Áp lực quốc tế đè nặng lên Ấn Độ và Pakistan, yêu cầu hai nước này giảm bớt các hành động gây căng thẳng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành họp kín trong ngày 5/5 (theo giờ New York), trong khi các quan chức cấp cao từ các nước Nga , Iran, Mỹ, Trung Quốc,… cũng ra sức kêu gọi cả hai bên kiềm chế xung đột, giải quyết bất đồng thông qua đàm phán.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh sự cần thiết "tránh một cuộc đối đầu quân sự có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát". Ông nói thêm rằng, Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ sáng kiến nào ủng hộ việc hạ nhiệt căng thẳng bằng con đường ngoại giao và cam kết hướng tới hòa bình.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (5/5) đã điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam. Cùng ngày, Điện Kremlin lên tiếng kêu gọi Ấn Độ và Pakistan giảm căng thẳng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Chúng tôi đang hết sức lo ngại về bầu không khí căng thẳng đang diễn ra ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan. Ấn Độ là đối tác chiến lược của chúng tôi. Pakistan cũng là đối tác của chúng tôi trong nhiều vấn đề. Chúng tôi coi trọng mối quan hệ với cả hai bên. Chúng tôi luôn hy vọng rằng cả hai bên sẽ có thể thực hiện các biện pháp làm giảm căng thẳng".
Iran, quốc gia có mối quan hệ thân thiện với cả Ấn Độ và Pakistan đã thể hiện vai trò trung gian. Ngoại trưởng Iran hôm qua cũng đã có cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao của Pakistan, đề nghị giúp Pakistan giảm bớt căng thẳng với nước láng giềng Ấn Độ.
Hiện cả Pakistan và Ấn Độ đều phát động chiến dịch ngoại giao cùng hành động mạnh mẽ nhằm củng cố lập trường của mình. Pakistan một mực phủ nhận việc có liên quan đến vụ tấn công ngày 22/4. Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Pakixtan Ishaq Dar nhấn mạnh: “Pakistan sẽ không phải là nước đầu tiên có bất kỳ động thái leo thang nào. Nhưng trong trường hợp Ấn Độ có hành động gây căng thẳng, chúng tôi sẽ phản ứng rất mạnh mẽ. Pakistan không liên quan gì đến vụ việc Pahalgam. Chúng tôi yêu cầu một cuộc điều tra độc lập và minh bạch về vụ việc này".
Pakistan cũng đặc biệt quan ngại về việc đình chỉ Hiệp ước Nước sông Ấn năm 1960 - điều chỉnh việc phân bổ nước giữa Ấn Độ và Pakistan, cho rằng động thái này "chắc chắn sẽ làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực với những tác động thảm khốc".
Giới quan sát cũng lo ngại, động thái của Ấn Độ có thể gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu Pakistan không kịp thời điều tiết nguồn nước thay thế cho các vùng phụ thuộc vào nông nghiệp. Sự gián đoạn trong dòng chảy sông Chenab có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người, đẩy khu vực vào tình trạng căng thẳng mới không chỉ về quân sự mà còn về sinh thái và nhân đạo. Để đáp trả và cảnh báo láng giếng Ấn Độ, cách đây vài ngày, quân đội Pakistan tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm tên lửa tầm xa nhằm khẳng định khả năng sẵn sàng tác chiến và kiểm chứng các thông số kỹ thuật then chốt.
Ấn Độ được tin là đang chuẩn bị cho hành động quân sự liên quan tới vụ tấn công khủng bố ngày 22/4 tại vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir. Tại Kashmir, lực lượng Ấn Độ đã phát động một chiến dịch lớn để truy lùng những kẻ tấn công. Ít nhất 2.000 người đã bị bắt giữ và thẩm vấn. Bộ Nội vụ Ấn Độ hôm qua 5/5 cũng ra thông báo yêu cầu một số bang tiến hành chuẩn bị diễn tập mô phỏng tình huống báo động đến cấp làng xã tại 244 quận, với kịch bản có “các hành động đe dọa từ bên ngoài”.
Phương Anh/VOV1 (tổng hợp)