Lọ nước hoa tặng em

Lọ nước hoa tặng em
4 giờ trướcBài gốc
Cuộc gặp đầu mùa hạ
Tôi quen ông Hoàng Sơn Lâm rất tình cờ. Ông chơi thân với một người mà tôi quen biết, cũng là cựu chiến binh ở chiến trường Quân khu 5, người từng hành quân suốt dải Trường Sơn thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Còn tôi chỉ là vị khách ghé đến Bắc Giang trong một chiều đầu hạ năm ấy.
Gặp nhau trong quán nhỏ bên sông Thương, ba người đàn ông, hai người lính không cùng đơn vị nhưng chung một nỗi xúc động trước ký ức của một thời đã xa. Ông Lâm không nói nhiều. Lúc mọi người chuyện trò rôm rả về Trường Sơn, về Nam - Bắc, về bom đạn, ông chỉ ngồi trầm ngâm, ánh mắt như đang soi vào một ký ức nào đó trong lòng.
- Chuyện người lính như mình thì gian khổ ác liệt là lẽ thường, có chi đáng kể đâu - ông Lâm buông câu nói, rồi ngồi trầm ngâm.
Bất chợt, ông đứng dậy. Không ai kịp hỏi gì, ông đã phóng xe đi, bỏ lại hai chúng tôi ngơ ngác. Nhưng chỉ chừng mười lăm phút sau, ông quay lại, cầm theo một cuốn sổ tay cũ kỹ, bìa nhăn nheo và ngả màu thời gian. Ông không nói gì, chỉ lật chậm rãi đến một trang giấy đã ố, rồi đặt nó trước mặt tôi:
- Anh đọc đi. Cả đời tôi đó.
Giấy giới thiệu ông Hoàng Sơn Lâm đi tìm hài cốt của liệt sĩ Võ Thị Thùy Vinh cách đây hơn 30 năm. Ảnh: NHẬT THẢO
Tôi và ông bạn ghé đầu lại gần. Trong trang giấy ấy là một bài thơ, dòng chữ mờ nhòe do thấm nước đã lâu. Khi đọc đến khổ thơ thứ ba, tôi ngẩng lên thấy ông Lâm đang khóc. Vai ông run lên.
- Là mối tình đầu của ông? -tôi hỏi.
Ông im lặng, chờ cơn run rẩy dịu lại làm khô nước mắt...
Rồi ông kể về cô gái - một nữ giao liên tên Võ Thị Thùy Vinh, người con gái quê Quảng Ngãi, đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, trong một cơn lũ rừng ở ranh giới Trà My - Trà Thọ năm 1974.
Ông Lâm từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam năm 1971. Vinh lúc ấy vừa tròn mười 19 tuổi. Cô được biên chế về đơn vị thông tin, phụ trách công văn liên lạc giữa Tỉnh đội với các đơn vị vùng Trà Bồng, Tây Trà, Trà My (địa phận tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũ) - nơi địa hình hiểm trở, thường xuyên bị địch phục kích.
Ông Lâm gặp Vinh lần đầu trong một đêm mưa rừng. Cô gái mặc bộ đồ bà ba đẫm nước, gùi giấy tờ vẫn khô ráo, đôi mắt đen ngời ánh nhìn quả quyết. Cô không cười nhiều, nhưng ai cũng mến. Dẫu mảnh khảnh nhưng Vinh băng rừng chẳng ai theo kịp. Mỗi lần có công văn khẩn, người ta lại thấy bóng dáng cô gùi tài liệu đi xuyên qua dốc “Chín Cô”, lội qua suối Nà Liêu, leo dốc Xà Lang giữa trưa nắng, không nghỉ.
Bức thư ông Hoàng Sơn Lâm gửi lãnh đạo Bưu điện Quảng Ngãi năm 1995 khi đi tìm hài cốt liệt sĩ Võ Thị Thùy Vinh. Ảnh: NHẬT THẢO
- Cô ấy ít nói nhưng làm việc không ngừng. Có lần cô ấy bị sốt vẫn đòi đi giao bưu. Mọi người cản, cô ấy nói: “Trễ một giờ, đơn vị không nhận được mệnh lệnh thì em có lỗi”, ông Lâm kể, giọng nghèn nghẹn. Có lần tôi làm đuốc soi cho cô về trong mưa. Tay tôi bỏng, nhưng đổi lại là ánh mắt cô nhìn tôi lần đầu thật lâu. Cả hai không ai nói yêu ai, chỉ là những bữa cơm chờ nhau, lặng thầm, sâu kín. Rồi đến một ngày, Vinh đi mãi không về. Đó là một ngày trong tháng 12/1974, trận mưa lớn kéo dài cả tuần. Vinh được giao một công văn tối mật, đi đường tắt qua khe Nà Liêu. Đêm đó, nước suối dâng cao bất ngờ. Cô mất tích. Ba ngày sau, đơn vị tìm thấy cô dưới một rìa suối - thi thể kẹt trong bụi cây rậm rạp. "Đơn vị không có ván. Tôi liệm em trong tấm tăng rách, chôn tạm ở rìa rừng Tà Veo. Đêm ấy, tôi viết bài thơ cho em bên ánh đèn dầu chập chờn. Không đọc cho ai nghe", ông Lâm kể. Rồi ông khẽ đọc bài thơ năm ấy: “Bữa chiều nay có cá/ Em trực, nón ngang qua/ Biết tối về em đói/ Anh phần cơm trong nhà/ Anh gọi... Vinh ơi!/ Không nghe em dạ nữa/ Nồi cá còn ấm hơi/ Từ nay... em vắng bữa/ Chiến trường không có ván/ Liệm em bằng tấm tăng/ Và những dòng nước mắt/ Thay cho lời điếu văn”.
Giọt nước hoa bên bìa rừng Tà Veo
Mãi đến năm 1995, tròn 20 năm sau ngày giải phóng, ông Lâm mới có dịp trở lại Quảng Ngãi. Bằng nhiều cách liên hệ trước đó, ông đã tìm được thân nhân gia đình của Vinh. Họ đã chờ ông mãi.
Hai mươi mốt năm còn gì. Vinh không biết nơi đâu...
Ông đi cùng em trai liệt sĩ Vinh, ngược lên cánh rừng năm nào đi tìm lại nơi anh đã tận tay chôn chị. Bằng trí nhớ và những ghi chép tỉ mỉ trong cuốn sổ cũ của ông Lâm, họ dò qua từng dấu tích, từng con suối, từng gốc cây. Cuối cùng, bên rìa rừng Tà Veo, cảm giác và linh cảm chính xác, ông Lâm đã đào lên được một mớ tóc dài... Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là Vinh.
Tác giả Hồ Nhật Thảo bên phần mộ của liệt sĩ Võ Thị Thùy Vinh, ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Bình (nay là xã Sơn Tịnh). Ảnh: PV
Ông Lâm quỳ xuống. Mười đầu ngón tay run rẩy. Ông mở ba lô, lấy ra một lọ nước hoa nhỏ, món quà mua từ Bắc Giang mang vào từ trước. Ông nhỏ vài giọt lên mớ tóc, rồi đặt lọ nước hoa bên cạnh.
- Lọ nước hoa này là món quà đầu tiên tặng em. Vinh ơi...
Ông Lâm đã khóc như một đứa trẻ. Người em trai của chị Vinh lặng người, anh đã hiểu và như thấy chị mình.
Ông Lâm mở điện thoại cho chúng tôi xem tấm hình. Đó là hình ảnh ngôi mộ của liệt sĩ Võ Thị Thùy Vinh ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Bình, nay thuộc xã Sơn Tịnh. Hai mươi năm, ông Lâm không trở lại.
- Vì sao ông không về thắp nhang cho chị? - tôi buột miệng hỏi.
- Không cần đâu. Cô ấy đã ở trong cuốn sổ này rồi. Tôi khóc cô ấy cũng cảm nhận được mà.
Tôi nhìn lại trang chép bài thơ. Giờ mới thấy, nước mắt có dấu thời gian. “Người ta có thể yêu nhiều người trong một đời. Nhưng cũng có những người chỉ yêu một người, yêu một lần thôi... là đủ”, ông Lâm nói, giọng lặng như tro nguội.
Hôm ấy, tôi rời Bắc Giang khi Mặt Trời đã lặn sau núi Nham Biền. Trên chuyến xe đêm về Hà Nội, mùi nước hoa trong câu chuyện vẫn phảng phất đâu đó.
HỒ NHẬT THẢO
Nguồn Quảng Ngãi : https://baoquangngai.vn/lo-nuoc-hoa-tang-em-54969.htm