Lo ngại đánh thuế bất động sản 'nhầm và trượt' đối tượng

Lo ngại đánh thuế bất động sản 'nhầm và trượt' đối tượng
7 giờ trướcBài gốc
Doanh nghiệp băn khoăn và nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ
Ngay sau khi Bộ Xây dựng đề xuất việc đánh thuế bất động sản thứ hai, phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã nhận được nhiều cuộc gọi trao đổi, tâm sự từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mỗi cuộc chia sẻ đều mang đến những luồng cảm xúc khác nhau. Không ít trong số đó là các băn khoăn, trăn trở về tác động của chính sách thuế lên những người có tài chính eo hẹp.
Nhiều người mua bất động sản thứ hai với mục đích đơn thuần là tích sản cho thế hệ sau. Ảnh: Thanh Vũ
Ông Trần Vũ, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Xây dựng DHCONS băn khoăn rằng, có một số người đi làm cả đời mới tích góp mua được một căn nhà để dành lại cho con cháu. Mục đích mua bất động sản của họ hoàn toàn trong sáng và thu nhập của họ cũng không dư dả, dù sở hữu căn nhà thứ hai.
“Nếu đánh thuế trong trường hợp này, liệu có phải là đang tạo áp lực cho họ?", ông Trần Vũ đặt vấn đề.
Ngoài việc đánh thuế bất động sản thứ hai, Bộ Xây dựng cũng đề xuất thêm chính sách đánh thuế nhà/đất bỏ hoang. Về cơ bản, đây là quy định rất cần thiết để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai. Tuy nhiên, ông Trần Vũ nhấn mạnh rằng, chính sách này cần phải có những quy định rất cụ thể cho từng đối tượng, nếu không, việc áp thuế sẽ là tự tay “bóp nghẹt" thị trường địa ốc.
Theo đó, ông Trần Vũ cho rằng, một số người nhận được mảnh đất do cha mẹ để lại nhưng do điều kiện tài chính chưa cho phép hoặc vì chưa có nhu cầu, nên họ tạm thời không xây dựng công trình trên đất. Trong trường hợp này, người dân liệu có bị đánh thuế hay không? Đây sẽ là câu hỏi mà các bộ, ngành cần giải đáp trước khi áp dụng chính sách mới.
Xét dưới góc nhìn của doanh nghiệp, chính sách đánh thuế bất động sản bỏ hoang cũng còn nhiều điểm phải bàn. Bởi lẽ, các dự án địa ốc tại Việt Nam thường xuyên bị trễ hẹn bàn giao, do những vướng mắc pháp lý hoặc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Nếu vì những lý do khách quan mà dự án phải “đắp chiếu", việc phải chịu thêm thuế sẽ khiến doanh nghiệp kiệt sức.
“Với những dự án bị đình trệ, việc phải gồng trả lãi vay ngân hàng đã là một gánh nặng. Trong bối cảnh ngành địa ốc nói chung vẫn chỉ trên đà phục hồi, các chính sách áp thuế mạnh tay sẽ khiến doanh nghiệp trở nên kiệt quệ", ông Trần Vũ bình luận.
Vấn đề quyết định tới sự thành bại của chính sách thuế
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, việc đánh thuế bất động sản thứ hai là điều cần thiết và cần được áp dụng chung cho mọi đối tượng.
“Tôi hiểu và đồng cảm với những người tích góp cả đời mới mua thêm được một căn nhà hoặc thửa đất. Việc đánh thuế như vậy sẽ là gánh nặng cho họ. Tuy nhiên, các chính sách thuế cần phải vận hành theo nguyên tắc công bằng xã hội, không thể chia thành người giàu và nghèo”, ông Hiếu bình luận.
Từ “công bằng" mà vị chuyên gia đề cập được thể hiện thông qua việc đánh thuế dựa trên giá trị của bất động sản. Với những người có điều kiện tài chính eo hẹp, số lượng và giá trị bất động sản mà họ sở hữu sẽ ở mức thấp, từ đó khoản thuế phải đóng sẽ không quá nhiều. Ngược lại, những “cá mập" nắm trong tay khối tài sản lớn, số tiền thuế mà họ phải chịu sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhấn mạnh rằng, nếu đánh thuế bất động sản thứ hai dựa trên giá trị giao dịch, công tác thẩm định giá sẽ là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của cả chính sách. Tuy nhiên, việc thẩm định giá bất động sản ở Việt Nam vẫn chưa được chuyên nghiệp hóa, tình trạng kê khai hai giá thì xuất hiện tràn lan, cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường bất động sản lại vẫn chỉ “nằm trên giấy"...
“Bên cạnh đó, việc đánh thuế suất bao nhiêu để phù hợp với các tầng lớp trong xã hội cũng là vấn đề mà Quốc hội cần nghiên cứu. Thậm chí, ngoài đánh thuế bất động sản thứ hai hoặc bất động sản bỏ hoang, tôi không loại trừ khả năng sẽ có những loại thuế suất khác đi kèm", ông Hiếu bình luận.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ chuyên ngành bất động sản, Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, bản chất việc đánh thuế nhà/đất thứ hai sẽ dựa trên thuế lũy tiến. Bởi vậy, trong trường hợp chủ nhà tăng giá thuê, nguồn thu nhập của họ cũng sẽ đi lên, từ đó phải trả thuế nhiều hơn. Tương tự, người nào mua càng nhiều bất động sản, khoản thuế mà họ phải đóng sẽ càng lớn.
Tuy nhiên, ông Lượng cũng chỉ rõ, chính sách thuế này sẽ khó lòng được thực hiện hiệu quả, nếu thiếu đi nguồn dữ liệu minh bạch. Ví dụ trong các giao dịch cho thuê nhà, hợp đồng giữa hai bên cần được kê khai chính xác và chịu sự quản lý của Nhà nước. Khi đó, việc đánh thuế “mới đúng và trúng”, góp phần điều tiết thị trường, “ghìm cương” giá nhà. Dẫu vậy, câu chuyện về nguồn dữ liệu bất động sản vẫn đang là một bài toán chưa tìm được lời giải. Báo Đầu tư sẽ sớm có những bài viết đi sâu vào vấn đề này trên báo in và báo mạng điện tử.
Thanh Vũ
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/batdongsan/lo-ngai-danh-thue-bat-dong-san-nham-va-truot-doi-tuong-d226434.html