Lo lắng quá mức kéo dài: Dấu hiệu của rối loạn tâm thần

Lo lắng quá mức kéo dài: Dấu hiệu của rối loạn tâm thần
16 giờ trướcBài gốc
TS Dương Minh Tâm tư vấn cho người nhà bệnh nhân bị rối loạn sự thích ứng
Lo âu quá thành rối loạn tâm thần
Thời gian gần đây, Viện Sức Khỏe tâm thần (SKTT) Bệnh viện Bạch Mai – đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân do lo lắng quá mức mà thành bệnh rối loạn sự thích ứng. Từng có một cán bộ công tác trong cơ quan Nhà nước sốc vì bị thua lỗ hơn 20 tỷ đồng khi mua lan đột biến, đến mức tự sát 2 lần và phải điều trị dài ngày vì rối loạn sự thích ứng.
Bác sĩ Vũ Thị Lan (Viện SKKT) cũng chia sẻ về một nữ bệnh nhân mà chị đang điều trị. Bệnh nhân chưa đến 50 tuổi, tính hay lo lắng. Gần nửa năm nay, chị luôn thấy bồn chồn và sụt cân, nên đã đến Viện SKTT để khám và được bác sĩ xác định bị rối loạn sự thích ứng.
Theo bác sĩ Lan, nguyên nhân là do gần đây, chồng bệnh nhân làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều khiến người vợ quá lo lắng nên rơi vào căng thẳng, dẫn đến bệnh tật.
Trước tình hình những bệnh nhân mắc căn bệnh này càng nhiều trong cuộc sống hiện đại, Viện SKTT tiếp tục “gióng lên hồi chuông” cảnh báo về căn bệnh rối loạn sự thích ứng, để mọi người cảnh giác và phòng ngừa.
Tại hội nghị về bệnh rối loạn sự thích ứng, bác sĩ Dương Minh Tâm - Trưởng Đơn nguyên Các rối loạn liên quan đến stress của Viện SKTT - cho biết các nghiên cứu chỉ ra bệnh thường bắt đầu trong vòng 3 tháng kể từ khi có tác nhân gây căng thẳng và thuyên giảm trong vòng 6 tháng sau khi loại bỏ tác nhân gây căng thẳng.
Phụ nữ mắc nhiều gấp đôi nam giới
“Số người mắc bệnh chiếm 2 - 8% dân số và phụ nữ mắc nhiều gấp đôi nam giới. Còn ở độ tuổi thanh thiếu niên, tỉ lệ mắc giữa nam và nữ là ngang nhau. Các rối loạn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường được chẩn đoán ở thanh thiếu niên” – Bác sĩ Tâm lưu ý.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh thường là người đã gặp những căng thẳng trong thời thơ ấu, có vấn đề SKTT khác, hoặc gặp những khó khăn xảy ra cùng một lúc, khi còn nhỏ hoặc được bao bọc quá mức, căng thẳng mạn tính …
Stress cũng là nhân tố tác động trực tiếp của rối loạn sự thích ứng. Bệnh thường xuất hiện sau một hoặc nhiều yếu tố sang chấn. Nhân cách dễ bị tổn thương gây ra các biểu hiện lo âu, trầm cảm, mất khả năng ứng phó, dự định tương lai phía trước.
Bác sĩ Tâm cho biết các stress thường gặp như các vấn đề hôn nhân, bệnh tật, thay đổi hoàn cảnh như nghỉ hưu, sinh con hoặc đi học xa, mất việc làm, mất người thân hoặc gặp vấn đề về tài chính, gặp đề ở trường hoặc nơi làm việc, hay trải qua sự nguy hiểm đến tính mạng như bị tấn công, chiến đấu hoặc thiên tai …
TS Dương Minh Tâm
Biểu hiện của rối loạn sự thích ứng
Những triệu chứng nhận biết bệnh rối loạn sự thích ứng, gồm: Mất quan tâm, hứng thú với mọi việc; mệt mỏi nhiều, mất lòng tin hoặc sự tự trọng, luôn thấy mình có tội, thậm chí, có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát; rối loạn giấc ngủ và ăn không ngon miệng …
Bệnh nhân cũng có các đặc điểm của lo âu như hồi hộp, vã mồ hôi, run, khô miệng; khó thở, đau và khó chịu ở ngực, buồn nôn và khó chịu ở bụng; các cơn đỏ mặt hoặc ớn lạnh, tê cóng hoặc cảm giác kim châm.
Theo bác sĩ Tâm, ở người trẻ, những dấu hiệu bệnh còn là thường xuyên cáu giận trầm trọng, cãi người lớn; từ chối các yêu cầu của người lớn hoặc không tuân theo các luật lệ; cố tình làm những việc gây khó chịu cho người khác;
đổ lỗi cho người khác; có thái độ ác ý và hận thù, nói dối, không giữ lời hứa, tránh né nghĩa vụ…
Theo các chuyên gia, bệnh nhân rối loạn sự thích ứng cần phải điều trị cả liệu pháp tâm lý, hóa dược hoặc cả hai. Hiện tại, điều trị tâm lý trị liệu vẫn là lựa chọn cho các rối loạn sự thích ứng với việc xác định và thay đổi suy nghĩ và hành vi tiêu cực; giải quyết các vấn đề giữa các cá nhân và nhằm mục đích cải thiện giao tiếp và các mối quan hệ.
Ứng phó với stress:
- Xác định nguyên nhân, nguồn gốc của stress.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ, trấn an
- Loại bỏ các yếu tố gây stress và các yếu tố kích thích
- Thư giãn thông qua các kỹ thuật như thiền, xoa bóp, tập thở..
- Tái tương tác thông qua tái tiếp xúc có quản lý và giải mẫn cảm.
Thanh Hằng
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/lo-lang-qua-muc-keo-dai-dau-hieu-cua-roi-loan-tam-than-post181899.html