Cuộc đàm phán trực tiếp giữa Moscow và Kiev tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 16-5 dấy lên hy vọng xung đột Nga-Ukraine sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên, những diễn biến tiếp theo lại chưa chắc chắn, cho thấy viễn cảnh hòa bình cho Ukraine vẫn chưa rõ ràng.
Liên tiếp các nỗ lực ngoại giao
Ngay sau khi hòa đàm kết thúc, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã lập tức liên lạc với Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh và Ba Lan, theo tờ The Kyiv Independent.
Trên Telegram, ông Zelensky nhấn mạnh rằng Ukraine sẵn sàng hành động nhanh nhất có thể để đạt được hòa bình, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế giữ vững lập trường.
"Điều quan trọng là thế giới phải kiên định. Nếu Nga từ chối ngừng bắn và không chấm dứt hoàn toàn các hành vi giết chóc, cần có các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. Áp lực lên Nga phải được duy trì cho đến khi Moscow sẵn sàng chấm dứt chiến tranh” - ông Zelensky nói.
Trước những diễn biến mới, ngày 17-5, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Zelensky vào ngày 19-5 nhằm thảo luận về giải pháp chấm dứt cuộc chiến.
Phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine gặp nhau tại TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 16-5. Ảnh: SPUTNIK
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho biết rằng sẽ nói chuyện với ông Putin lúc 10 giờ sáng (theo giờ miền Đông Mỹ), sau đó là cuộc gọi với ông Zelensky.
Ông Trump khẳng định chủ đề chính của các cuộc gọi sẽ là chấm dứt "cuộc tắm máu" khiến rất nhiều binh sĩ Nga và Ukraine thiệt mạng mỗi tuần, đồng thời bàn về các vấn đề thương mại. Vị tổng thống Mỹ bày tỏ hy vọng đây sẽ là một ngày hiệu quả, mang lại thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt cuộc chiến tàn khốc giữa Nga và Ukraine.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh rằng Washington không muốn các cuộc đàm phán Nga-Ukraine kéo dài vô tận. Ông Rubio giải thích rằng dù Mỹ muốn đạt được hòa bình, hiểu rằng việc chấm dứt một cuộc chiến tàn khốc, đẫm máu và tốn kém cần có sự kiên nhẫn, nhưng cũng không thể kéo dài mãi.
"Mỹ không có thời gian để lãng phí khi còn nhiều vấn đề quốc tế khác cần giải quyết. Chúng tôi không muốn tham gia vào một quá trình đàm phán bất tận. Phải có tiến triển rõ ràng và bước đi cụ thể” - vị ngoại trưởng cho hay.
Bên cạnh đó, ông Rubio cũng nhấn mạnh rằng Washington sẽ xem xét các đề xuất ngừng bắn từ cả Nga và Ukraine, với điều kiện các đề xuất đó phải mang tính thực tế và hợp lý. Nếu không đạt được thỏa thuận, Mỹ sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Về phía châu Âu, ngày 18-5, Thủ tướng Đức Friedrich Merz thông báo rằng các nhà lãnh đạo Đức, Anh và Pháp sẽ điện đàm với Tổng thống Trump trước khi chủ nhân Nhà Trắng có cuộc gọi với Tổng thống Putin, nhằm thống nhất lập trường trước cuộc trao đổi quan trọng này.
"Chúng tôi đã nhất trí rằng bốn nguyên thủ quốc gia cùng tổng thống Mỹ sẽ thảo luận trước để chuẩn bị cho cuộc gọi [giữa ông Trump và ông Putin]. Chúng tôi chỉ có thể hy vọng rằng sẽ có thêm những tiến triển hướng tới một lệnh ngừng bắn cho Kiev” - ông Merz cho biết.
Triển vọng chưa chắc chắn
Dù các cuộc đối thoại và nỗ lực ngoại giao liên tiếp diễn ra, việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn nhiều khó khăn. Với lập trường cứng rắn của Nga và sự thận trọng của Mỹ cùng các đồng minh châu Âu, triển vọng chấm dứt xung đột ở Ukraine vẫn còn nhiều thách thức.
Một trong những trở ngại lớn là ngay sau đàm phán ở Istanbul, phía Ukraine cho hay các lực lượng Nga liên tục tung đòn đánh mạnh vào các cứ điểm của quân Kiev và các cơ sở hạ tầng dân sự trên đất Ukraine, theo hãng tin Ukrinform.
Đỉnh điểm, Không quân Ukraine ngày 18-5 cho biết Nga đã sử dụng 273 máy bay không người lái (UAV) trong đợt tấn công đêm 17-5, rạng sáng 18-5 nhằm vào Ukraine - đòn đánh UAV quy mô lớn nhất từ đầu cuộc chiến, nhiều hơn cả con số 267 UAV từng ghi nhận trong trận đánh ngày 23-2.
Trong đêm 17-5, Ukraine đã đánh chặn được 88 UAV. 128 UAV khác - được cho là các mồi nhử để đánh lạc hướng hệ thống phòng không - đã tự biến mất khỏi bản đồ radar.
Lực lượng ứng phó khẩn cấp (DSNS) tại tỉnh Kiev (Ukraine) xử lý đám cháy do hậu quả của đợt tấn công UAV của Nga đêm 17-5, rạng sáng 18-5. Ảnh: DSNS
Tỉnh trưởng tỉnh Kiev - ông Mykola Kalashnyk cho biết cho tới 8 giờ sáng 18-5 (tức 12 giờ trưa cùng ngày theo giờ Việt Nam), đợt tấn công UAV từ tối 17-5 đã khiến 1 người dân tỉnh này thiệt mạng và 3 người bị thương. Nga chưa có bình luận về thông tin từ Ukraine về đợt tấn công UAV này.
Các tuyên bố của Nga về triển vọng hòa bình cũng đáng chú ý. Trong đoạn phỏng vấn được kênh truyền hình Russia-1 công bố ngày 18-5, Tổng thống Putin cho biết Nga đang nỗ lực đạt được “hòa bình lâu dài và bền vững” bằng cách loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột Ukraine.
Ông Putin khẳng định Nga có có đủ lực lượng để hoàn tất chiến dịch tại Ukraine và đạt được các nhiệm vụ đề ra. “Moscow muốn loại bỏ các nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này, tạo điều kiện cho hòa bình lâu dài, bền vững và đảm bảo an ninh của nhà nước Nga” - ông Putin nhấn mạnh.
Theo ông Putin, Nga cũng cần đảm bảo lợi ích của người dân tại những vùng lãnh thổ "có người coi ngôn ngữ Nga là tiếng mẹ đẻ, cũng như coi Nga là quê hương của mình". Đài RT đưa tin rằng ông Putin đang ám chỉ bán đảo Crimea và 4 vùng lãnh thổ (gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia). Đây vốn là điều kiện mà phía Ukraine luôn kiên quyết bác bỏ, cho thấy hai bên đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung dù đã có hòa đàm trực tiếp.
Nhà phân tích quân sự Michael Clarke của tờ Sky News nhận định rằng Kiev đang phải đối mặt một tình thế khó khăn và buộc phải đưa ra những quyết định tối ưu trong bối cảnh nhiều áp lực. Theo ông, Ukraine lo ngại rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đạt được từ cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin sắp tới có thể sẽ không mang lại lợi ích lâu dài.
Theo ông Clarke, nếu thỏa thuận không đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của Ukraine, nhiều khả năng Kiev sẽ không chấp nhận, và xung đột có thể tiếp diễn trong bối cảnh Mỹ giảm dần sự can dự.
Ông nhận xét rằng việc hai quốc gia tiến hành thảo luận mà không có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan là thiếu cân bằng. Ông Clarke gọi đó là một dạng thỏa thuận "thiếu sự tham vấn cần thiết".
Ông Michael Kofman, chuyên gia cao cấp tại Viện Carnegie Endowment, nhận xét rằng hiện không có động lực mạnh mẽ nào khiến Nga đồng ý với một lệnh ngừng bắn vào thời điểm này. Mặc dù có nhiều cuộc thảo luận về việc chấm dứt xung đột, ông Putin vẫn sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài nếu điều đó là cần thiết để đạt được các mục tiêu chiến lược.
Hãng Bloomberg thì dẫn hai nguồn tin thân cận với Điện Kremlin rằng ông Putin không lo ngại về việc Mỹ áp đặt thêm trừng phạt, bởi nền kinh tế Nga đã phần nào thích nghi với các biện pháp hạn chế trong nhiều năm qua. Điện Kremlin nhiều lần khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không khiến Nga thay đổi lập trường.
Theo nhà tư vấn chính trị Sergei Markov - thân cận với Điện Kremlin, mặc dù ông Trump muốn ông Putin chấp thuận lệnh ngừng bắn, nhưng tổng thống Nga không hoàn toàn sẵn sàng làm điều đó. Tuy nhiên, ông Markov cũng cho rằng ông Putin cũng không muốn để các cuộc đàm phán sụp đổ, mà đang cố gắng tạo không gian để thương lượng tiếp tục song song với chiến dịch quân sự.
DƯƠNG KHANG