Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ - người đại biểu Quốc hội luôn quan tâm đến quyền lợi chính đáng của giáo dân

Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ - người đại biểu Quốc hội luôn quan tâm đến quyền lợi chính đáng của giáo dân
một ngày trướcBài gốc
1.Khi lần đầu trúng cử làm ĐBQH (khóa VIII, 1987-1992), linh mục Phan Khắc Từ luôn đau đáu làm sao để cụ thể hóa các cụm từ “tự do tín ngưỡng”, “tự do tôn giáo”. Chính vì lẽ ấy, trong nhiều buổi thảo luận, linh mục Phan Khắc Từ đề nghị ghi cả cụm từ “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” trong các văn bản, tức thêm từ “tôn giáo” vào sau từ “tín ngưỡng”.
Kết quả, trong Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 1990 có câu: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”.
Có Nghị quyết số 24-NQ/TW làm “chỗ dựa”, lại là Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa X, linh mục Phan Khắc Từ càng quyết tâm đưa kiến nghị của mình vào văn bản pháp luật. Và, điều 70 Hiến pháp năm 1992 đã ghi: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”. Linh mục Phan Khắc Từ đã ghi dấu ấn của mình trong điều 70 của Hiến pháp năm 1992.
Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ (thứ 2 từ trái qua) cùng đại diện các tôn giáo hỗ trợ kinh phí đến đồng bào miền Trung khắc phục thiên tai, bão lũ. Ảnh: N.A
2. Sau đổi mới, nhiều vụ khiếu nại liên quan đến vấn đề đất đai tôn giáo ở nước ta được đề đạt xem xét. Tôi nhớ có thời điểm, người Công giáo từ một số nơi kéo về địa chỉ 34 Ngô Quyền - trụ sở của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, nơi linh mục Phan Khắc Từ trú ngụ những ngày ra Hà Nội họp Quốc hội. Ngài giao cho tôi nhận hồ sơ, đọc và thấy vụ nào cấp bách thì có thể đi kiểm tra trước. Vậy là thay vì Chúa nhật nghỉ ngơi, đi thăm người thân, linh mục Phan Khắc Từ dành ngày này đi tìm hiểu các vụ việc khiếu kiện của giáo dân.
Nơi đầu tiên linh mục Phêrô Phan Khắc Từ và linh mục Vinh Sơn Nguyễn Đức Hiệp (ĐBQH của tỉnh Nam Định, khóa X và XI) đến là khu nhà nguyện ở phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), nơi được quy hoạch sẽ chuyển giao cho một khu công nghiệp. Hai linh mục ĐBQH đã gặp lãnh đạo TP Hà Nội lúc đó, đề xuất nên giữ lại ngôi nhà nguyện này, nhất là quả chuông cổ, để tránh sự hiểu sai về chính sách tôn giáo của Nhà nước. Lãnh đạo TP Hà Nội đã chấp thuận và ngôi nhà nguyện vẫn được giữ, nhà trẻ Tuổi Hoa đang sử dụng, vẫn còn nguyên quả chuông đồng.
Hai linh mục ĐBQH từng dành nhiều thời gian đi về Bùi Chu, Phát Diệm, nơi có số giáo dân đông đúc và cũng có vài việc cần đề đạt giải quyết. Cũng chẳng có gì to tát, chỉ chuyện nhỏ như việc xây sửa nhà thờ, chuyện phong chức linh mục…
Rồi sau khi Đức cha Giuse Vũ Duy Nhất của Bùi Chu qua đời năm 1999, giáo phận trống tòa. Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng tiến cử linh mục Giuse Hoàng Văn Tiệm, dòng Don Bosco làm giám mục nơi đây, nhưng do là linh mục dòng nên địa phương còn đôi chút ngập ngừng. Hai linh mục Phan Khắc Từ và Nguyễn Đức Hiệp về chào thăm lãnh đạo tỉnh Nam Định, đi cùng có linh mục Hoàng Văn Tiệm để giới thiệu. Cuối cùng, cả Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Giuse Hoàng Văn Tiệm làm Giám mục Bùi Chu ngày 4-7-2001.
3. Khi là Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, linh mục Phan Khắc Từ rất quan tâm đến những trẻ khuyết tật Công giáo. Sau khi biết những nỗ lực vươn lên và các thành tích của Nguyễn Công Hùng, một người bị liệt nửa thân, linh mục đề nghị Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội biểu dương gương người tốt việc tốt giai đoạn 1995-2000.
Từ cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên dương Nguyễn Công Hùng là Hiệp sĩ Công nghệ thông tin và là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2006. Sau khi anh Hùng mất vào năm 2012, em gái anh là Nguyễn Thị Vân, cũng là người khuyết tật, tiếp nối quản trị Trung tâm Nghị lực sống. Linh mục Phan Khắc Từ đã đến động viên nhiều lần. Nguyễn Thị Vân về sau trở thành một trong 100 phụ nữ có ảnh hưởng trên thế giới, được một tạp chí nước ngoài bình chọn...
Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM; Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; Ủy viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khóa VIII (nhiệm kỳ 1987-1992), khóa IX (nhiệm kỳ 1992-1997) và khóa X (nhiệm kỳ 1997-2002); Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (từ năm 1987 đến năm 2002); Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (từ năm 2000 đến năm 2024); Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (từ năm 1983 đến năm 2018); Phó Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (từ năm 2018 đến năm 2023)...
Ông cũng là đại biểu HĐND TPHCM từ khóa I đến khóa IV; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM (từ năm 2018 đến năm 2024); Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM (từ năm 2018 đến năm 2024); Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM (từ năm 1980 đến năm 2016); Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM (từ năm 2016 đến tháng 9-2023). Từ năm 2009 đến nay, ông là Tổng Biên tập Báo Công giáo và Dân tộc, Chủ tịch Danh dự Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM.
THU HOÀI
Vẫn biết rằng sinh bệnh lão tử, vòng tuần hoàn chẳng ai tránh được, nhưng tôi vẫn rất nhớ, rất thương cha Phêrô Phan Khắc Từ, một mục tử tận tụy với người nghèo, một ĐBQH luôn quan tâm đến nhu cầu của đồng bào Công giáo.
Chiều 2-4, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường, cùng đại diện Quận ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 3, quận Phú Nhuận đã đến viếng Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ tại Giáo xứ Vườn Xoài (số 413 đường Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3, TPHCM).
TS PHẠM HUY THÔNG - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/linh-muc-phero-phan-khac-tu-nguoi-dai-bieu-quoc-hoi-luon-quan-tam-den-quyen-loi-chinh-dang-cua-giao-dan-post788935.html