Nhìn chung, giá khám chữa bệnh ở các bệnh viện cấp I như Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Đa khoa Nông nghiệp, Da liễu Trung ương… tăng trung bình gần 10.000 đồng/lượt.
Chi phí giường bệnh hồi sức cấp cứu tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng thêm khoảng 90.000 đồng/giường/ngày, trong khi giường điều trị loại 1 ở các bệnh viện tăng thêm khoảng 54.000 đồng/giường/ngày.
Cùng với việc tăng giá khám và giá giường bệnh, các bệnh viện cũng đã điều chỉnh tăng giá đối với hàng nghìn dịch vụ kỹ thuật, bao gồm xét nghiệm, gây tê, thuốc và oxy thanh toán qua cơ quan BHXH. Tùy thuộc vào từng loại dịch vụ và từng bệnh viện, mức giá mới tăng trung bình khoảng 10-12% so với mức giá cũ.
Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh và dịch vụ y tế dựa trên mức lương cơ sở mới là cần thiết để giúp các bệnh viện cân đối nguồn thu chi. Việc tăng giá này được cho là không ảnh hưởng đến quyền lợi của người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, do họ được BHYT chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.
Đối với những người có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% hoặc 5%, chi phí có thể tăng nhưng không đáng kể, và một phần được bù đắp bởi mức thu nhập từ lương đã tăng theo quy định mới. Tuy nhiên, đối với khoảng 8% dân số chưa tham gia BHYT, mức tăng này có thể ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt nếu họ sử dụng nhiều dịch vụ y tế hoặc điều trị các bệnh hiểm nghèo.
Ở góc độ quản lý vĩ mô, Bộ Y tế cho biết việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh lần này giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương dựa trên mức lương cơ sở. Trong năm 2024, toàn ngành sẽ hoàn tất việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh mà không gây xáo trộn lớn.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng việc giá dịch vụ y tế đã tăng hai lần trong vòng hai năm qua, với tổng mức tăng 20-30%, là quá cao và ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của người bệnh.
Về khả năng cân đối Quỹ BHYT, Bộ Y tế nhận định việc tăng giá khám chữa bệnh lần này không tác động lớn. Quỹ vẫn có thể cân đối nhờ chênh lệch thu - chi hàng năm, và mức thu quỹ BHYT đã tăng sớm hơn so với thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Dẫu vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế dù theo cách nào cũng cần đảm bảo công bằng về quyền lợi, đáp ứng đủ nhu cầu thuốc, thiết bị và vật tư y tế giữa khám chữa bệnh tư nhân và khám chữa bệnh qua BHYT.
Về dài hạn, các bệnh viện có thể tăng mức viện phí theo hướng “tính đúng, tính đủ” như nhiều chuyên gia khuyến nghị. Khi đó, giá viện phí có thể tăng mạnh, cùng với sự gia tăng của các chi phí khác, sẽ khiến việc khám chữa bệnh trở nên ngày càng đắt đỏ. Điều này có thể dẫn đến sự chênh lệch giữa tỷ lệ chi trả thực tế và mức thu nhập bình quân đầu người, không phản ánh đúng hoàn cảnh của nhiều tầng lớp người dân.
Đỗ Cường