Lo hàng dệt may đội giá, sức tiêu thụ tại thị trường Mỹ sẽ giảm 50-70%

Lo hàng dệt may đội giá, sức tiêu thụ tại thị trường Mỹ sẽ giảm 50-70%
12 giờ trướcBài gốc
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%.
Theo số liệu từ Cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay, sản phẩm dệt may xuất khẩu sang Mỹ đạt 2,46 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Do đó, việc áp mức thuế với Việt Nam lên đến 46% gây bất ngờ cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may khi Mỹ vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Xuất khẩu dệt may tiếp tục mở rộng thị trường trong giai đoạn tới.
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (AGTEK) chia sẻ: “Một chiếc áo Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ giá 10 USD giờ phải cộng thêm 4,6 USD thuế. Vì vậy, người tiêu dùng Mỹ không ngần ngại chọn hàng từ Mexico hay Bangladesh với mức giá rẻ hơn. Có thể nói, ngành dệt may vốn đã cạnh tranh khốc liệt về giá, nay thuế 46% như một “cú giáng” lên hầu hết doanh nghiệp trong nước, đe dọa hàng triệu việc làm của công nhân.”
Trước đó, từ tháng 8/2024, ngành dệt may đã bắt đầu ghi nhận sự phục hồi và đã đưa ra mức dự báo về thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp dự báo mức thuế quan có thể ở mức tối đa là 25% thì nay con số này lên đến 46%.
Ông Việt cho biết thêm, thông thường, nếu thay đổi chính sách thuế quan, bên mua và bên bán cần khoảng thời gian 3 tháng để cân bằng giá cả và ổn định thị trường. Nhưng việc tăng đột biến như hiện nay thì người tiêu dùng Mỹ khó chấp nhận với mức giá khá cao và chắc chắn sẽ giảm sức mua từ 50-70%.
Trong khi đó, việc chuyển đổi thị trường vẫn phải cần thời gian nên khó khăn cho doanh nghiệp Việt có thể đến hết quý II hoặc sang giữa quý III/2025. Bởi ngành dệt may sử dụng nhiều lao động và chỉ mới phục hồi nên việc nâng cao nội lực là chưa đáng kể. Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì lượng lớn lao động, chấp nhận chi phí cao thì khả năng thua lỗ càng lớn, cả trong sản xuất và bán hàng.
Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, một vài tàu đang tăng tốc cập bến trước ngày 9/4. Số còn lại chắc chắn phải vào cảng, trong khi chi phí lưu kho, bãi có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp thì với các đơn hàng này, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu buộc phải chấp nhận mức thuế mới.
Với những đơn hàng đang sản xuất, doanh nghiệp có thể giãn thời gian để xem tình hình đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ. Hiện các đơn vị vẫn phải sản xuất nhưng để tồn kho trong thời gian ngắn, nếu Tổng thống Mỹ giảm thuế thì doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu bằng máy bay với chi phí 3 USD/ký hàng hóa, vẫn thấp hơn so với mức thuế 46% hiện nay.
Theo ông Việt, có rất nhiều phương án ứng phó nhưng mỗi một doanh nghiệp phải tự chọn một cách làm sao cho tối ưu nhất với tình hình hiện tại. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành có thể xây dựng thêm kế hoạch để mở rộng sang thị trường Trung Đông, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Nga…
Đồng thời, thị trường nào doanh nghiệp đang khai thác tốt cần tiếp tục mở rộng quy mô, hoặc cũng có thể quay về thị trường nội địa với hướng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, phát triển thị trường ngách, tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do… Doanh nghiệp cũng có thể giới thiệu thêm các mã hàng xuất khẩu sang Mỹ đến một vài thị trường truyền thống đang có, dù giá không đạt như mong muốn nhưng có thể giảm bớt rủi ro.
“Ngoài ra, hiện nguồn nguyên phụ liệu của ngành dệt may vẫn còn phụ thuộc bên ngoài khá nhiều, trong đó có thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, để nội địa hóa nguồn cung nguyên phụ liệu từ 30-50%, chúng ta cần ít nhất 2-3 năm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng lại chuỗi cung ứng mới, tìm kiếm nguồn cung từ các thị trường ít bị ảnh hưởng để có nguồn nguyên liệu sản xuất”, ông Việt chia sẻ.
Hoài Sương
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/lo-hang-det-may-doi-gia-suc-tieu-thu-tai-thi-truong-my-se-giam-50-70-d262259.html