Lo ngại về tác động của tai nghe chống ồn đối với khả năng nghe

Lo ngại về tác động của tai nghe chống ồn đối với khả năng nghe
8 giờ trướcBài gốc
Tai nghe chống ồn. Ảnh: The Guardian
Tuy nhiên, một số chuyên gia thính học đang bày tỏ lo ngại rằng việc lạm dụng công nghệ này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng xử lý âm thanh của não bộ, đặc biệt là khi sử dụng trong thời gian dài.
Theo các chuyên gia, mặc dù tai nghe chống ồn giúp người dùng nghe nhạc ở mức âm lượng thấp hơn và giảm tác động của ô nhiễm tiếng ồn, nhưng việc liên tục lọc bỏ âm thanh xung quanh có thể gây ra hậu quả không mong muốn. Bà Renee Almeida - Trưởng nhóm lâm sàng thính học người lớn tại Imperial College Healthcare NHS Trust (Anh), nhận thấy số lượng bệnh nhân đến khám vì gặp vấn đề về thính giác ngày càng gia tăng, dù kết quả kiểm tra cho thấy tai của họ vẫn bình thường.
Bà Almeida nhận định rằng vấn đề có thể không nằm ở tai mà ở cách não bộ xử lý âm thanh. Một số người gặp khó khăn trong việc xác định hướng phát ra âm thanh hay theo dõi hội thoại trong môi trường ồn ào như trên tàu điện, trong quán bar, nhà hàng. Tình trạng này thường liên quan đến rối loạn xử lý thính giác (APD), vốn chủ yếu được chẩn đoán ở trẻ em. Việc số lượng người lớn mắc tình trạng tương tự gia tăng khiến bà Almeida đặt ra giả thuyết rằng tai nghe chống ồn có thể là một yếu tố tác động.
Theo bà, bộ não con người vốn quen với việc xử lý nhiều loại âm thanh khác nhau cùng lúc và tự động phân loại âm thanh nào cần chú ý. Tuy nhiên, khi sử dụng tai nghe chống ồn, não chỉ tiếp nhận một nguồn âm thanh duy nhất, chẳng hạn như nhạc hoặc podcast, mà không phải xử lý những âm thanh khác từ môi trường xung quanh. Điều này có thể khiến não bộ mất khả năng phân tích âm thanh trong môi trường thực tế, tương tự như cơ bắp bị suy yếu khi không được tập luyện thường xuyên.
Hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh rằng tai nghe chống ồn gây ra rối loạn xử lý thính giác, cũng như chưa có dữ liệu chính xác về mức độ gia tăng của tình trạng này. Tuy nhiên, bà Almeida cho rằng cần có thêm nghiên cứu để đánh giá tác động của việc sử dụng tai nghe chống ồn trong thời gian dài, đặc biệt là ở giới trẻ.
Theo thống kê, APD ảnh hưởng đến khoảng 3-5% trẻ em trong độ tuổi đi học. Nguyên nhân có thể liên quan đến cân nặng khi sinh thấp hoặc nhiễm trùng tai giữa mãn tính. Ở người lớn tuổi, APD có thể do đột quỵ hoặc chấn thương đầu. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Tiến sĩ Cheryl Edwards - chuyên gia thính học tại Bệnh viện Nhi Boston, cho biết trẻ mắc APD có thể gặp khó khăn trong việc nghe trong lớp học, xác định hướng phát ra âm thanh và tiếp nhận các tín hiệu ngôn ngữ như sự thay đổi giọng điệu trong giao tiếp. Tuy nhiên, khó có thể xác định liệu số ca mắc APD có thực sự gia tăng hay không, bởi lĩnh vực xử lý thính giác vốn dĩ đã là một chuyên ngành hẹp và dữ liệu theo dõi chưa đầy đủ.
Giáo sư Harvey Dillon - chuyên gia khoa học thính giác tại Đại học Manchester, nhận định rằng việc nghe có tác động đáng kể đến khả năng phân biệt lời nói trong môi trường có nhiều tạp âm. Ông cho biết trẻ em dần phát triển khả năng xác định nguồn âm thanh từ khoảng 5 đến 14 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ bị nhiễm trùng tai nhiều lần trước 5 tuổi, chúng có thể gặp khó khăn trong việc tập trung vào một âm thanh cụ thể giữa môi trường ồn ào. Trong những trường hợp này, trẻ cần được rèn luyện kỹ năng nghe thông qua các chương trình chuyên biệt.
Ở người lớn, khả năng xử lý thính giác có xu hướng linh hoạt hơn. Nếu một người đeo nút tai trong một tuần, họ có thể dần thích nghi với việc nghe ở môi trường ít âm thanh. Khi tháo nút tai, khả năng xử lý âm thanh có thể bị ảnh hưởng nhưng sẽ nhanh chóng phục hồi.
Giáo sư Dillon cho rằng giả thuyết tai nghe chống ồn có thể gây APD vẫn chưa có cơ sở khoa học. Theo ông, việc nghe nhạc ở âm lượng cao có thể là nguyên nhân gây tổn thương hệ thần kinh thính giác, thay vì bản thân công nghệ chống ồn. Ông lập luận rằng nếu tai nghe chống ồn giúp giảm mức âm lượng khi nghe nhạc mà vẫn đảm bảo chất lượng âm thanh, công nghệ này có thể có lợi nhiều hơn là gây hại.
Giáo sư Dani Tomlin - Trưởng khoa thính học và bệnh lý ngôn ngữ tại Đại học Melbourne, cho biết một số người sử dụng tai nghe chống ồn trong thời gian dài có thể cảm thấy khó khăn hơn khi nghe trở lại trong môi trường bình thường. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh lợi ích của tai nghe chống ồn, chẳng hạn như giúp kiểm soát cảm giác quá tải âm thanh ở những người có sự nhạy cảm thần kinh, cũng như cải thiện trải nghiệm nghe trên máy bay và tàu hỏa.
Thay vì khuyến nghị ngừng sử dụng tai nghe chống ồn, các chuyên gia cho rằng cần có thêm nghiên cứu toàn diện hơn để đánh giá tác động thực sự của công nghệ này.
Hiện tại, bà Almeida khuyến nghị người dùng nên kết hợp sử dụng tai nghe dẫn truyền qua xương và thực hành các bài tập luyện thính giác. Bà cũng khuyến khích mọi người rèn luyện khả năng nghe bằng cách tập trung vào các cuộc tranh luận trên radio hoặc ghi lại lời bài hát rap để cải thiện khả năng phân tích âm thanh của não bộ.
Hoàng Minh/Báo Tin tức (Theo The Guardian)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/dien-tu-vien-thong/lo-ngai-ve-tac-dong-cua-tai-nghe-chong-on-doi-voi-kha-nang-nghe-20250222195247918.htm