Trong nhiều năm qua, triển vọng của thị trường dầu mỏ thế giới phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, quốc gia được xem là động lực tăng trưởng nhu cầu chủ yếu trong thế kỷ này.
Một nhân công Trung Quốc đang làm việc tại khu công nghiệp dầu mỏ. Ảnh: Humphery
Tuy nhiên, hai thập kỷ sau cột mốc năm 2004, khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc vượt mốc 3 triệu thùng mỗi ngày so với năm trước, làm dấy lên lo ngại về sự khan hiếm và đẩy giá lên cao, ngày càng có nhiều ý kiến đồng thuận rằng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sắp đạt đỉnh.
Điều này không đồng nghĩa với việc nhu cầu toàn cầu sẽ sớm đạt đỉnh ngay sau đó, bởi đây là kết quả từ bối cảnh chính sách đặc thù của Trung Quốc. Nó khiến viễn cảnh về một giai đoạn siết chặt thị trường kéo dài trong tương lai, điều mà nhiều nhà đầu tư lạc quan về dầu mỏ và các quốc gia trong OPEC+ dự đoán sẽ xảy ra vào giữa hoặc cuối thập niên 2020, trở nên khó khả thi hơn.
Hai tập đoàn dầu khí lớn nhất Trung Quốc, CNPC và Sinopec, đã công bố các báo cáo nghiên cứu vào tháng 12, trong đó cho thấy nhu cầu đối với các sản phẩm nhiên liệu vận tải đã đạt đỉnh, và tổng nhu cầu dầu mỏ dự kiến cũng sẽ đạt đỉnh trong thời gian tới.
Cả hai dự báo dữ liệu cả năm 2024, khi công bố, sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong tiêu thụ xăng và dầu diesel đường bộ. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng xe điện (EV) nhanh hơn dự báo trước đây, cùng với việc sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu thay thế cho xe tải nặng ngày càng gia tăng.
Hiện tại, chỉ có nhiên liệu máy bay và dầu hỏa là các loại nhiên liệu vận tải dựa trên dầu mỏ vẫn còn tăng trưởng. Sinopec dự báo rằng, so với năm 2024, tiêu thụ dầu diesel sẽ giảm 5,5% vào năm 2025, trong khi tiêu thụ xăng giảm 2,4%.
Ngoài ra, trong ba quý đầu năm 2024, khoảng 22% xe tải nặng mới bán ra đã sử dụng khí tự nhiên, và xe điện dự kiến sẽ thay thế 15% lượng xăng tiêu thụ vào năm 2025 so với kịch bản nếu không có sự phát triển của EV.
Mặc dù sự sụt giảm nhu cầu dầu trong lĩnh vực vận tải đang được bù đắp ngắn hạn bằng mức tăng trưởng nhu cầu cho công nghiệp, nhưng theo dự báo của Sinopec, tổng nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh vào năm 2027 và sau đó bắt đầu suy giảm dần khi mức giảm trong lĩnh vực vận tải tăng tốc. CNPC có dự báo lạc quan hơn, nhưng vẫn cho rằng tổng nhu cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2060.
Sự khác biệt trong dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu
Dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu từ các tổ chức lớn như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã có sự phân kỳ mạnh trong những năm gần đây, chủ yếu do các giả định khác nhau về mức độ thay đổi chính sách của chính phủ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cả hai tổ chức này đều từng bị chỉ trích vì để chính trị và kỳ vọng chủ quan ảnh hưởng đến dự báo của mình. Trong khi kịch bản cơ sở của IEA hình dung tốc độ áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí thải nhanh chóng, thì OPEC lại vẽ nên viễn cảnh tăng trưởng nhu cầu đủ để đảm bảo sự ổn định tài chính cho các thành viên OPEC+.
Kịch bản cơ sở của IEA cho rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, còn kịch bản "Chính sách Đã Công bố" (APS), vốn ít thực tế hơn, dự báo đỉnh điểm sẽ đến vào năm 2025. Trong khi đó, OPEC dự đoán nhu cầu tăng trưởng chậm sau năm 2035 nhưng không đưa ra dự báo về đỉnh điểm.
Nhiều ý kiến nhận định rằng dự báo của OPEC ít đáng tin cậy hơn, và ngay cả kịch bản cơ sở của IEA có thể vẫn còn quá lạc quan về tác động của các biện pháp giảm thiểu lên nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, tác động của các chính sách Trung Quốc đối với nhu cầu dầu mỏ hiện đã không còn là vấn đề tranh cãi.
Viễn cảnh sau khi nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc đạt đỉnh
Mặc dù nhu cầu dầu mỏ từ Trung Quốc dự kiến sẽ đạt đỉnh, nhu cầu tại các khu vực khác có thể vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Tại Mỹ, chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền Joe Biden, bao gồm việc hủy bỏ khoản tín dụng thuế 7.500 USD hỗ trợ mua xe điện và nới lỏng các tiêu chuẩn khí thải xe hơi của ông Biden, vốn đặt mục tiêu buộc xe điện chiếm 50% doanh số xe hành khách tại Mỹ vào giữa thập niên 2030.
Tại Ấn Độ, quốc gia được dự đoán sẽ thay thế Trung Quốc trở thành nguồn tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ lớn nhất, chính sách chính phủ vẫn nghiêng về hướng bảo hộ với khẩu hiệu “Make in India” và không đưa ra các ưu đãi lớn để khử carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Tuy nhiên, New Delhi đang nỗ lực thu hút Tesla đầu tư vào quốc gia này, nhắm đến phân khúc thị trường cao cấp với mức thuế thấp hơn cho các dòng xe đắt tiền. Một câu hỏi lớn hiện nay là cách thế giới đối xử với các dòng xe điện giá rẻ của Trung Quốc, vốn có giá bán chỉ từ 12.000 USD.
Nếu các nước không áp đặt hàng rào bảo hộ đối với xe điện Trung Quốc, những dòng xe này có thể thay thế các mẫu xe hơi và xe tải nhẹ giá rẻ của Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn đã thống trị thị trường ô tô tại nhiều quốc gia đang phát triển. Điều này có thể đẩy nhanh thời điểm đạt đỉnh nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Dù vậy, vẫn còn tiềm năng tăng trưởng lớn về nhu cầu dầu trong ngành hàng không và hóa dầu tại các quốc gia đang phát triển, có thể kéo dài thời điểm đạt đỉnh nhu cầu toàn cầu sau năm 2030, dù chỉ trong vài năm.
Mặc dù vậy, khó có thể hình dung một giai đoạn lo ngại tái diễn về sự khan hiếm dầu mà không có sự tăng trưởng nhu cầu liên tục từ Trung Quốc. Những quốc gia như Nga và Saudi Arabia, vốn kỳ vọng sẽ có một giai đoạn khan hiếm cuối cùng để tận dụng giá dầu cao nhằm tái lập nguồn thu ngân sách, có thể sẽ phải thất vọng.
Việt Hà (Theo National Interest)