Phiên livestream “Tự hào hàng Việt tỉnh Lai Châu - Lan tỏa tinh hoa vùng cao”.
Liên kết vùng bằng livestream: Sức bật từ mô hình truyền thông số thực chiến
Ngày 24/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lai Châu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp UBND tỉnh Lai Châu, TikTok Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam (SYS Việt Nam) - trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm vùng Trung du và miền núi phía bắc”.
Điểm nhấn đặc biệt của sự kiện là chuỗi phiên livestream quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh Lai Châu trên TikTok Shop, quy tụ hơn 40 sản phẩm OCOP và đặc sản bản địa.
Chỉ riêng phiên sáng 24/5, với sự tham gia của các KOLs như Mai Tây Bắc, Tú Nông Sản, Anh Bộ Đoại..., hộ kinh doanh Phìn Thị Chiển (huyện Mường Tè) đã chốt hơn 260 đơn hàng, đạt doanh thu gần 100 triệu đồng trong 30 phút - con số không tưởng với một hộ mới lần đầu tham gia thương mại điện tử.
Tổng chiến dịch đạt 783.000 lượt xem trực tiếp, tiếp cận 30 triệu người dùng và tạo ra 300 triệu đồng doanh thu thực tế. Hashtag #NongSanLaiChau ghi nhận hơn 50 triệu lượt hiển thị.
Khi truyền thông số kết hợp kinh tế số: Cơ hội mới cho sản phẩm bản địa
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, khoảng cách thương mại điện tử giữa các vùng miền vẫn còn lớn, đặc biệt ở các tỉnh miền núi, nơi thiếu hụt hạ tầng logistics, kỹ năng số và kết nối thị trường.
Livestream và các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop đang chứng minh vai trò là cầu nối hữu hiệu, vừa quảng bá sản phẩm bản địa, vừa xây dựng thương hiệu vùng nhanh chóng và tiết kiệm.
Đây không chỉ là xúc tiến thương mại, mà là một mô hình truyền thông số cộng đồng, nơi KOLs, TikToker, báo chí và chính quyền cùng chung tay làm “người kể chuyện” cho sản phẩm bản địa, trong thời gian thực, tương tác trực tiếp với hàng nghìn người dùng.
Người dân livestream bán hàng nông sản.
SYS Việt Nam: Từ livestream đến lớp học AI cho cộng đồng
Vai trò của SYS Việt Nam không dừng ở khâu tổ chức sự kiện. Đơn vị này hiện đang dẫn dắt Đề án "Nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam", phối hợp cùng TikTok Việt Nam và Báo Nhân Dân.
Ngoài hỗ trợ bán hàng qua livestream, SYS còn triển khai đào tạo thực chiến về xây dựng thương hiệu cá nhân số, vận hành gian hàng thương mại điện tử, tối ưu hóa nội dung ngắn trên mạng xã hội...
Đặc biệt, SYS Việt Nam đang vận hành dự án cộng đồng “Bình dân học vụ số-Cùng nhau học AI”, tổ chức các lớp học miễn phí hàng tuần qua Zoom, giúp thanh niên và người dân dễ dàng tiếp cận kiến thức nền tảng về trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh thực tế.
“Chúng tôi hướng đến mục tiêu kép: Không chỉ hỗ trợ tiêu thụ đặc sản địa phương, mà còn nâng cao năng lực số và chủ động làm chủ nền tảng công nghệ cho người dân ngay từ cộng đồng”, đại diện SYS Việt Nam chia sẻ.
Các đại biểu tham quan các gian hàng nông sản.
Kết nối 3 lực lượng: Công-tư-cộng đồng số
Chuỗi livestream “Tự hào hàng Việt tỉnh Lai Châu” là thí dụ điển hình cho mô hình truyền thông số hợp lực, nơi ba lực lượng chính - cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp nền tảng - phối hợp cùng các cá nhân sáng tạo nội dung để kích hoạt thương mại bản địa một cách tự nhiên và hiệu quả.
Thành công tại Lai Châu cho thấy mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng đến các vùng miền khác, trở thành công cụ xúc tiến thương mại điện tử phù hợp nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa trong chiến lược phát triển kinh tế số Việt Nam.
Livestream không còn là công cụ giải trí, mà đang trở thành hạ tầng xúc tiến kinh tế số hiệu quả nhất cho nông thôn Việt Nam. (Trích nhận định từ chuyên gia truyền thông số của Hội Truyền thông số Việt Nam)
ANH TUẤN