Syria.
“Sự sụp đổ của nền kinh tế đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn khi các dịch vụ thiết yếu bị suy giảm, bất mãn địa phương gia tăng và nhiều người bị đẩy vào các nhóm vũ trang. Việc dỡ bỏ trừng phạt có thể giúp đảo ngược chiều hướng này” - ông Hawach nói.
Khi đó, sẽ có thêm nhiều người tị nạn Syria sẵn sàng quay trở về, theo bà Kelly Petillo - nhà nghiên cứu khu vực Trung Đông thuộc ECFR.
Syria vẫn là nguồn gốc của một trong những cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất thế giới. Kể từ năm 2011, hơn 14 triệu người Syria đã phải rời bỏ nhà cửa, theo Liên Hợp Quốc.
Một báo cáo mới của Tổ chức Di cư Quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc công bố hôm 14-5 cho biết sau khi ông al-Assad bị lật đổ, khoảng 1,87 triệu người di dời Syria đã quay trở về quê hương. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng “khó khăn kinh tế và thiếu hụt các dịch vụ thiết yếu đang cản trở nỗ lực này”.
“Theo kinh nghiệm của tôi khi trò chuyện với người tị nạn Syria, điều họ nhắc đến đầu tiên khi nói về lý do do dự quay lại chính là tình hình kinh tế, cơ sở hạ tầng xuống cấp, điều kiện sống và nhu cầu thiết yếu không được đảm bảo” - bà Petillo nói.
“Rất nhiều người sẽ quay về ngay khi họ thấy những kết quả rõ ràng từ việc dỡ bỏ trừng phạt” - bà Petillo nói thêm.
Kinh tế Syria biến chuyển tích cực sau khi ông Trump thông báo dỡ bỏ trừng phạt
Đồng lira của Syria đã tăng giá kể từ sau thông báo của ông Trump, theo hãng tin Reuters.
Các nhà giao dịch tiền tệ cho biết tỉ giá đang dao động quanh mức từ 9.000 đến 9.500 lira đổi 1 USD vào ngày 14-5, so với mức 12.600 hồi đầu tuần. Trước nội chiến Syria, 47 lira đổi được 1 USD.
Bộ trưởng Tài chính Syria - ông Yisr Barnieh nói rằng các nhà đầu tư đến từ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait và Saudi Arabia, cùng một số nước khác, đã bắt đầu tìm hiểu cơ hội đầu tư.
“Syria hiện nay là một vùng đất của cơ hội, với tiềm năng to lớn ở mọi lĩnh vực từ nông nghiệp đến dầu khí, du lịch, hạ tầng và giao thông vận tải. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà đầu tư hãy nắm bắt cơ hội này” - ông Barnieh nói.
THẢO VY