Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật; hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị nhắc nhở về việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động quảng cáo và cung cấp thông tin trên mạng (Ảnh: Mạng xã hội)
'Ma trận'
Vài năm trở lại đây, việc các cá nhân, thương hiệu sử dụng sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube... để bán hàng, quảng bá sản phẩm đã dần trở nên phổ biến và là kênh mua bán quen thuộc của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít quảng cáo về sản phẩm không đúng sự thật, nói quá công dụng… gây mất niềm tin, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Nhiều người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” quảng cáo trên không gian mạng. Không chỉ là những lời quảng cáo “có cánh”, thần thánh hóa sản phẩm, nhiều video còn được lồng ghép hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo các thực phẩm chức năng. Không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng được mời tham gia review (đánh giá) sản phẩm trong khi tâm lý người tiêu dùng thường tin tưởng rằng người nổi tiếng đã quảng cáo là sản phẩm phải tốt nên đã đặt mua.
Gần đây, cộng đồng mạng xôn xao với câu chuyện xoay quanh kẹo rau củ Kera, sản phẩm được quảng cáo rầm rộ bởi Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên. Sản phẩm này gây không ít tranh cãi khi được giới thiệu là “mỗi viên kẹo tương đương một đĩa rau". Đây chỉ là một trong nhiều sản phẩm với quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội được đưa ra kiểm nghiệm bởi Bộ Y tế...
Ngày 20/3, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs do vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Nguyên nhân do hành vi quảng cáo sai lệch, gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm. Mỗi người bị phạt 70 triệu đồng và buộc phải cải chính thông tin sai phạm.
Khi xem các video ca nhạc trên YouTube, ông T.V.S. ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) bị thu hút bởi các quảng cáo xuất hiện giữa chừng. Nhiều lần ông S. bắt gặp quảng cáo về một bộ dao được người giới thiệu là sắc bén, độ bền cao, mức giá phù hợp. Tin theo lời quảng cáo, ông S. đặt một bộ dao gồm 6 dao với 399.000 đồng theo hướng dẫn trên video quảng cáo. Tuy nhiên, khi nhận về, những con dao không hề như cam kết của người bán hàng. Ông S. chỉ sử dụng những con dao này vài lần rồi đành bỏ xó. Ông S. liên hệ với số điện thoại trên video quảng cáo để phản hồi về chất lượng sản phẩm nhưng không được.
Để tránh quảng cáo rởm, người tiêu dùng cần phải cập nhật thông tin và đánh giá một cách khách quan trước khi quyết định mua sản phẩm
Chị B.T.K.D. ở TP Hải Dương là một tín đồ nghiện mua sắm trực tuyến. Mới đây chị đã mua một vài món đồ gia dụng như khay đựng trứng, móc treo thau chậu trên sàn thương mại điện tử Shopee. Theo quảng cáo, móc treo chậu này có độ bền cao, bám dính, có thể chịu được sức nặng đến 5 kg. Tuy nhiên, dù chị D. chỉ treo 1 chiếc chậu nhưng chỉ 1 – 2 ngày sau, móc treo chậu đã không còn bám dính, chị D. phải bỏ đi. Đây không phải là lần đầu chị D. nhận về các sản phẩm không bảo đảm chất lượng như những lời quảng cáo hoa mỹ. Dù vậy chị D. chưa bao giờ khiếu nại vì cho rằng những thủ tục này mất nhiều thời gian trong khi những món đồ chị mua thường có giá trị không quá lớn.
Còn vướng mắc, khó khăn trong xử lý
Thông qua việc giám sát hoạt động bán hàng, các quảng cáo, nội dung giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, lực lượng quản lý thị trường của Hải Dương đã phát hiện nhiều trường hợp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nhái, giả mạo thương hiệu nổi tiếng.
Ngày 8/11/2024, qua giám sát hoạt động bán hàng trên mạng xã hội kết hợp nắm tình hình kinh doanh trên địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hải Dương) kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Đông tại xã Kim Anh (Kim Thành). Qua kiểm tra phát hiện hộ này đang kinh doanh 15 đôi giày người lớn giả mạo nhãn hiệu "Adidas và hình", 15 đôi giày người lớn giả mạo nhãn hiệu "Nike và hình", trị giá hàng hóa vi phạm 4,5 triệu đồng. Hộ này đã bị xử phạt 6 triệu đồng.
Qua nắm bắt hoạt động kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh của ông Trần Trọng Phong ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương), phát hiện một loạt mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ (ảnh tư liệu)
Năm 2024, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương (Sở Y tế) đã thực hiện rà soát hồ sơ sản phẩm được cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm và giấy xác nhận nội dung quảng cáo của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua đối chiếu việc thực hiện quảng cáo sản phẩm trên các website với quy định của pháp luật, chi cục đã phát hiện 2 doanh nghiệp có trụ sở chi nhánh trên địa bàn Hải Dương vi phạm về việc quảng cáo thực phẩm trên mạng xã hội. Cụ thể, nội dung quảng cáo không phù hợp với các tài liệu theo quy định và sử dụng hình ảnh, trang phục, tên của bác sĩ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, cả 2 doanh nghiệp này đều không phối hợp làm việc nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Trần Đình Nam, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, khó khăn hiện nay là số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm rất lớn trong khi lực lượng thanh tra, kiểm tra lại mỏng. Các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh hàng hóa trên các sàn thương mại, nền tảng mạng xã hội. Chưa kể đến việc một số doanh nghiệp lại không hợp tác trong quá trình cơ quan quản lý yêu cầu phối hợp.
Quảng cáo rởm trên mạng dẫn đến nhiều hệ lụy đối với người tiêu dùng như mất tiền mà không nhận được sản phẩm chất lượng, thậm chí nhiều sản phẩm giả, kém chất lượng còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Để tránh quảng cáo rởm, người tiêu dùng cần cập nhật thông tin và đánh giá một cách khách quan trước khi quyết định mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ. Có thể tham khảo ý kiến của người dùng trước đó, đánh giá và bình luận của khách hàng, hoặc tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên các trang web uy tín hoặc các tổ chức độc lập.
Theo khoản 5, điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ... có thể bị phạt từ 60 – 80 triệu đồng.
HOÀNG QUÂN