Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu đề dẫn Tọa đàm. Ảnh: nhandan.vn
Tham dự có các đại biểu nguyên lãnh đạo Quân đội; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, các tướng lĩnh, nhà khoa học; đại diện một số bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Tọa đàm là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 12/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Ngày 22/12/1944, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay được thành lập. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”. Ngay sau đó, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân phát triển thành đại đội có 3 trung đội. Đại đội có Ban Công tác Chính trị - Cơ quan chính trị đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị cũng được xác lập.
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân khẳng định, 80 năm qua, dù trải qua các các tên gọi khác nhau, đến tháng 7/1950 xác lập tên gọi như hiện nay, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Quân ủy Trung ương xây dựng, củng cố, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.
Tổng cục Chính trị là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; trực tiếp đưa công tác đảng, công tác chính trị vào nền nếp, thực sự là “linh hồn, mạch sống” - yếu tố quyết định bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta, làm cho Quân đội ta thực sự là Quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, không ngừng phấn đấu, hy sinh, cùng với toàn dân tộc lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tổng cục Chính trị cũng là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước, trước Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và trước nhân dân về xây dựng phẩm chất chính trị cho Quân đội để Quân đội ta luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý "Bộ đội Cụ Hồ" mà nhân dân tin yêu trao tặng.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng trong xây dựng Quân đội về chính trị, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Tổng cục Chính trị luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; xây đắp nên truyền thống vẻ vang.
"Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “người trước, súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng; đoàn kết, thống nhất cao, sẵn sàng nhận và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dự báo, tham mưu chiến lược về công tác Đảng, công tác chính trị", Thượng tướng Phạm Thanh Ngân nhấn mạnh.
Khẳng định chính trị là hồn cốt, là yếu tố quyết định sức mạnh của Quân đội ta, Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại...". Nhờ tuân thủ vấn đề cơ bản này mà 80 năm qua, Quân đội ta không chỉ tạo nên được sức mạnh chiến đấu tổng hợp, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tham luận, làm rõ vị trí, vai trò, chức năng và những đóng góp to lớn của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam suốt 80 năm qua. Với phương châm: Ở đâu có bộ đội, ở đó có hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam luôn chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và bảo đảm cho công tác đảng, công tác chính trị luôn là linh hồn, mạch sống của Quân đội ta.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã khẳng định vai trò, đặc trưng và truyền thống hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí trong Quân đội 80 năm qua. Từ thực tiễn quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội, cùng với việc hoàn thành xuất sắc ba chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, Quân đội đã hình thành và phát triển một đặc trưng riêng, đó là một “đội quân văn hóa”. Đội quân này đã dấn thân tận hiến như người chiến sĩ trực tiếp cầm súng, góp phần xây dựng nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ" - một biểu tượng văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.
Hiền Hạnh (TTXVN)