Quang cảnh vịnh Disko ở Ilulissat, thủ phủ thành phố Avannaata thuộc Greenland (Đan Mạch). Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo tờ Politico (Mỹ) ngày 15/1, nỗ lực giành quyền kiểm soát Greenland của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể là một thương vụ làm ăn lớn đối với các công ty nhiên liệu hóa thạch, nhưng có thể đẩy hành tinh này vào vòng xoáy biến đổi khí hậu mà không có hy vọng phục hồi.
Ông Trump, người sẽ nhậm chức nhiệm kỳ hai vào ngày 20/1 tới, đã đưa ra tuyên bố muốn sáp nhập hòn đảo ở vùng băng giá này, vốn là một phần của Đan Mạch trong ba thế kỷ. Ông Trump đe dọa sẽ áp đặt mức thuế quan nặng nề để buộc Copenhagen phải hành động.
Có một lý do khác khiến hòn đảo này có thể là triển vọng hấp dẫn đối với Washington, ngoài tuyên bố của ông Trump về nhu cầu "an ninh kinh tế".
Theo đánh giá của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Greenland "chứa khoảng 31.400 triệu thùng dầu quy đổi (MMBOE)" và các sản phẩm nhiên liệu khác, bao gồm khoảng 148 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên.
Ajay Parmar, nhà phân tích thị trường dầu thô cấp cao của công ty thông tin hàng hóa ICIS, cho biết: "Đó là loại trữ lượng mà nếu được phát hiện ở Saudi Arabia hoặc Qatar, các doanh nghiệp sẽ vui mừng khôn xiết. Tất nhiên, vì nó ở Greenland, sẽ có những thách thức về mặt kỹ thuật khi lắp đặt đường ống để khai thác và vận chuyển nó đi khắp thế giới. Nhưng vẫn có một cơ hội thương mại lớn ở đó, ngay cả khi cần rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện".
Tuy nhiên, vào năm 2021, Greenland đã ban hành lệnh tạm dừng khai thác dầu khí sau khi đảng Inuit Ataqatigiit ủng hộ độc lập lên cầm quyền, tuyên bố "sẽ giải quyết nghiêm túc cuộc khủng hoảng khí hậu".
Ngược lại, ông Trump đã tuyên bố sẽ "giải phóng năng lượng của Mỹ" sau khi nhậm chức, và đã tóm tắt sự ủng hộ của mình đối với việc khai thác thêm dầu và khí đốt nói chung bằng một khẩu hiệu đơn giản, "khoan, khoan và khoan". Ông cũng đã hứa sẽ đảo ngược lệnh đóng băng các dự án khí đốt tự nhiên mới của chính quyền Biden và từ bỏ các cam kết của Mỹ về biến đổi khí hậu.
Các nhà vận động vì môi trường lo ngại rằng viễn cảnh Greenland rơi vào tay chính quyền Trump tiếp theo có thể đồng nghĩa với việc lệnh cấm khoan dầu khí sẽ bị hủy bỏ, dẫn đến lượng khí thải mà họ cho là tương đương với một "quả bom carbon".
Kirtana Chandrasekaran, nhà vận động của "Friends of the Earth", cho biết: "Chúng ta có thể nói rằng không có con đường nào để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C mà không bao gồm lệnh hoãn hoặc lệnh cấm hoặc không mở các mỏ dầu mới ở bất cứ đâu".
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, nghị sĩ Mike Waltz - Cố vấn An ninh quốc gia sắp tới của chính quyền Trump 2.0 - cho biết kế hoạch này "không chỉ liên quan đến Greenland".
"Đây là về Bắc Cực. Nga đang tìm cách thống trị ở Bắc Cực với hơn 60 tàu phá băng, một số trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân. Chúng tôi có hai tàu và một chiếc vừa bốc cháy", ông Waltz nói.
"Vấn đề là khi các tảng băng tan dần, Trung Quốc hiện đang cho ra mắt các tàu phá băng và đẩy mạnh hoạt động ở đó. Đó là vì dầu và khí đốt. Đó là an ninh quốc gia của chúng tôi", ông Waltz lưu ý thêm.
Theo Giáo sư Anne Tolvanen, đồng thời là Giám đốc chương trình nghiên cứu tại Viện Tài nguyên thiên nhiên Phần Lan, đồng tác giả của bài đánh giá về hoạt động khai thác mỏ trong môi trường Bắc Cực, tác động của hoạt động khai thác mỏ có thể gây ra hậu quả thảm khốc đối với hệ động thực vật ở khu vực băng tan.
"Mùa sinh trưởng ở phía Bắc ngắn và lạnh, vì vậy tất cả các loài đều trên bờ vực tuyệt chủng", Giáo sư Tolvanen tiết lộ và nhấn mạnh rằng thiên nhiên có thể mất "hàng thập kỷ hoặc thậm chí hàng thế kỷ" để phục hồi sau những xáo trộn do ngành công nghiệp nặng và các hoạt động khác của con người gây ra.
Vũ Thanh/Báo Tin tức