Lộ dấu hiệu buông lỏng quản lý và thiếu trách nhiệm từ vụ múc trộm đất trồng rừng tại Đà Nẵng

Lộ dấu hiệu buông lỏng quản lý và thiếu trách nhiệm từ vụ múc trộm đất trồng rừng tại Đà Nẵng
4 ngày trướcBài gốc
Phát hiện sự việc, nhiều hộ dân đang có đất trồng rừng sản xuất bị xâm phạm đã đến chính quyền địa phương đề nghị khẩn trương vào cuộc ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, 3 tháng trôi qua, người dân dường như không nhận được một động thái tích cực gì từ phía chính quyền. Lần này, bà con đã tìm đến Báo CAND trình bày vụ việc…
Lợi dụng thi công cảng hàng trăm tỷ để... múc trộm đất?
Chiều 19/11 vừa qua, tìm đến hiện trường vụ việc, PV Báo CAND ghi nhận nổi niềm bức xúc của nhiều hộ dân. Ông Nguyễn Thể (trú tổ 4, thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho biết, gia đình ông Thể đang có khu đất rừng sản xuất rộng gần 1ha trồng keo lá tràm tại khu đất nằm gần Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Dịch vụ logistics.
Theo các hộ dân thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), đã 3 tháng xảy ra sự việc múc trộm đất trồng rừng nhưng việc xử lý và đền bù thiệt hại chưa được thực hiện.
"Vào giữa tháng 8/2024, khi lên khu đồi kiểm tra rừng keo chuẩn bị thu hoạch thì tôi không tin vào mắt mình khi thấy cảnh tượng tan hoang. Hàng trăm khối đất và keo sắp thu hoạch đã bị xe chở đất đang thi công công trình tại đây ngang nhiên phá hủy, đào múc đất chở đi. Cả khu đồi trở nên nham nhở, tạo thành hố sâu", ông Thể kể.
Cùng chung tình cảnh như ông Thể còn có 5 hộ dân quanh khu vực cạnh đó. Cụ thể, theo ông Nguyễn Thuận cho biết, hơn 600m2 đất đồi của ông đã bị xe chở đất đang thi công trình Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Dịch vụ logistics đào múc trộm; ông Bùi Công Hoàng thì khẳng định, tổng cộng diện tích đất trồng keo bị xâm phạm của các hộ dân tại khu vực ven Dự án Trung tâm Dịch vụ logistics là hơn 2.062m2 bị múc trộm... "Trong quá trình theo dõi, chúng tôi phát hiện đơn vị đang thi công, san gạt công trình này đã lợi dụng việc cắm mốc ranh giới không rõ ràng, mở đường tạm cho xe vào thi công công trình. Và có thể chủ của các khu đất đồi này ở xa không hay biết nên các phương tiện đã tranh thủ múc trộm đất đồi nằm ngoài dự án, đất đồi của người dân khác cũng đang trồng keo lá tràm chở đi nơi khác", ông Thuận thông tin thêm.
Trở lại câu chuyện của 6 hộ dân tại tổ 4, thôn Phước Hưng, khi phát hiện ra sự việc, bà con đã đến chính quyền UBND xã Hòa Nhơn trình bày vụ việc và đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, buộc đưa các đối tượng trộm đất, phá hoại rừng sản xuất của người dân ra trước pháp luật, trả lại đất đồi, cây trồng cho người dân...
Theo ông Bùi Công Hoàng, khi tiếp nhận thông tin của người dân, lãnh đạo UBND xã Hòa Nhơn cùng các đơn vị chức năng có đến hiện trường kiểm tra, lập biên bản vụ việc, đo đạc thiệt hại đất và cây trồng của người dân. Nghe đâu xã cũng có đề nghị đơn vị đang nhận thi công công trình, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Dịch vụ logistics lên làm việc. "Tuy nhiên, 3 tháng trôi qua, trong khi quyền lợi chính đáng bị xâm phạm như thế nhưng chúng tôi không nhận được kết quả gì từ phía chính quyền. Mọi việc vẫn cứ như chưa hề được chúng tôi trình báo, phản ánh", một người dân bức xúc, kể thêm.
Việc bồi thường cho dân bị bỏ ngỏ
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Dịch vụ logistics nằm tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang do Công ty CP Cảng Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 550,085 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn tự có của chủ đầu tư và vốn vay.
Dự án Trung tâm Dịch vụ logistics này được nhận định sẽ là trung tâm logistics đầu tiên của TP Đà Nẵng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần vào quá trình phát triển ngành dịch vụ logistics của thành phố. Trung tâm có chức năng cung cấp dịch vụ tổng hợp và chất lượng cao trong công tác giao nhận và lưu kho hàng hóa, giám sát hàng gửi, dịch vụ hải quan...
Theo thông tin từ Công ty CP Cảng Đà Nẵng, Trung tâm Dịch vụ logistics đóng tại xã Hòa Nhơn sẽ được triển khai xây dựng trên diện tích 20ha, đã được UBND TP Đà Nẵng giao cho Công ty CP Cảng Đà Nẵng thuê và sử dụng lâu dài, với thời gian thuê đất kéo dài đến năm 2061. Với hệ thống kho bãi rộng lớn; hoạt động logistics theo định hướng ICD tích hợp kho ngoại quan, hải quan, kho nội địa, kho phân phối và kho thương mại điện tử, bãi chứa container...
Tuy nhiên, trong lúc Công ty CP Cảng Đà Nẵng đang triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu XL01 - thi công xây dựng Trung tâm Dịch vụ logistics tại huyện Hòa Vang. Đây là gói thầu lĩnh vực xây lắp, có hình thức dự thầu không qua mạng. Gói thầu có giá dự toán hơn 435 tỷ đồng. Thời gian thực hiện gói thầu 15 tháng... Thì tại dự án này đã dính phải nhiều phản ánh của người dân tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang", một cán bộ thừa nhận.
Làm việc với PV Báo CAND, ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, với những hình ảnh, chứng cứ cụ thể mà người dân ghi nhận, cung cấp, khi làm việc với cơ quan chức năng, phía đơn vị thi công và Ban Quản lý dự án đã thừa nhận việc một số xe múc đất đang thi công đã xâm phạm, múc trộm đất, chưa hề được sự đồng ý của người dân. Các đơn vị này cũng thừa nhận hàng nghìn mét vuông rừng trồng keo lá tràm sắp đến kỳ thu hoạch của 6 hộ dân nằm ngoài khu vực dự án đã bị phá hủy...
Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn còn cho biết, đơn vị thi công dự án kể trên đã biện lý do: "quá trình cắm mốc lộ giới thi công dự án có sự… nhầm lẫn, chồng lấn nên mới xảy ra tình trạng xe múc đất, giải phóng mặt bằng nhầm vào đất rừng sản xuất của người dân địa phương..?!". Hỏi thêm về động thái và trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Thu cho biết từ khi người dân phát hiện, phản ánh đến nay, chính quyền UBND xã Hòa Nhơn có 2 lần mời đơn vị thi công, các hộ dân có đất đồi, cây trồng bị xâm phạm lên… phân giải. "Thế nhưng việc xử lý, bồi thường thiệt hại cho các hộ dân vẫn còn… bỏ ngỏ vì chưa có tiếng nói chung và thẩm định chính xác tổng thiệt hại đất đồi, rừng sản xuất của bà con", ông Thu cho biết thêm.
Chiều 21/11, phản hồi với PV Báo CAND về vụ việc đất đồi, rừng sản xuất trồng keo lá tràm của một số hộ dân tại tổ 4, thôn Phước Hưng (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) bị xe của đơn vị thi công múc trộm đất, phá hủy cây trồng trên đất, ông Ngô Văn Tài, Giám đốc Công ty Tài Thiên Phú (địa chỉ Lô số 10, Khu tái định cư Hòa Liên 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết ngay khi tiếp nhận phản ánh sự việc từ phía người dân, công ty đã thừa nhận và cho đình chỉ công việc đối với tài xế điều khiển xe của công ty xe múc trộm đất.
Theo ông Tài, trong quá trình thi công dự án, theo đề nghị của Giám đốc Sở TN&MT tại Tờ trình số 214/TTr-STNMT ngày 22/5/2024 và Công văn số 2156 (VP-DTDT ngày 31/5/2024 của Văn phòng UBND thành phố) thì Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng được phép khai thác khoảng sân đất làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên trong dự án đầu tư xây dựng công trình trung tâm dịch vụ Logistics thuộc 2 xã Hòa Sơn và Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang).
Hơn 1,377 triệu m³ đất dư thừa được chuyển ra khỏi khu vực thi công được sử dụng cho công tác san lấp, phục vụ các dự án đầu tư xây dựng khác trên địa bàn TP Đà Nẵng như Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B; Dự án Khu tái định cư phía Nam chợ Miếu Bông (giai đoạn 2); Dự án Khu tái định cư Tân Ninh mở rộng; Dự án Khu tái định cư Hòa Khương; dự án tuyến đường Vành đai phía Tây...
Ông Tài nói công ty sẽ khắc phục sự việc, chấp nhận đền bù thiệt hại về đất và rừng keo trồng trên đất theo kết quả kiểm tra, thẩm định của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước người dân.
Đáng chú ý, khi đối chiếu với nội dung tại một văn bản do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ông Lê Trung Chinh ký chấp thuận về việc điều phối đất đắp cho các dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) trên địa bàn thành phố, chúng tôi phát hiện đất của Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Dịch vụ logistics tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang chỉ được chở cho các công trình đầu tư công. Nhưng theo phản ánh và những hình ảnh của người dân tại Hòa Nhơn cung cấp thì vào thời điểm trước khi thực hiện việc múc trộm, tàn phá rừng sản xuất của 6 hộ dân như kể trên, vào tháng 7 và 8/2024, bà con cũng đã phát hiện một nhóm xe tải chở đất từ dự án này đi đổ nhiều nơi không đúng quy định.
Được biết, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg trong đó có nhiều nội dung nhằm siết chặt trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hạn chế thất thoát. Qua sự việc này cho thấy dấu hiệu buông lỏng trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý chặt chẽ về việc khai thác tài nguyên đất. Việc vận dụng quy định pháp luật để xử lý hành vi lợi dụng thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn để khai thác, trộm đất trái phép chưa được thực thi đầy đủ, nghiêm túc.
Hoài Thu
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/lo-dau-hieu-buong-long-quan-ly-va-thieu-trach-nhiem-tu-vu-muc-trom-dat-trong-rung-tai-da-nang-i751035/