Dấu tích những trận chiến chống xâm lăng
Những ngày đầu năm, chúng tôi cùng cán bộ văn hóa xã Hương Sơn về thăm di tích lịch sử cấp tỉnh đền Càn ở thôn Đồn 19. Ngôi đền nằm trong khuôn viên của cụm các công trình văn hóa tâm linh đền-đình-chùa. Ông Nguyễn Tô Hiệu, Trưởng tiểu ban di tích lịch sử đền Càn cho biết: “Người dân địa phương luôn có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị của ngôi đền này. Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân địa phương, đền Càn còn là địa điểm để các nhà trường trong vùng đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu, giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc”.
Đền Càn được trùng tu, xây dựng khang trang.
Đền Càn được xây dựng vào thời Lê, thế kỷ XVII - XVIII. Ngôi đền gắn liền với chiến thắng quân Minh xâm lược. Nhiều bậc cao niên trong thôn Đồn 19 kể rằng, thời kỳ Lê Lợi chống giặc Minh, có hai vị tướng là anh em đồng hao cầm quân đi đánh giặc. Khi chiến thắng trở về, đến khu vực Cầu Sơn thì người anh “hóa” trước; người em đi tiếp đến làng Càn rồi “hóa” sau. Để tưởng nhớ công lao hai vị tướng quân, nhân dân Cầu Sơn lập nghè Sấu (ở đây có những cây sấu lớn) và dân làng Càn lập đền Càn. Vào thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đền Càn là nơi trú quân của bộ đội, du kích ta. Trải qua thời gian và những năm tháng chiến tranh, ngôi đền bị hư hại gần như hoàn toàn. Năm 1998, chính quyền và nhân dân địa phương đã trùng tu, xây dựng lại, đến năm 2006 đền được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
8 giờ ngày 8/2 (tức 11 tháng Giêng), tại đền Bà Chúa Then diễn ra khai mạc lễ hội mở cửa rừng. Đây là hoạt động trong chương trình Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2025.
Hằng năm, tại khu vực đền Càn, người dân địa phương mở hội 2 lần, vào ngày 12 tháng Giêng để tưởng nhớ ngày sinh và ngày 12 tháng 8 âm lịch để tưởng nhớ ngày mất của 2 vị tướng quân. Trong những ngày lễ hội, đền Càn thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái, trẩy hội. Tại đây diễn ra nhiều nghi thức văn hóa tâm linh và các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, đập niêu, đi cầu kiều, đấu vật…
Cũng như đền Càn, đến thăm nghè Trận ở thôn Kép 11, chúng tôi nhận thấy các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa tâm linh ở đây được gìn giữ cẩn thận. Mặc dù nghè nằm trên quả đồi, bao quanh là những cây cổ thụ, xa nhà dân song hằng tuần, Ban quản lý di tích đều cắt cử người đến thắp hương, dọn dẹp vệ sinh. Ông Nguyễn Quang Thổ (SN 1940), thôn Kép 11 cho biết: “Gần khu vực nghè Trận còn có đình, chùa tạo thành quần thể di tích lịch sử, văn hóa tâm linh của cả vùng. Vào ngày 6 tháng Giêng hằng năm, dân làng các thôn: Kép 11, Kép 12 và Càn lại về khu vực nghè Trận làm lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của các vị tiền nhân, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao cùng nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn”.
Nghè Trận là một trong những di tích thuộc quần thể di tích lịch sử thành Cần Trạm - Hố Cát - Xương Giang gắn liền với chiến thắng chống giặc Minh xâm lược của nghĩa quân Lê Lợi. Theo lý lịch khảo sát di tích, trong trận chiến Cần Trạm giữa quan quân nhà Lê với quân Minh xâm lược (năm 1427), nơi đây có rất nhiều tướng sĩ tử trận. Để tỏ lòng tôn kính và biết ơn những người đã chiến đấu, hy sinh vì nước, nhân dân địa phương đã lập nghè, thờ cúng các tướng sĩ và tên nghè Trận cũng xuất hiện từ đó.
Gìn giữ nét đẹp vùng đất cửa rừng
Suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất Hương Sơn đã chứng kiến bao chiến công hiển hách của dân tộc ta. Tiêu biểu là trận chiến trước viện binh nhà Minh ở thành Cần Trạm năm 1427. Chiến thắng Cần Trạm, cùng với chiến thắng Chi Lăng, Hố Cát, Xương Giang đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến 20 năm chống quân Minh xâm lược của nhân dân ta. Khi giang sơn thu về một mối, vua Lê lên ngôi đã mở hội mừng công, ghi nhận vai trò của các vị tướng, từ đây hình thành nhiều đình, đền, nghè ở dải đất Hương Sơn, tạo nên nét văn hóa tín ngưỡng trong nhân dân địa phương, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số về việc thờ các vị thần linh nơi cửa rừng. Đền Càn, nghè Trận, thành Cần Trạm… là những minh chứng rõ nét cho một giai đoạn lịch sử hào hùng.
Các đoàn rước trong lễ hội mở cửa rừng xã Hương Sơn từ đền Cổ Ngựa đến đền Bà Chúa Then. Ảnh tư liệu.
Về Hương Sơn, nhiều người không thể không ghé thăm đền Chí Mìu ở thôn Chí Mìu hay đền Cổ Ngựa và đền Bà Chúa Then ở thôn Việt Hương. Đây là những địa điểm văn hóa tâm linh của người dân trong vùng. Mỗi địa điểm gắn với những sự tích huyền bí được người dân truyền lại. Trong đó, đền Cổ Ngựa là một trong những di tích có liên quan đến lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn vào những năm đầu thế kỷ XV. Tương truyền, khu vực đền, đình Rừng Sấu và Cổ Ngựa là nơi vị tướng của quân ta trong trận chiến với quân Minh đã tử trận trên lưng ngựa; một phần cơ thể ở khu vực đình Rừng Sấu, thôn Phú Lợi, xã Hương Sơn và phần còn lại ở thôn Việt Hương tại khu vực đền Cổ Ngựa ngày nay.
Đặc biệt, tại thôn Việt Hương còn có đền Bà Chúa Then tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 1,1 ha, lấy núi Hương Sơn làm chỗ dựa, nhìn ra thượng nguồn sông Thương. Tục thờ cúng Chúa Then là một loại hình nghệ thuật văn hóa tâm linh dân gian có sức sống mãnh liệt trong đời sống cộng đồng các dân tộc Nùng, Tày...
Được biết, từ trước Tết Nguyên đán, nhà đền đã treo cờ, đèn, trang trí cây cảnh, ban thờ, tạo không gian trang nghiêm khi khách thập phương về vãn cảnh, chiêm bái dịp đầu xuân năm mới. Tiếp nối hoạt động lễ hội mở cửa rừng năm 2024, năm nay, nhà đền đã phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức hoạt động lễ hội mở cửa rừng được sinh động, ý nghĩa nhằm thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia.
Lễ hội mở cửa rừng lấy không gian địa điểm tại đền Cổ Ngựa và đền Bà Chúa Then để tổ chức. Điểm khác biệt so với năm trước, trong thời gian diễn ra lễ hội năm nay (từ ngày 10 - 12 tháng Giêng) sẽ diễn ra đêm giao lưu giữa các câu lạc bộ Then trên địa bàn; đồng thời tổ chức đốt đuốc, lửa trại, bày bán các sản vật đặc trưng của địa phương. Qua đây nhằm tái hiện đời sống văn hóa của cư dân nơi cửa rừng linh thiêng, nâng tầm của lễ hội mở cửa rừng hằng năm.
Bà Triệu Thị Liễu, công chức Văn hóa - Xã hội xã Hương Sơn cho biết, trên địa bàn xã hiện có 30 cơ sở tín ngưỡng như đình, chùa, đền, nghè, miếu, trong đó có 2 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh. Mấy năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm khai thác giá trị văn hóa, tâm linh của các điểm di tích, gắn với việc thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng có ý thức trong việc tôn tạo, giữ gìn những điểm di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, từ đó giúp nhân lên nét văn hóa đặc trưng ở vùng đất nơi cửa rừng.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam