Ngày nay, lô hội có mặt trong hàng loạt sản phẩm chăm sóc cá nhân, từ gel nguyên chất, kem dưỡng, sữa rửa mặt, xà phòng, gel cạo râu, đến son dưỡng môi và khăn giấy ướt...
Với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và tái tạo mô, lô hội được nhiều người tin dùng để điều trị cháy nắng, vết cắt, côn trùng đốt, nhiễm trùng nhẹ, hay đơn giản là để cấp ẩm cho da khô nhạy cảm.
1. Thành phần hoạt chất và tác dụng vượt trội của lô hội
Tên gọi "lô hội" bắt nguồn từ tiếng Ả Rập "Alloeh", tên khoa học là Aloe barbadensis miller, thuộc họ Asphodelaceae (Liliaceae). Lô hội chứa tới 75 hoạt chất sinh học bao gồm vitamin, enzyme, khoáng chất, đường, acid amin và các hợp chất thực vật có lợi, có tác dụng:
- Vitamin: Lô hội giàu vitamin A (beta-carotene), C, E – những chất chống oxy hóa mạnh giúp trung hòa các gốc tự do, ngăn ngừa lão hóa da. Ngoài ra, nó còn chứa vitamin B12, axit folic và choline hỗ trợ phục hồi tế bào.
- Enzyme: Các enzyme như bradykinase, amylase, lipase, catalase... giúp kháng viêm, tiêu hóa đường và chất béo trên bề mặt da, hỗ trợ quá trình tái tạo.
- Khoáng chất: Magiê, kẽm, canxi, selen và mangan có trong lô hội giúp cân bằng các chức năng trao đổi chất, đồng thời hỗ trợ chức năng bảo vệ da.
- Đường và polysaccharide: Các hợp chất như acemannan và glucomannan có khả năng giữ nước, thúc đẩy lành vết thương và kích thích sản sinh collagen.
- Anthraquinone: Bao gồm aloin và emodin có đặc tính nhuận tràng, giảm đau và kháng khuẩn tự nhiên.
Lô hội là một món quà thiên nhiên quý giá với làn da.
- Axit béo thực vật: Lupeol, beta-sitosterol, cholesterol thực vật giúp giảm viêm, sát trùng và làm dịu vùng da kích ứng.
- Axit salicylic và saponin: Có tác dụng làm sạch da, kháng khuẩn, chống viêm, ngừa mụn hiệu quả.
- Axit amin: Lô hội chứa 20/22 axit amin thiết yếu cho cơ thể, trong đó có 7/8 loại axit amin không thể tự tổng hợp.
2. Tác dụng làm đẹp của lô hội
Lô hội không chỉ nổi tiếng với khả năng làm dịu làn da bị kích ứng hay cháy nắng mà còn mang đến nhiều lợi ích thẩm mỹ khác:
- Dưỡng ẩm sâu: Mucopolysaccharide trong gel lô hội giúp giữ nước cho da, ngăn mất ẩm và cải thiện độ mềm mại. Điều này đặc biệt hữu ích với làn da khô, bong tróc do thời tiết hoặc tiếp xúc hóa chất.
- Chống lão hóa: Nhờ khả năng kích thích nguyên bào sợi, lô hội giúp cải thiện độ đàn hồi da, làm mờ các nếp nhăn nhỏ và làm săn chắc da. Một số nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng găng tay có chiết xuất lô hội giúp cải thiện rõ rệt tình trạng khô và tổn thương da do nghề nghiệp.
- Làm se và làm mềm da: Kẽm trong lô hội có tác dụng se lỗ chân lông, trong khi axit amin giúp làm mềm tế bào sừng trên bề mặt da, mang lại làn da mịn màng hơn.
- Kháng khuẩn, trị mụn: Với các hoạt chất tự nhiên như lupeol, phenol, axit salicylic, lưu huỳnh… lô hội có tác dụng kháng viêm, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, đồng thời giảm sưng và làm lành nhanh tổn thương do mụn.
Lô hội nổi tiếng với khả năng làm dịu làn da bị kích ứng hay cháy nắng.
3. Cách sử dụng lô hội
Bạn có thể tự thu hoạch gel lô hội từ lá để sử dụng trực tiếp bằng cách làm đơn giản như sau:
Cắt một lá lô hội trưởng thành ở phần sát gốc. Gọt bỏ phần gai hai bên mép lá. Dùng dao rạch dọc lá để lộ phần gel bên trong. Dùng thìa nạo gel ra, bôi trực tiếp lên vùng da cần chăm sóc bỏng nhẹ, kích ứng, mẩn đỏ, mụn hoặc vùng da khô nứt nẻ. Gel tươi từ lô hội sẽ mang lại cảm giác mát lạnh, dễ chịu, giúp làm dịu nhanh tình trạng khó chịu và hỗ trợ phục hồi tế bào da.
Lô hội không phải là "thần dược", nhưng là một món quà thiên nhiên quý giá với làn da – đặc biệt là da nhạy cảm, da tổn thương hoặc da đang gặp các vấn đề viêm nhiễm nhẹ. Nhờ bảng thành phần phong phú và tác dụng đa dạng, lô hội xứng đáng có mặt trong tủ thuốc và quy trình chăm sóc da của mỗi gia đình.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Lô hội - Nhiều lợi ích nhưng cần tránh với những người này - SKĐS