Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3)
Gánh nặng lãi vay
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024 của Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 40.691 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước. Giá vốn vẫn ở mức khá cao, lên đến 37.711 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giá vốn bán điện ghi nhận 37.232 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận gộp chỉ còn 2.980 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt mức 7,3% giảm so với con số 9,8% năm trước.
Chi phí tài chính tăng lên 3.608 tỷ đồng, gồm: Chi phí lãi vay 2.262 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá 1.347 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 671 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 846 tỷ đồng, năm trước lãi 1.250 tỷ đồng.
Kết quả, dù đạt mức doanh thu khủng, nhưng EVNGENCO3 lại ghi nhận lỗ 876 tỷ đồng trong năm 2024. Đáng chú ý, chi phí lãi vay trong năm 2024 của EVNGENCO3 ghi nhận 2.262 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc mỗi ngày đơn vị này phải chi đến gần 6 tỷ đồng để trả lãi vay.
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của EVNGENCO3 đạt 55.267 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm 33.015 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Tiếp đến, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 10.331 tỷ đồng, tăng 1,2% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là các công ty mua bán điện với 9.422 tỷ đồng.
Hàng tồn kho ở mức 2.455 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm, chủ yếu là nguyên vật liệu với 2.255 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm; còn lại là hàng hóa 32 tỷ đồng; công cụ, dụng cụ 120 tỷ đồng; chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 46 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền ở mức 619 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm; tiền gửi có kỳ hạn 2.880 tỷ đồng.
Đầu tư tài chính dài hạn 2.547 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Phần lớn trong đó là đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết với 2.010 tỷ đồng. Công ty đầu tư nhiều nhất vào Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh với 1.431 tỷ đồng; đầu tư góp vốn vào đơn vị khác với tổng giá trị 579 tỷ đồng.
EVNGENCO 3 ghi nhận chi phí lãi vay 2.262 tỷ đồng trong năm 2024 (Ảnh: BCTC PGV)
Tài sản dài hạn khác ở mức 2.268 tỷ đồng tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn với 2.008 tỷ đồng và chi phí trả trước dài hạn 260 tỷ đồng.
Đối mặt thách thức tài chính
Về phía nguồn vốn, tại ngày 31/12/2024, nợ phải trả của EVNGENCO 3 ở mức 40.697 tỷ đồng, giảm 5,5% so với đầu năm. Nợ vay chiếm gần 70% trong cơ cấu nợ phải trả với 31.895 tỷ đồng. Trong đó, vay dài hạn chiếm phần lớn với 26.010 tỷ đồng; vay ngắn hạn ở mức 5.885 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 14.570 tỷ đồng, giảm 7,6% so với đầu năm. Như vậy, hệ số nợ phải trả 40.697 tỷ đồng gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ có cải thiện, với mức dương 351 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước âm 1.485 tỷ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 236 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước dương 1.023 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 478 tỷ đồng do tiền thu từ đi vay trong kỳ ở mức 2.188 tỷ đồng, chi trả nợ gốc vay lên đến 2.616 tỷ đồng.
Theo thông tin từ trang Web của Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP đơn vị được thành lập theo Quyết định số 3025/QĐ-BCT ngày 1/6/2012 của Bộ Công thương trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Phú Mỹ, các công ty phát điện hạch toán phụ thuộc, các Ban quản lý dự án nguồn điện và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại một số công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (gọi tắt là EVN) đang hoạt động theo luật doanh nghiệp.
Ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2100/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 3, trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngày 1/10/2018, EVNGENCO3 chính thức hoạt động, EVN nắm giữ 99,2% cổ phần của EVNGENCO3.
Ngày 10/2/2022, EVNGENCO3 chính thức niêm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán là PGV. Trụ sở chính của EVNGENCO3 tại số 60 - 66, Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị Sala, phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Hiện nay, EVNGENCO3 do ông Đinh Quốc Lâm làm Chủ tịch HĐQT và ông Lê Văn Danh làm Tổng Giám đốc, có 8 đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: Công ty nhiệt điện Phú Mỹ, Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân, Công ty nhiệt điện Mông Dương, Công ty thủy điện Buôn Kuốp, Công ty dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện EVNGENCO3 (EPS), Ban Quản lý dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, Ban Quản lý dự án nhiệt điện 1, Ban Quản lý dự án nhiệt điện Thái Bình.
Ngoài ra, còn có 2 công ty con là Công ty Cổ phần nhiệt điện Bà Rịa và Công ty Cổ phần nhiệt điện Ninh Bình. Cùng 6 công ty liên kết, đầu tư góp vốn gồm: Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà, Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển điện Sê San 3A, Công ty Cổ phần Simacai.
Là một trong những tổng công ty phát điện lớn nhất cả nước, sở hữu nhiều công ty con và liên kết hoạt động trong lĩnh vực nhiệt điện và thủy điện, EVNGENCO 3 vẫn đang đối mặt với những thách thức tài chính. Với các tài sản cố định lớn, nhu cầu vốn đầu tư cao, cộng thêm hiệu quả sinh lời từ các khoản đầu tư và hoạt động kinh doanh chưa đủ bù đắp chi phí lãi vay khiến EVNGENCO 3 đang rơi vào vòng xoáy lỗ - vay - trả lãi triền miên.
Đức Huy