Lộ diện các dự án 'khủng' để Khánh Hòa lên thành phố trực thuộc Trương ương

Lộ diện các dự án 'khủng' để Khánh Hòa lên thành phố trực thuộc Trương ương
8 giờ trướcBài gốc
Dự kiến nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng trên 1 triệu tỷ đồng
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 100/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định số 100/QĐ-TTg, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của Khánh Hòa là 8,3% trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, Khánh Hòa dự kiến nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng trên 1 triệu tỷ đồng.
Khánh Hòa dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2030 khoảng trên 1 triệu tỷ đồng. Ảnh: Trung Nhân
Trong đó, nguồn vốn khu vực Nhà nước 153.000 tỷ đồng; nguồn vốn khu vực ngoài Nhà nước 661.000 tỷ đồng; nguồn vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 204.000 tỷ đồng.
Để thu hút phát triển đầu tư, Khánh Hòa cần triển khai rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt…
Đồng thời, huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh và Trung ương; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn; ưu tiên các công trình trọng điểm, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển, trong đó chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại...
Trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác, sử dụng các dự án giao thông quan trọng đang triển khai như dự án cao tốc và đường liên vùng.
Khánh Hòa cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác các dự án cao tốc. Ảnh: Trung Nhân
Đồng thời, nghiên cứu đầu tư dự án cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) để bổ sung trục kết nối Đông - Tây giữa tỉnh Khánh Hòa với khu vực Tây nguyên.
Qua đó, tạo điều kiện để Khánh Hòa huy động các nguồn lực, phát huy vai trò là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ chính ra Biển Đông, có vai trò trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế...
83 dự án ưu tiên đầu tư
Đáng chú ý, theo danh mục 83 dự án dự kiến ưu tiên đầu tư và phân kỳ thực hiện đến năm 2030 có 9 dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh như: đường sắt tốc độ cao đoạn TP Hồ Chí Minh - Nha Trang; nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương…
Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam (HVS), một trong những dự án nổi bật tại Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: HVS
Ngoài ra, còn có 74 dự án khác. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải có 18 dự án nổi bật là các dự án sân bay cho thủy phi cơ phục vụ du lịch gắn với các cảng khách du lịch tại Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh; hoàn thiện hạ tầng giao thông Khu kinh tế Vân Phong; tuyến đường vành đai 3 thành phố Nha Trang (đoạn Nguyễn Tất Thành đến Võ Nguyên Giáp); dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận…
Lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng số có 3 dự án, nổi bật là dự án Khu đô thị giáo dục, phát triển công nghệ và sản xuất phần mềm. Lĩnh vực khoa học công nghệ có 3 dự án với 2 dự án đáng chú ý là Trung tâm Khoa học công nghệ đẳng cấp quốc tế (Trung tâm Trí tuệ toàn cầu); Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương..
Về y tế có 4 dự án với các dự án lớn như xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa (để trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực duyên hải Trung Bộ); Bệnh viện Đa khoa quốc tế chất lượng cao…
Lĩnh vực du lịch có 8 dự án, đáng chú ý là nhóm các dự án Khu đô thị dịch vụ, du lịch cao cấp Tuần Lễ - Hòn Ngang, Khu du lịch cao cấp Đảo Điệp Sơn, Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng cao cấp Mũi Đá Son, Khu hỗn hợp dịch vụ, du lịch cao cấp núi Khải Lương…
Khánh Hòa có nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: Trung Nhân
Lĩnh vực hạ tầng đô thị có 12 dự án, nổi bật là Khu đô thị dọc hai bên bờ Sông Cái Nha Trang; nhóm các dự án Khu đô thị đa năng Cổ Mã Tu Bông; Khu đô thị Ven vịnh Cam Ranh; Khu đô thị mới Cam Lâm…
Lĩnh vực công nghiệp có 8 dự án, nổi bật là tổ hợp hóa dầu Nam Vân Phong 1 và 2; nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong. Lĩnh vực thương mại dịch vụ có 3 dự án gồm Khu phi thuế quan; Trung tâm thương mại, tài chính Đầm Môn và Khu dịch vụ hậu cần cảng Nam Vân Phong.
Các lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu có 5 dự án; lĩnh vực văn hóa có 4 dự án; lĩnh vực giáo dục, thể thao, tài nguyên môi trường cùng có 1 dự án và một số lĩnh vực khác.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Khánh Hòa chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng xây dựng, hoàn thiện thể chế của vùng, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng, liên vùng, phát triển ngành (cả nước) gắn với tư duy mở, cơ chế vượt trội, tập trung nguồn lực nhà nước đủ tầm mang tính dẫn dắt, thúc đẩy thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và đô thị ven biển.
Qua đó, góp phần giải quyết các điểm nghẽn, thu hút nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, kinh nghiệm để triển khai sớm các dự án mang tính động lực, phù hợp với định hướng phát triển theo Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trung Nhân
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/lo-dien-cac-du-an-khung-de-khanh-hoa-len-thanh-pho-truc-thuoc-truong-uong.html