Theo Space.com, 2 hành tinh mới mang tên TOI-1453 b và TOI-1453 c đã được xác định xung quanh TOI-1453, một ngôi sao hơi nhỏ và lạnh hơn sao mẹ của chúng ta.
Cụm thế giới này nằm trong chòm sao Thiên Long (Draco), cách Trái Đất khoảng 250 năm ánh sáng.
Hai hành tinh mới được phát hiện - Minh họa AI: Thu Anh
Các hành tinh mới được xác định khi nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Manu Stalport từ Đại học Lìege (Bỉ) phân tích dữ liệu từ "thợ săn ngoại hành tinh" TESS của NASA và Kính thiên văn Quốc gia Galileo của Đài quan sát Roque de los Muchachos (Tây Ban Nha).
TOI-1453 b là một siêu Trái Đất, tức loại hành tinh đá giống địa cầu của chúng ta, nhưng lớn hơn; trong khi TOI-1453 c là một "tiểu Hải Vương Tinh", tức loại hành tinh khí nhỏ hơn Sao Hải Vương.
TOI-1453 b gây chú ý vì nó chỉ lớn hơn Trái Đất một chút và có vẻ chứa nhiều điểm tương đồng nhưng lại quay quá gần sao mẹ với chu kỳ chỉ tương đương 4,3 ngày trên địa cầu.
Điều đó đã biến nó thành một phiên bản "tử thần" của thế giới chúng ta đang sống. Chu kỳ cực gần này khiến hành tinh chịu cái nóng khắc nghiệt đến nỗi toàn bộ bầu khí quyển có thể bị tước bỏ.
Trong khi đó, mật độ cực thấp của TOI-1453 c cho thấy ngoại hành tinh này có thể có bầu khí quyển dày, giàu hydro hoặc có thành phần chủ yếu là nước, trở thành ứng viên thú vị cho các nghiên cứu về khí quyển ngoại hành tinh.
Sao mẹ của chúng thuộc về một hệ sao đôi, khiến 2 hành tinh càng trở nên thú vị vì chúng sẽ phải chịu tương tác hấp dẫn phức tạp hơn nhiều so với các hành tinh quay quanh các ngôi sao đơn lẻ.
Ngoài ra, siêu Trái Đất và Tiểu Hải Vương tinh là 2 loại hành tinh cực kỳ phổ biến trong thiên hà Milky Way (Ngân Hà) của chúng ta, nhưng lại vắng bóng trong Thái Dương hệ.
Do vậy, nghiên cứu về chúng được kỳ vọng giúp giải thích câu đố lâu đời: Vì sao hệ Mặt Trời lại phát triển một cách rất khác biệt so với hầu hết các hệ sao mà nhân loại từng tìm thấy?
Anh Thư