Lo kẹt giữa làn đạn, các nước vùng Vịnh hối thúc Mỹ kiềm chế Israel

Lo kẹt giữa làn đạn, các nước vùng Vịnh hối thúc Mỹ kiềm chế Israel
2 giờ trướcBài gốc
Reuters dẫn nguồn tin cho hay, các quốc gia vùng Vịnh đang vận động Mỹ ngăn chặn Israel tấn công các địa điểm khai thác dầu của Iran vì lo ngại các cơ sở dầu mỏ của họ có thể bị lực lượng ủy nhiệm của Tehran tấn công.
Các quốc gia vùng Vịnh bao gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar cũng từ chối cho Israel bay qua không phận của họ để thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào vào Iran và đã chuyển thông tin này tới Washington.
Động thái trên diễn ra sau nỗ lực ngoại giao của Iran nhằm thuyết phục các nước trong khu vực sử dụng tầm ảnh hưởng của họ với Mỹ để Washington ngăn chặn Israel nhắm mục tiêu vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ của Iran nhằm đáp trả cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel đầu tháng này.
Phía Iran nhấn mạnh, nếu kịch bản như vậy xảy ra, nước này sẽ đáp trả bằng những đòn tấn công tàn khốc vào cơ sở hạ tầng của Israel. Bất kỳ quốc gia nào hỗ trợ Israel trong một cuộc tấn công tiềm tàng đều sẽ bị coi là vượt “lằn ranh đỏ” của Iran cũng sẽ phải chịu thiệt hại.
Iran phóng gần 200 tên lửa đạn đạo về phía Israel hôm 1/10. Ảnh: Reuters
Iran cảnh báo sắc lạnh
Theo nguồn tin của Reuters, trong các cuộc họp tuần này, Iran đã cảnh báo Arab Saudi rằng họ không thể đảm bảo an toàn cho các cơ sở dầu mỏ của Riyadh nếu Israel được hỗ trợ thực hiện một cuộc tấn công.
“Phía Iran đã tuyên bố: ‘Nếu các quốc gia vùng Vịnh mở không phận cho Israel, đó sẽ là một hành động chiến tranh’”, ông Ali Shihabi, một nhà phân tích người Arab Saudi thân cận với hoàng gia nước này, cho biết.
Tehran đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Riyadh rằng các đồng minh của họ ở các quốc gia như Iraq hoặc Yemen có thể đáp trả nếu nước này có bất kỳ hành động hỗ trợ nào dành cho Israel để chống lại Iran.
Các quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận, một số đối tác khu vực đã trao đổi với Lầu Năm Góc rằng họ không muốn máy bay chiến đấu của Israel bay qua không phận của họ hoặc quân đội Mỹ tiến hành các hoạt động tấn công từ bên trong lãnh thổ của họ. Nhưng các quốc gia Arab cũng nói rằng lực lượng Mỹ được phép tiến hành các hoạt động tự vệ.
WSJ dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các nước Arab vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức.
Kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas ở Gaza bùng phát vào tháng 10/2023, các nước Arab đã nhiều lần thay đổi giới hạn đối với các hoạt động của Mỹ. Quan điểm của các nước Arab vùng Vịnh đã trở nên cứng rắn hơn khi xung đột lan rộng với các cuộc tấn công giữa Israel và Iran cũng như các cuộc tấn công của Israel vào Lebanon.
Theo các nhà phân tích, việc sử dụng không phận của Arab Saudi, UAE hoặc Qatar là không cần thiết về mặt chiến lược đối với Israel. Họ có thể có các tuyến đường khác để điều máy bay chiến đấu tấn công Iran, bao gồm cả qua Syria, nơi lực lượng không quân của nước này gần như được tự do di chuyển, và Iraq, nơi phòng không không thể sánh được với công nghệ tàng hình của Israel. Israel cũng có thể tiếp nhiên liệu trên không để máy bay của họ bay từ Biển Đỏ vào Ấn Độ Dương, tiến tới vùng Vịnh và sau đó bay trở lại.
Tuy nhiên, bất kỳ hạn chế nào của các nước Arab vùng Vịnh đối với hoạt động di chuyển của lực lượng Mỹ trong khu vực đều có thể khiến việc bảo vệ hoặc tái bố trí tài sản quân sự của Washington, chẳng hạn như tàu sân bay hoạt động ở Biển Đỏ, trở nên khó khăn hơn.
Hồi tháng 4, khi Iran lần đầu tiên nhắm mục tiêu vào Israel trong một cuộc tấn công trực tiếp, lực lượng Israel và Mỹ đã đánh chặn hầu hết các máy bay không người lái và tên lửa của Tehran. Tel Aviv và Washington có thể làm được điều này một phần là vì các nước Arab đã chuyển thông tin tình báo về kế hoạch tấn công của Tehran, mở không phận của họ cho máy bay chiến đấu, chia sẻ thông tin theo dõi radar hoặc trong một số trường hợp, cung cấp lực lượng của của họ để hỗ trợ.
“Át chủ bài” của Iran
Mặc dù các mối đe dọa từ Iran hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng chúng đã làm dấy lên mối lo ngại ở các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư rằng các cơ sở dầu mỏ chiến lược của họ có thể bị tấn công. Họ cũng lo ngại một cuộc xung đột lan rộng trong khu vực có thể làm giảm lượng dầu xuất khẩu qua Eo biển Hormuz.
Hormuz là eo biển hình chữ V nằm giữa Iran, UAE và Oman, kết nối Vịnh Ba Tư ở phía Bắc với Vịnh Oman, thông ra biển Arab. Eo biển dài 161 km, điểm hẹp nhất 33 km, luồng hàng hải theo mỗi hướng chỉ rộng khoảng 3 km.
Các cường quốc dầu mỏ ở Trung Đông gần như không có phương án nào khác để xuất khẩu dầu nếu eo Hormuz bị phong tỏa. Arab Saudi, UAE chỉ xuất khẩu một phần dầu mỏ qua đường ống trên bộ, trong khi Iraq, Kuwait, Qatar và Bahrain chỉ bán dầu qua đường biển.
Nếu Israel thực sự nhắm vào nền kinh tế dầu mỏ của Iran, Tehran không có lý do gì để bỏ qua cho những bên còn lại và dùng đến “át chủ bài” là eo biển Hormuz.
Saudi Arabia, với tư cách là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu cùng với các nước láng giềng sản xuất dầu mỏ - UAE, Qatar, Kuwait, Oman và Bahrain - rất quan tâm đến việc giảm căng thẳng giữa Israel và Iran.
“Chúng tôi sẽ bị kẹt ở giữa một cuộc chiến tên lửa. Có mối lo ngại thực sự nghiêm trọng, đặc biệt nếu Israel tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Iran”, một quan chức vùng Vịnh cho biết.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo WSJ, Reuters
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lo-ket-giua-lan-dan-cac-nuoc-vung-vinh-hoi-thuc-my-kiem-che-israel-post1127748.vov