Lo lạm phát nóng trở lại, chứng khoán Mỹ lao dốc

Lo lạm phát nóng trở lại, chứng khoán Mỹ lao dốc
một ngày trướcBài gốc
Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn diễn biến không đồng nhất. Ảnh: tipranks.com
Chốt phiên ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 sụt 0,3%, về còn 6.034,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,25%, xuống còn 19.034,91 điểm. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của cả hai chỉ số này.
Riêng chỉ số Dow Jones chứng kiến phiên lao dốc thứ tư liên tiếp, với mức giảm 154,1 điểm, tương đương giảm 0,35%, về mức 44.274,83 điểm.
“Đà tăng điểm trên sàn Phố Wall đã thu hẹp trong tuần trước. Giới đầu tư đang chờ xem liệu diễn biến của thị trường chỉ đơn thuần là tình trạng suy yếu thường thấy của giá cổ phiếu vào giữa tháng 12 hàng năm hay không. Tôi cho rằng họ đang kỳ vọng cổ phiếu sẽ sớm lấy lại đà khởi sắc, vì lịch sử cho thấy thị trường thường tăng bùng nổ vào cuối năm” - chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định.
Trong phiên giao dịch này, các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn diễn biến không đồng nhất. Oracle sụt 6,7% sau khi công ty phần mềm cơ sở dữ liệu công bố kết quả kinh doanh quý 3 thấp hơn dự báo của giới phân tích. Dù vậy, cổ phiếu Oracle đã tăng khoảng 68% kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ của Google – cộng 5,6% nhờ đạt bước tiến mang tính đột phá về điện toán lượng tử với việc công bố một con chip mới. Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng hơn 32%.
Trước phiên giảm này, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong phiên đầu tuần do chịu tác động từ đà giảm mạnh của “ông lớn” sản xuất chip Nvidia.
Trong phiên ngày thứ Ba, cổ phiếu Nvidia tiếp tục trượt hơn 2% sau khi lao dốc trong phiên đầu tuần do nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố đang tiến hành điều tra hãng sản xuất con chip này để làm sáng tỏ nghi vấn vi phạm luật chống độc quyền.
Trong khi đó, cổ phiếu Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook, phục hồi 1% sau khi giảm trong phiên đầu tuần.
Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 dự kiến công bố vào ngày thứ Tư, số liệu có thể ảnh hưởng tới quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp vào ngày 17-18/12.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo CPI toàn phần tháng 11 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
“Nhà đầu tư đang có tâm lý chờ đợi và quan sát các dữ liệu CPI và chỉ số giá sản xuất (PPI) tuần này. Họ mong đợi một con số không gây quá nhiều xáo trộn đối với Fed vào tuần tới” - bà Mona Mahajan, trưởng chiến lược đầu tư tại Edward Jones đánh giá.
Theo chuyên gia Mahajan, nếu CPI phù hợp với dự đoán, có nhiều kỳ vọng rằng Fed sẽ "bật đèn xanh" cho việc hạ lãi suất với mức 0,25%.
Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khoảng 86% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tuần tới. Xác suất dự báo Fed sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách trong cuộc họp sắp tới tăng vọt sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trong tháng 10 cùng với tăng trưởng việc làm chậm lại.
Ông Rick Rieder - giám đốc đầu tư tại BlackRock lưu ý thêm: "Fed được kỳ vọng sẽ có thêm đợt nới lỏng chính sách trong cuộc họp cuối cùng của năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng T.Ư Mỹ vẫn phải xem xét kỹ báo cáo CPI tháng 11 trước khi đưa ra quyết định về lãi suất”.
Nhìn xa hơn về trung hạn, thị trường cũng đang tìm kiếm các tín hiệu cho thấy khả năng Fed tạm dừng chu kỳ nới lỏng chính sách vào tháng 1/2025, sau khi một loạt quan chức Fed đã ám chỉ rằng tốc độ nới lỏng chính sách có thể cần phải chậm lại khi nền kinh tế vẫn ổn định.
“Vấn đề trọng yếu không chỉ phụ thuộc vào việc Fed sẽ làm gì vào tuần tới, mà là họ nói gì về lộ trình lãi suất trong tương lai,” bà Lindsey Bell, chiến lược gia trưởng tại 248 Ventures lưu ý.
Nguyễn Thu
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/lo-lam-phat-nong-tro-lai-chung-khoan-my-lao-doc.html