Lo giá hàng hóa tăng theo giá điện

Lo giá hàng hóa tăng theo giá điện
3 giờ trướcBài gốc
Sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%, nhiều chủ nhà trọ, căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đã nhanh chóng điều chỉnh giá điện theo khung mới.
Quỳnh Như (27 tuổi, nhân viên văn phòng) đang thuê trọ tại quận Cầu Giấy, cũng nhận được thông báo từ chủ nhà chỉ sau 3 ngày. Trước tình trạng mỗi số điện nâng từ 4.000 đồng lên 4.500 đồng, chị Như ước tính hóa đơn tiền điện hàng tháng có thể tăng thêm 30.000-40.000 đồng.
Theo chị Như, phần chi phí chênh thêm này không đáng kể. Tuy nhiên, điều chị thực sự lo lắng là quyết định tăng giá điện của EVN có thể khiến giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt khi mùa mua sắm cuối năm đang đến gần.
Lo không chỉ giá điện tăng
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Minh Ngọc - chủ một homestay tại trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) - cho biết đã phải cân đối lại bài toán kinh doanh sau khi giá điện tăng.
Thông thường, giá điện chiếm 8-10% tổng chi phí của cơ sở lưu trú này. Bình quân mỗi tháng, anh phải trả 5-6 triệu đồng tiền điện, thậm chí có thể lên đến 7-8 triệu đồng trong giai đoạn cao điểm hè.
“Bên cạnh tiền điện, chúng tôi còn phải gánh nhiều chi phí khác như vật tư, nhân sự, giặt là, nặng nhất là tiền mặt bằng khoảng 50 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi tháng tổng chi phí dao động trên 70 triệu đồng. Việc tăng giá điện chắc chắn sẽ xáo trộn mọi tính toán ban đầu của chúng tôi”, anh Ngọc bộc bạch.
Đây không phải lần đầu tiên homestay này đối mặt với câu chuyện tăng giá điện. Trên thực tế, trong vòng 2 năm trở lại đây, EVN đã có 3 lần tăng giá điện với tổng biên độ điều chỉnh gần 10%.
Với giá điện hiện tại, cơ sở kinh doanh này chưa có kế hoạch nâng giá dịch vụ. Trong bối cảnh ngành du lịch và nhu cầu lưu trú vẫn đang phục hồi, việc điều chỉnh thời điểm này có thể khiến cơ sở khó có thêm khách.
Thay vào đó, anh Ngọc dự định trang bị hệ thống thẻ điện từ để tiết kiệm năng lượng hơn.
“Điện, nước là chi phí bắt buộc. Nếu giá điện tiếp tục tăng, chúng tôi sẽ có một số quy định chung với khách lưu trú về việc tiếp kiệm điện, hoặc sẽ tính tiền điện riêng với những khách ở lâu dài để tiết kiệm chi phí”, anh cho biết nhưng vẫn bỏ ngỏ khả năng tăng giá lưu trú, dịch vụ vào mùa cao điểm.
Đánh giá về đợt điều chỉnh giá điện lần này, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng tâm lý chung của người dân là không bao giờ muốn tăng giá. Do vậy, cần phải phân tích xem việc tăng giá liệu đã hợp lý, tác động đến từng đối tượng ra sao.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, với mức tăng 4,8%, hiện cả nước có trên 17,4 triệu hộ khách hàng sử dụng dưới 200 kWh/tháng. Ước tính chi phí tăng thêm mỗi hộ khoảng 13.800 đồng/tháng.
Đối với 547.000 khách hàng kinh doanh, dịch vụ, chi phí phát sinh thêm ước khoảng 247.00 đồng/tháng. Với 1,921 triệu hộ sản xuất, hóa đơn sẽ tăng thêm bình quân 499.000 đồng/tháng. Với 691.000 khách hàng xí nghiệp, mức tiền điện tăng thêm khoảng 91.000 đồng/tháng.
EVN khó tồn tại nếu không tăng giá
PGS. TS Ngô Trí Long cho biết điện là sản phẩm độc quyền, buộc Nhà nước phải định giá. Sau khi Quyết định 05 có hiệu lực từ ngày 15/5 năm nay thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN được hưởng cơ chế rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Đối với EVN, báo cáo gần đây cho thấy tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 528.604 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm 2022. Mức này tương đương giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,9 đồng/kWh, tăng gần 3% so với năm 2022.
Tuy nhiên, giá bán lẻ điện bình quân năm vừa qua lại dao động ở mức 1.920,3-2.006,7 đồng/kWh, tức EVN đang lỗ 82,2-168,5 đồng mỗi số điện bán ra.
Tính chung cả năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 34.244 tỷ đồng. Nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm còn 21.822 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện. Năm 2022, tập đoàn cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng từ hoạt động này.
“Trên cơ sở này, có thể thấy việc điều chỉnh giá điện đến từ yếu tố khách quan. Trước thực trạng bây giờ, nếu không tăng giá thì EVN khó tồn tại”, chuyên gia này phân tích.
Nếu không tăng giá thì EVN khó tồn tại
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Ông cũng đánh giá biên độ tăng giá lần này vừa phải, hợp lý. Nếu EVN không tăng mà tiếp tục “dồn nén” lên mức tăng 7-8%, hệ lụy gây ra sau này còn nhiều hơn nữa.
Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc EVN tăng giá điện sẽ không tác động lớn đến lạm phát cả năm khi năm 2024 chỉ còn 2 tháng nữa. Ông ước tính giá điện sau đợt điều chỉnh có thể làm chỉ số này tăng khoảng 0,04%.
Tại buổi công bố số liệu kinh tế đầu tháng 10, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho biết giá điện cứ tăng 10% thì sẽ tác động làm cho CPI tăng 0,33 điểm %.
Bình quân 9 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2023. Lạm phát cơ bản tăng 2,69%, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
So với mục tiêu 4,5% mà Quốc hội đề ra trong năm nay, đại diện Tổng cục Thống kê tự tin sẽ đạt được mục tiêu lạm phát đề ra.
Minh Khánh
Nguồn Znews : https://znews.vn/lo-gia-hang-hoa-tang-theo-gia-dien-post1505805.html