Linh thiêng Giỗ Tổ Hùng Vương

Linh thiêng Giỗ Tổ Hùng Vương
2 ngày trướcBài gốc
Trong tâm thức người Việt, ngày Quốc giỗ - Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng mười tháng ba âm lịch) luôn thiêng liêng, đồng thời là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, người dân cả nước hướng về Đền Hùng (Phú Thọ) chung ngày Giỗ Tổ. Để tỏ lòng biết ơn Tổ tiên đã có công dựng nước, giữ nước như lời Bác Hồ dạy, nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã lập đình Hùng Vương để thờ cúng, bái vọng các Vua Hùng.
Đoàn rước kiệu tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đi qua một số tuyến đường ở TP. Thái Nguyên. Ảnh: T.L
Là người Việt, dù ở nơi viễn xứ cũng nằm lòng câu ca nhắc nhớ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
Ngày Giỗ Tổ thiêng liêng, nhưng vì “qua sông khó đò”, từ gần 100 năm trước, những cư dân ở vùng đất Thái Nguyên đã chung tay lập đình Hùng Vương (phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên) để thờ tự, bái vọng anh linh các Vua Hùng.
Ông Phạm Trần Đang, 88 tuổi, Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý Đình, cho biết: Đình Hùng Vương được lập từ những năm đầu thế kỷ XX. Đứng đầu liệu việc là các cụ Bá Ngận, Cai Đắc, Năm Thực… Các cụ huy động nhân dân trong vùng cùng góp tiền, của mua gỗ, tre, lá và mời thợ giỏi từ tỉnh Hà Nam lên thi công.
Kể từ bấy giờ Đình trở thành một phần cuộc sống của cư dân trong vùng. Đặc biệt sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, Đình trở thành một địa chỉ để nhân dân sinh hoạt, hội họp, học tập văn hóa.
Tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và tượng Quốc Mẫu Âu Cơ được thờ phụng tại đình Hùng Vương (phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên).
Để nơi thờ tự, bái vọng các Vua Hùng bảo đảm an toàn, Đình được nhân dân trong vùng công đức tu bổ và nhiều lần dựng lại. Cho đến năm 2005 diện tích đất của Đình còn 200m2, được nhân dân trong vùng công đức xây dựng mới. Phần phía ngoài làm nhà văn hóa cho nhân dân hội họp, phần nửa trong làm nơi thờ phụng các vị Vua Hùng. Đặc biệt cạnh ban thờ đức Vua Hùng được ghi tên, tuổi của 68 liệt sĩ, 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng của địa phương.
Đình được Ban quản lý Khu Di tích Đền Hùng (Phú Thọ) trao tặng nhiều di vật tối linh thuộc di sản Quốc gia như: Thánh Hiệu, Ngọc Phả nói về lịch sử 18 đời Vương triều Hùng Vương; 3 bát hương, gồm: 1 bát hương bằng đá thờ 18 đời Vương triều Hùng Vương, 1 bát hương bằng đá thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, 1 bát hương bằng đồng thờ Lạc Long Quân.
Ngoài 3 bát hương này còn có 1 lư hương đại bằng đá nặng 1,7 tấn. Đây là lư hương được đặt trước cửa Đền Hạ, nơi mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng, nở 100 người con. Đây là lư hương đại bán thiên “độc nhất vô nhị” từng được thờ lâu đời ở Đền Hùng Phú Thọ. Đặc biệt năm 2015, Đình Hùng Vương có tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và tượng Quốc Mẫu Âu Cơ thờ phụng. Tượng được đúc từ phiên bản gốc ở Đền Hùng (Phú Thọ).
Đoàn rước kiệu tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đi qua một số tuyến đường ở TP. Thái Nguyên. Ảnh: T.L
Đình Hùng Vương tổ chức ngày Giỗ Tổ cùng ngày với đền Hùng. Dù đình Hùng Vương ở Thái Nguyên mang ý nghĩa bái vọng, nhưng gần trăm năm nay, các hoạt động lễ hội Đình được nhân dân địa phương duy trì tổ chức đúng ngày, đúng nghi thức. Nhất là sau khi Đình được xây dựng mới, các hoạt động lễ hội có điều kiện tổ chức trang trọng hơn.
Cũng như các năm trước, năm nay lễ hội đình Hùng Vương được tổ chức trong hai ngày 9, 10-3 âm lịch. Với ý nghĩa là ngày Giỗ chung của toàn dân, nên Lễ hội thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, chiêm bái, tham gia các hoạt động của Đình.
Phần lễ có nghi thức dâng nhang, đèn, oản, quả, hoa tươi, bánh chưng, bánh dày… và lời thành tâm hiếu kính công đức các Vua Hùng, cầu mong thiên hạ thái bình, nhà nhà an vui. Phần hội có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, múa lân và tổ chức đoàn rước kiệu. Kiệu rước gồm: Cờ thần, bát biểu, lệnh bài, chấp kích. Kiệu rước vua Lạc Long Quân; kiệu rước 18 bánh chưng, 18 bánh dày tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng Vương. Kiệu rước Chủ tịch Hồ Chí Minh... Sau kiệu rước là đoàn người chia thành từng khối, nam, phụ, lão, ấu mang trang phục biểu trưng con rồng, cháu tiên.
Cô trò Trường Mầm non Star DPA Thái Nguyên trải nghiệm bài học lịch sử tại đình Hùng Vương (phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên).
Giỗ Tổ Hùng Vương của cả nước nói chung, Lễ hội đình Hùng Vương Thái Nguyên nói riêng cùng chung một mục đích cho mỗi người được tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân khai mở giang san, chống giặc giữ nước. Qua đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nhân lên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Đây còn là bài học lịch sử đầy ắp niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Khẳng định một dân tộc mang sức mạnh của tinh thần đoàn kết, luôn hướng tới những giá trị đạo đức tốt đẹp. Quốc Giỗ thiêng liêng còn là dịp nhắc nhớ mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người dân thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Cùng với đình Hùng Vương ở TP. Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh có đền Đình Cả, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) thờ các Vua Hùng, Đức thánh Trần Hưng Đạo, thần Cao Sơn Quý Minh và Tứ phủ. Ngoài các đình, đền này còn có 45 di tích thờ các thuộc tướng của Vua Hùng. Nhưng chỉ có duy nhất đình Hùng Vương tổ chức lễ hội Giỗ Tổ vào ngày 10-3 âm lịch. Còn đền Đình Cả và các di tích khác tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân.
Phạm Ngọc Chuẩn
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/van-hoa/202504/linh-thieng-gio-to-hung-vuong-d6f1ad9/