Động thái này xuất phát từ lo ngại rằng các phương tiện này, với hệ thống camera và cảm biến phức tạp, có thể bị lợi dụng cho mục đích gián điệp.
Giới chức quốc phòng Vương quốc Anh được cho là hạn chế xe điện Trung Quốc sản xuất hoặc sử dụng linh kiện từ nước này gần các căn cứ quân sự và địa điểm nhạy cảm. Ảnh: Carscoops.
Mối lo ngại chính bắt nguồn từ việc luật pháp Trung Quốc có thể cho phép chính phủ nước này truy cập dữ liệu do các phương tiện thu thập thông qua camera, radar và các cảm biến khác được trang bị ngày càng nhiều trên xe điện hiện đại. Chính khả năng truy cập dữ liệu này đã làm dấy lên quan ngại trong giới chức Anh về nguy cơ thông tin nhạy cảm bị thu thập.
Do đó, các hạn chế được cho là không chỉ áp dụng với các thương hiệu xe điện Trung Quốc như BYD, Great Wall Motors, MG, Omoda mà còn với bất kỳ xe điện nào sử dụng công nghệ hoặc linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc. Quân nhân và quan chức cũng được khuyến cáo tránh các cuộc trò chuyện nhạy cảm bên trong những chiếc xe điện Trung Quốc này vì nguy cơ bị theo dõi.
Theo trang tin The iPaper (Anh), dẫn nguồn nội bộ, nhân viên tại Căn cứ Không quân Hoàng gia (RAF) Wyton ở Cambridgeshire đã được yêu cầu đỗ xe điện Trung Quốc cũng như xe có linh kiện Trung Quốc cách các tòa nhà chính ít nhất 2 dặm (khoảng 3,2 km). Có thông tin cho rằng các biện pháp tương tự cũng được áp dụng tại khu vực huấn luyện quân sự Salisbury Plain.
Dù chưa có thông báo chính thức trên diện rộng, vấn đề này đã được đề cập tại Quốc hội Anh. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anh, Lord Coaker, xác nhận chính phủ đang phối hợp với các bộ khác để "hiểu và giảm thiểu mọi mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia từ các phương tiện".
Tuy nhiên, ông Coaker cũng không nêu đích danh quốc gia nào và nhấn mạnh rằng các chính sách hiện tại xem xét rủi ro từ mọi loại xe, không chỉ xe sản xuất tại Trung Quốc.
Ông khẳng định "không có chính sách hạn chế bắt buộc nào" đối với việc di chuyển xe Trung Quốc trên toàn quốc, nhưng thừa nhận một số cơ sở quốc phòng có thể áp dụng quy định riêng nghiêm ngặt hơn tùy thuộc vào địa điểm cụ thể, và từ chối cung cấp chi tiết vì lý do an ninh.
Bộ Quốc phòng Anh cũng không xác nhận hay phủ nhận các hạn chế cụ thể này, chỉ đưa ra tuyên bố chung rằng việc "bảo vệ an ninh quốc gia là nền tảng" và Bộ "có các quy trình bảo mật nghiêm ngặt" để bảo vệ thông tin nhạy cảm.
Đáng chú ý, các biện pháp hạn chế phương tiện vì lo ngại an ninh không phải là chưa có tiền lệ. Vài năm trở lại đây, chính Trung Quốc cũng đã áp dụng các hạn chế tương tự đối với xe Tesla của Mỹ tại các cơ sở quân sự, cơ quan nhà nước và một số địa điểm nhạy cảm khác, viện dẫn lo ngại về việc dữ liệu vị trí và môi trường do xe thu thập có thể bị chính phủ Mỹ truy cập.
PHƯƠNG LÊ
Theo Carscoops