Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, ghi nhận từ gần 220 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước, số người chủ động tiêm vaccine cúm tăng cao, gấp 10 lần so với ngày thường.
Trong đó, nhóm đến tiêm gồm trẻ em, người lớn tuổi và người bệnh nền chiếm tỷ trọng lớn. Đây cũng là nhóm nguy cơ cao mắc bệnh, biến chứng, tăng khả năng nhập viện và tử vong, cần được ưu tiên bảo vệ. “Đặc biệt, lo mắc cúm mùa, nhiều nhà đổ xô đi tiêm vaccine, có đại gia đình hơn 20 thành viên cùng đến”, bác sĩ Chính nói. Để đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêm chủng, tiết kiệm thời gian cho người dân nhất, đơn vị làm việc xuyên trưa không nghỉ.
Vaccine cúm giúp giảm tỷ lệ nhập viện, nguy cơ trở nặng, tử vong. Trong mùa cúm năm 2019-2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết vaccine giúp giảm khoảng 7 triệu ca mắc, 100.000 người nhập viện và 7.000 ca tử vong do cúm.
Các nghiên cứu cho thấy, những người đã tiêm vaccine cúm nguy cơ phải vào viện chăm sóc đặc biệt (ICU) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong thấp hơn 31% so với người chưa tiêm. Ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vaccine giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong liên quan đến cúm. Tiêm cúm giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.
Nhiều người lớn tuổi chủ động tiêm vaccine cúm. (Ảnh: Phong Lan)
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao trong cộng đồng, thường ghi nhận chùm ca hoặc vụ dịch. Bệnh do virus cúm gây ra, với hai nhóm phổ biến gồm A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (chiếm khoảng 25%). Mầm bệnh có thể tồn tại hàng giờ ở bên ngoài môi trường, đặc biệt lâu hơn ở nhiệt độ lạnh, môi trường ẩm thấp. Từ 0 đến 4 độ C, virus có thể sống trong vòng vài tuần. Ở âm 20 độ C và đông khô, virus có thể sống đến vài năm.
Triệu chứng ban đầu của cúm gồm sốt, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể phục hồi sau 2 - 7 ngày, dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm lạnh thông thường. Vì vậy, người dân còn chủ quan cho rằng bệnh nhẹ, làm chậm trễ thời gian phát hiện và điều trị.
Trong khi bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết. Các nhóm như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, tiểu đường… nguy cơ cao trở nặng hơn.
Không ít bạn trẻ chủ động phòng ngừa bệnh cúm bằng tiêm vaccine. (Ảnh: Phong Lan)
Một trong những biến chứng nặng của cúm là viêm phổi. Bệnh nhân có thể mắc viêm phổi do virus cúm hoặc kèm theo bội nhiễm virus, vi khuẩn khác như phế cầu hoặc tụ cầu vàng. Ví dụ, người bệnh vừa bội nhiễm virus cúm và phế cầu khuẩn, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên gấp 8 lần.
Khi trở nặng, người bệnh xuất hiện cơn khó thở, thở nhanh, mệt lả, tím tái môi, lơ mơ. Nhóm nguy cơ cao đối diện nguy cơ tăng nặng bệnh nền, tổn thương đa cơ quan, suy cơ tim, suy hô hấp dẫn tới tử vong.
Để phòng bệnh, ngoài các biện pháp phòng bệnh như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, di chuyển trên phương tiện công cộng, người dân cần sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng, khám bệnh sớm khi có triệu chứng, không nên tự ý điều trị.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca nặng, 290.000 đến 650.000 trường hợp tử vong. Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, trong đó năm 2024 ghi nhận hơn 287.000 ca mắc, 8 ca tử vong. Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc cúm, có nhiều ca viêm phổi, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn nặng.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thống kê tính từ đầu năm 2025 đến nay, nước ta ghi nhận nhiều ca mắc cúm mùa. Các ca mắc cúm hiện tại chưa ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Cơ quan này khuyến cáo bên cạnh các biện pháp giữ vệ sinh như thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế tiếp xúc người có dấu hiệu mắc bệnh cần chủ động tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh cũng như các bệnh khác có thể gia tăng vào mùa lễ hội đầu năm như sởi, ho gà…
Như Loan