Bà Tô Thị Bích Châu, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ với Báo VietNamNet về hành trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát của Mặt trận Tổ quốc các cấp trên toàn quốc thời gian qua.
Bà Tô Thị Bích Châu, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Lan tỏa mạnh mẽ phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Bà đánh giá thế nào về kết quả đạt được của phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” cho tới thời điểm này, thưa bà?
Tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ ba của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “quyết tâm đến ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước”.
Tính đến nay, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã hỗ trợ được 195.068/223.146 nhà (đạt trên 87%). Tôi rất vui mừng trước những kết quả mà phong trào mang lại.
Cho tới thời điểm này, tôi có thể khẳng định, phong trào thi đua đã lan tỏa một cách sâu sắc và mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân, mang lại những giá trị to lớn, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Đây là một trong những tiền đề, điều kiện cần thiết để cả nước, tất cả các hộ gia đình - các tế bào của xã hội cùng yên tâm sinh sống, lao động, học tập và cùng đưa đất nước tiến lên kỷ nguyên mới.
Theo bà, đâu là yếu tố quan trọng nhất đem lại kết quả đó?
Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất để đem lại được những kết quả tích cực trên là sự lãnh đạo của Đảng ta. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Bên cạnh đó, phải kể đến tình yêu quê hương, đất nước của con người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam luôn có sự đoàn kết cao độ, tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, đồng sức, đồng lòng cùng nhau cố gắng hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước sớm nhất có thể.
Những cách làm hay, ấn tượng
Những thách thức nào được đánh giá là lớn nhất, nhưng Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chung tay tìm ra lời giải?
Trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương, người dân nói chung và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng bên cạnh những thuận lợi thì còn gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi luôn có sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát và ban chỉ đạo các cấp ở địa phương, kịp thời hướng dẫn, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để chương trình triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương.
Có lẽ việc thống kê, rà soát và vận động người dân tham gia xây dựng nhà đúng thời gian là khó khăn nhất, do: Nhiều hộ gia đình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có đất ở ổn định, ở nhà trên đất của người khác, hoặc đất nằm trong khu quy hoạch; hộ không có kinh phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về chuyển đổi đất; hộ không có kinh phí đối ứng; hộ không có nhân lực thực hiện việc xây nhà. Nhiều hộ không thực hiện do tính theo phong tục tập quán thì chưa được tuổi làm nhà…
Từ tình hình thực tế trên, ngoài việc tuyên truyền và vận động, huy động nguồn kinh phí cho chương trình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp còn luôn chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan cùng tháo gỡ khó khăn.
Đặc biệt, ban công tác mặt trận ở khu dân cư đã cùng các tổ chức chính trị - xã hội đến từng gia đình, động viên người dân tham gia, xây nhà đúng thời gian. Nếu gia đình không có nhân lực xây nhà, địa phương vận động các đoàn thể, người thân, dòng họ, nhân dân địa phương cùng góp sức, góp công.
Đâu là những mô hình sáng tạo, cách làm hay, gây ấn tượng đặc biệt nhất với bà?
Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, các địa phương có rất nhiều cách làm hay, sáng tạo, từ việc tuyên truyền đến vận động và thực hiện xây dựng nhà.
Tôi đặc biệt ấn tượng với một số địa phương mà ban chỉ đạo các cấp luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt, hàng tuần định kỳ nghe báo cáo tiến độ; phân công các lãnh đạo cấp huyện, cấp xã trực tiếp theo dõi, đôn đốc, giám sát và chịu trách nhiệm về tiến độ, kết quả hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn được phân công, không bỏ trống địa bàn; phân công lãnh đạo Đảng ủy, ủy ban nhân dân, các tổ chức đoàn thể cấp xã trực tiếp theo dõi, đôn đốc, giúp đỡ các hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn làm nhà.
Qua đó bảo đảm tất cả các hộ gia đình được hỗ trợ đều có cán bộ cấp xã trực tiếp theo dõi, đôn đốc, giúp đỡ từ khi khởi công cho đến khi khánh thành nhà.
Cách làm này thể hiện sự gần dân, sâu sát với nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc của người dân trong quá trình triển khai, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Một số vấn đề cần lưu ý
Theo bà, cần quan tâm, lưu ý điều gì trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát?
Các địa phương đã rất nỗ lực, song do phải gấp rút hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian rất ngắn, nên cũng khó tránh khỏi một số lúng túng, trong đó có nhiều vấn đề khó khăn khách quan.
Chẳng hạn, một số gia đình chưa có kinh phí đối ứng, hoặc không muốn xây nhà khi chưa được tuổi… đã làm chậm tiến độ của địa phương nói riêng cũng như của cả nước nói chung.
Trong khi đó, khâu rà soát đối tượng thụ hưởng mất khá nhiều thời gian. Chậm rà soát sẽ dẫn đến khó dự trù kinh phí.
Tôi cho rằng, các địa phương nên lưu ý những vấn đề này. Kinh nghiệm rút ra là cần đẩy mạnh hơn nữa việc gặp gỡ, tuyên truyền vận động, động viên người dân thụ hưởng chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm cùng cố gắng xây sửa nhà càng sớm càng tốt để “an cư lạc nghiệp”, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mong muốn lớn nhất của bà về thực tiễn triển khai phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 là gì?
Tôi rất xúc động khi chứng kiến cảnh người dân vui mừng, phấn khởi khi được chuyển đến sống trong ngôi nhà mới khang trang, bền vững, “kín trên bền dưới”, ngôi nhà mà bấy lâu nay họ luôn khát khao mơ ước mà chưa có kinh phí để xây dựng.
Đảng, Nhà nước đã giúp họ thực hiện được ước mơ một cách dễ dàng hơn, sớm hơn rất nhiều.
Tôi mong muốn cả nước sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước mục tiêu đề ra, theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, để người dân khó khăn trong cả nước không còn ở trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát nữa.
Thay vào đó, những ngôi nhà mới khang trang, bền vững sẽ giúp họ mở ra một cuộc sống mới trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trân trọng cảm ơn bà!
Bình Minh